Sáng 20/6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
TẬP TRUNG QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Tính từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 31 ca bệnh. Riêng từ ngày 13/6 đến nay, tỉnh ghi nhận 26 trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng (TP. Vinh 16 ca; Diễn Châu 8 ca; Tân Kỳ 1 ca; Quỳ Hợp 1 ca). Từ. Ngày 13/6 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện lấy 14.106 mẫu. Tổng số công dân đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe trên địa bàn tỉnh là 25.586 trường hợp.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh khẳng định, công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu.
Tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt hệ thống các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Các biện pháp phòng chống dịch được đưa ra triển khai kịp thời, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực, được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Toàn tỉnh đã thiết lập hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 5 cơ sở tuyến tỉnh và 19 cơ sở tuyến huyện với 350 giường bệnh. Tỉnh đang gấp rút sửa chữa, bổ sung các hạng mục để Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên có quy mô 100 giường bệnh sẵn sàng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hiện toàn tỉnh có 7 phòng có khả năng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR với công suất tối đa khoảng 33.500 mẫu/ngày; khả năng lấy hơn 200.000 mẫu/ngày, năng lực cách ly tập trung toàn tỉnh được khoảng 10.000 người.
Về công tác tiêm chủng vắc-xin, tính đến hết ngày 26/5, toàn tỉnh đã có 24.710 người đã được tiêm. Hiện nay, tỉnh đã triển khai tổ chức tiêm vắc-xin đợt 2 với số lượng phân bổ là 16.100 liều, với năng lực khoảng 10.000 liều/ngày đến tuyến huyện. Dự kiến hoạt động sẽ hoàn thành trước ngày 25/6.
Tỉnh Nghệ An kiến nghị Trung ương ưu tiên nguồn vắc-xin đảm bảo sớm cho tỉnh; hỗ trợ 2 máy Ecmo, 2 máy lọc máu liên tục và một số máy thở; hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, đặc biệt là test nhanh bằng kháng nguyên; hỗ trợ vật tư để tỉnh phòng chống dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế đề nghị tỉnh Nghệ An thực hiện nhiều biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19 như: Rà soát những người có triệu chứng hô hấp, ốm thì cần lấy mẫu test nhanh ngay; dựa vào cộng đồng để phòng, chống dịch với quan điểm làm thực chất, lâu dài; ứng dụng CNTT trong việc xét nghiệm và trả mẫu.
Các thành viên trong đoàn cũng đề nghị tỉnh Nghệ An gửi các mẫu dương tính ra Trung ương để giải trình tự gen, phục vụ cho công tác truy vết; test nhanh ít nhất 20% đối tượng nguy cơ cao trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; mở rộng, tăng các khu cách ly; xây dựng kịch bản ứng phó khi số lượng ca nhiễm lên đến 300 trường hợp.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, đã xây dựng 2 bệnh viện dã chiến tại TP. Vinh và huyện Nam Đàn, riêng tại TP. Vinh là khoảng 200 giường. Quân khu 4 cũng đang tích cực triển khai các điều kiện cần thiết về kho lạnh bảo quản, phương tiện, nhân lực vận chuyển vắc-xin Covid-19. Đồng thời, đề nghị Nghệ An phối hợp với Quân khu 4 thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch vận chuyển vắc-xin, truy vết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, hiện tỉnh đang cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong suốt thời gian qua, công tác phòng, chống dịch được tỉnh nỗ lực thực hiện với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời... đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế. Qua 4 đợt dịch thì 3 đợt đầu kết quả phòng, chống dịch của tỉnh là rất tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã xây dựng các kịch bản, phương án đối phó với các tình huống dịch có thể xảy ra. Tỉnh cũng đã áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, phù hợp với tình hình thực tế để cố gắng khống chế, kiểm soát, không để dịch lây lan trên diện rông. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các biện pháp thì tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Nhấn mạnh tính chất phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đức Trung khẳng định, tỉnh sẽ chủ động kiểm soát các địa bàn phức tạp, các ca nhiễm để khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã kích hoạt mức độ phòng chống dịch ở mức cao nhất, yêu cầu tất cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc với tinh thần kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, dựa vào dân, phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng, áp dụng phương châm 4 tại chỗ.
Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần chủ động, quyết liệt. Đồng thời, tiếp tục cập nhật các kịch bản phòng, chống dịch khi dịch diễn biến phức tạp, trong đó đặc biệt quan tâm công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp. Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Quân khu 4, các đơn vị liên quan để triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 đúng tiến độ, hiệu quả cao nhất.
Trước yêu cầu đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Nghệ An chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, phương tiện, xây dựng kế hoạch phân bổ, phối hợp với các đơn vị tiêm vắc-xin đúng tiến độ. Thứ trưởng cũng trao đổi những chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể ở công tác cách ly, điều trị, xét nghiệm.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh Nghệ An, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh cần tập huấn, quán triệt đến tận cấp xã, đến ngành chức năng để cập nhật vào bản đồ nguy cơ dịch của tỉnh, kết nối với Ban chỉ đạo Quốc gia. Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại từng địa phương, địa bàn, khu dân cư.
Về các biện pháp phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, khi phát hiện ca bệnh thì khoanh vùng phải rộng nhưng cách ly, phong tỏa phải hẹp để đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong khu phong tỏa thì phải thực hiện nghiêm việc cách ly, có sự giám sát chặt chẽ. Tỉnh phải hết sức lưu ý công tác phòng chống dịch trong các nhà trọ của công nhân, bệnh viện, vì đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nâng cao năng lực xét nghiệm RT-PCR lên 70.000 mẫu/ngày, nâng cao năng lực điều trị lên đến 500 ca bệnh, nâng cao năng lực cách ly, ứng dụng CNTT vào điều trị, giám sát y tế. Về việc xây dựng bệnh viện dã chiến thì nên phân bổ hợp lý, nên trưng dụng trên các cơ sở y tế hiện có. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đã được công nhận là tuyến cuối, là bệnh viện khu vực thì phải nâng công suất điều trị bệnh nhân nặng lên. Đặc biệt, không để dịch xảy ra ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, trụ sở cơ quan Công an, Quân đội, bệnh viện, doanh nghiệp, các nơi tập trung đông người khác.
Dịp này, Công đoàn ngành Y tế đã trao tặng tỉnh Nghệ An 77 triệu đồng (trong đó có 50 triệu đồng tiền mặt và 50 thẻ Bảo hiểm y tế trị giá 27 triệu đồng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của tỉnh)./.