Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo TP. HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng nay (4/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần phải lấy hệ thống chính trị ở cơ sở làm nền tảng, làm pháo đài chống dịch. Bởi cấp chính quyền “kiểm soát từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng phải là cơ sở”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao phát biểu của lãnh đạo các tỉnh, thành phố với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, phản ánh đúng tình hình thực tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc, vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ở các địa phương và đề xuất nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn. Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của các tỉnh có ổ dịch lớn, nhất là TP. HCM và các tỉnh lân cận.
Thủ tướng chỉ đạo, càng khó khăn phức tạp thì càng phải đoàn kết thống nhất, lắng nghe ý kiến, chia sẻ, tiếp thu, hoàn chỉnh, có các giải pháp phù hợp sát với thực tế từ địa phương, đơn vị. Chống dịch là một hoạt động chưa có tiền lệ nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đồng thời phải luôn xác định, TP. HCM, Hà Nội là 2 khu vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trọng điểm của cả nước nên phải ưu tiên số 1. Ngoài phương châm đã có, nên nghiên cứu bổ sung hài hòa hợp lý giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” kết hợp sức mạnh tổng lực đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng nhận định, thời gian tới, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, cần phải tiếp tục kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên, tập trung dập dịch trên tinh thần xuyên suốt “phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, dập dịch tích cực hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình”. Căn cứ tình hình cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên. Lúc nào chống dịch ưu tiên, lúc nào phát triển kinh tế - xã hội ưu tiên và lúc nào có thể thực hiện cả hai, cần căn cứ vào tình hình cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, mua sắm thiết bị, sinh phẩm phòng, chống dịch phải dùng cơ chế chịu trách nhiệm tập thể, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
TP. HCM là trung tâm đầu mối, luôn xác định khó khăn hơn bất cứ địa phương nào trong nước. Do đó, bộ máy lãnh đạo càng phải tập trung hơn. Chú ý bổ sung lực lượng cho TP. HCM và các tỉnh xung quanh về công tác liên quan đến tư vấn, hướng dẫn, thực hiện phòng, chống dịch. Thủ tướng lưu ý, khi có trong tay nhiều lực lượng thì phải chỉ huy sao cho thống nhất, tập trung, không phân tán. Dựa vào Ban Chỉ đạo của Thành phố, phân công từng tuyến, từng cấp, các lực lượng bộ đội, công an và cấp ủy, chính quyền sao cho hợp lý. Các bộ ngành, các tỉnh lân cận phải phối hợp cùng TP.HCM phân luồng, phân tuyến không gây chồng chéo, ách tắc.
Thủ tướng yêu cầu, phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm, cá thể hóa từng cấp, từng ngành; lấy hệ thống chính trị cơ sở là nền tảng chống dịch.
“Lấy hệ thống chính trị ở cơ sở làm nền tảng. Bởi hệ thống chính trị ở cơ sở là những pháo đài chống dịch quan trọng trong công tác kiểm soát từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Tôi cũng đã trao đổi với lực lượng công an. Chính lực lượng công an phường, công an xã chính quy sẽ cùng với chính quyền, cùng với cấp ủy, cùng với tổ phòng, chống dịch COVID-19 rà soát, quản lý các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Lực lượng công an phải chịu trách nhiệm về việc này. Phải có sự hỗ trợ từ lực lượng công an, quân đội thì chính quyền mới kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Luôn sẵn sàng tinh thần là cấp xã chủ động lo cho cấp xã, cấp huyện chủ động lo cho cấp huyện, cấp tỉnh chủ động lo cho cấp tỉnh, cấp trên để phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ điều phối và phối hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.” – Người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Thông qua hệ thống chính trị, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện 4 tại chỗ nhưng ở mức cao hơn. Tinh thần 3 không: “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” căn cứ vào tình hình cụ thể thực hiện cách ly phong tỏa diện hẹp, thần tốc, nhanh chóng cách ly F0. Giãn cách ở diện rộng để kiểm soát lây nhiễm tốt hơn. Riêng TP. HCM phong tỏa cách ly cần cân nhắc.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện 5K+ vaccine, ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, dần hoàn thiện công nghệ. Thí điểm tự xét nghiệm và cách ly tại nhà. Bộ Y tế hoàn thiện quy chuẩn, quy trình, nhưng quan trọng nhất là phải chính xác và an toàn. Các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn ách tắc; phải xem lại rất cụ thể, vướng điều nào để giải thích, hướng dẫn.
Về hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, các quy định, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không thể ban hành ra một quy định cứng nhắc trong điều kiện hiện nay. Một chính sách, một quy định có thể phù hợp trong ngày hôm nay nhưng đến ngày mai đã bị lạc hậu rồi bởi thực tiễn đã thay đổi. Tôi đề nghị những gì đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số người ta đồng tình ủng hộ thì ta luật hóa nó, ta đưa vào quy định; còn những quy định mà thực tiễn vượt quá rồi hoặc là chưa có quy định, tôi đề nghị các đồng chí ở các cấp, các ngành mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần trên tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội.” – Thủ tướng Chính phủ nói.
Bộ GTVT căn cứ Chỉ thị 15, 16 phối hợp tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông và kiểm soát con người. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng quyền hạn, chỉ đạo ngành dọc, vừa chủ động, vừa phối hợp điều chỉnh cho phù hợp. Siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, kiểm soát theo chức năng nhiệm vụ thẩm quyền. Ai làm tốt biểu dương khen thưởng. Chưa làm tốt, kỷ luật, luân chuyển.
Thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, chuẩn bị cả về nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết cũng như quy trình, cách tổ chức triển khai tốt nhất, an toàn nhất cho chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Thủ tướng giao Bộ Y tế phải kiểm soát chất lượng, lưu trữ và tổ chức việc thực hiện chiến dịch tiêm vaccine.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phòng, chống dịch. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn./.