Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Bình Thuận do Ban Dân nguyện chuyển đến.

Phạt đến 80 triệu đồng, thu hồi sim rác

Cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao, nhằm lừa đảo, đe dọa hoặc tống tiền với mục đích trục lợi cho cá nhân.

Trả lời, Bộ TTTT cho biết đã trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

r-1681445647.jpg
Cơ quan chức năng đã buộc doanh nghiệp thu hồi đến 24,3 triệu sim. Ảnh minh họa

Trong đó đã quy định xử phạt đến 80 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cuộc gọi rác, buộc thu hồi các số thuê bao đã thực hiện cuộc gọi rác. Xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao làm phát sinh SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao được sử dụng để thực hiện cuộc gọi rác.

Xử phạt đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra cũng xử phạt các hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả hành động chém giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Bộ TTTT bổ sung quy định xử phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng.

Mức phạt này cũng sử dụng đối với các hành vi: Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2 triệu đồng.

Ngăn chặn xử lý 3.502 trang web lừa đảo trực tuyến

Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là trò chơi điện tử trên mạng, các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube...

Bộ sẽ xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm không chỉ đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các vi phạm về thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân gây tác động xấu tới dư luận.

rr-1681445686.PNG
Tin giả, tin xấu độc tràn lan trên mạng.

Các đơn vị chức năng của Bộ cũng đã chủ động tổng hợp những luồng thông tin vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội để đấu tranh với các nền tảng cung cấp thông tin xuyên biên giới yêu cầu gỡ bỏ.

Bộ TTTT cũng đã vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để chủ động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng và giám sát an toàn không gian mạng.

Bộ chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của thông tin xấu độc, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, lợi dụng mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ này đã vận hành Trung tâm Xử lý tin giả tại tên miền www.tingia.gov.vn, trung bình hàng tháng Trung tâm tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân. Qua đó thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân.

Từ năm 2017 đến 2021 đã buộc doanh nghiệp thu hồi 24,3 triệu SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao; xử phạt doanh nghiệp hơn 1 tỷ đồng; yêu cầu doanh nghiệp đề nghị chủ thuê bao cập nhật lại thông tin hơn 40 triệu SIM.

Năm 2022, Bộ TTTT đã kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động, xử phạt 2,925 tỷ đồng đối với 7 doanh nghiệp và 39 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Đến nay, 3 doanh nghiệp: Viettel, VNPT, Mobifone (chiếm 96% thị phần) đã hoàn thành kết nối và đang triển khai đối soát thông tin thuê bao để đảm bảo thông tin thuê bao di động chính xác. Qua đó, hạn chế việc sử dụng thuê bao di động để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chuyển hồ sơ vi phạm của 2 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị cơ quan công an điều tra do vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dẫn đến việc tội phạm chiếm đoạt SIM, lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Bộ TTTT đã chỉ đạo Cục An toàn thông tin ngăn chặn xử lý 3.502 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật, trong đó 1.780 trang lừa đảo trực tuyến. Bảo vệ 7,1 triệu người dân (tương ứng 10,1 % người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng…

Theo Phương Nam -plo.vn