Sáng 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản tại Tokyo.Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản và đặc biệt là chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa qua.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự có mặt đông đảo của các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp Nhật Bản, mang lại tình cảm ấm áp và hy vọng to lớn về quan hệ hai nước. Thủ tướng đánh giá, trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức rất cao.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 2 về hợp tác lao động, đứng thứ 3 về hợp tác đầu tư và du lịch, đứng thứ 4 về hợp tác thương mại. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Với trên 5.200 dự án và hơn 71,5 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm.
Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 40 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt gần 20 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương nhất với Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.
Đặc biệt, có trên 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản và 22.000 người Nhật Bản làm việc, sinh sống, học tập tại Việt Nam.
Chia sẻ về các yếu tố nền tảng thúc đẩy phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gồm cả hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa…
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; xác định lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Việt Nam tiếp tục bảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không". Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo hướng "dân tộc, khoa học, đại chúng", văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử.
Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.100 USD (năm 2022). Nằm trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; top 20 nước dẫn đầu về kim ngạch thương mại (năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD); đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước G7, G20…
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ; tình hình KTXH tiếp tục có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực với kết quả "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước". Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
“Có thể nói, Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn trước cơn bão, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro như hiện nay”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cho biết thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững; tập trung phát triển những lĩnh vực mới nổi, xu thế của thế giới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Trong quá trình đó, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội…
Thủ tướng nêu rõ, việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là nền tảng chính trị quan trọng để tiếp tục mở rộng không gian hợp tác trong những lĩnh vực mới mà hai bên có thế mạnh.
Việt Nam cần phía Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp, tiếp tục hợp tác, hỗ trợ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hỗ trợ về tài chính với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ về chuyển giao công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng cũng đề nghị phía Nhật hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và Việt Nam sẽ cung ứng nguồn nhân lực cho các đối tác. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương; thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư và thành công tại Việt Nam, thu được kết quả ngày càng cao hơn, thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.