Bộ Nội vụ vừa có trả lời về đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng hiện nay.
Theo Bộ Nội vụ, tại công văn trao đổi thông tin của Bộ GTVT đã nêu rõ 17 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam được Bộ xác định là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.
Do đó, nếu đã được được xác định là đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, thì việc ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập.
Bộ Nội vụ cho biết Khoản 1 Điều 9 Nghị định 111/2022/NĐ-CP nêu rõ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ký kết hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm do viên chức đảm nhiệm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị.
Tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm diễn ra trầm trọng thời gian gần đây, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Tại Hà Nội, hàng loạt trung tâm đăng kiểm đóng cửa để phục vụ công tác điều tra, số dây chuyển kiểm định còn lại ở một số trung tâm đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu phương tiện tăng cao.
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 9-3, Hà Nội còn 6/31 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động với 8/61 dây chuyền hoạt động thực tế. Việc nhiều trung tâm đóng cửa khiến việc đăng kiểm phương tiện của người dân gặp nhiều khó khăn khi phải xếp hàng chờ đợi.
Thời gian qua, công an các địa phương đã liên tiếp khởi tố vụ án, khởi tố các bị can liên quan đến sai phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới. Các bị can bị khởi tố về các tội như: Môi giới hội lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Che giấu tội phạm...
Việc nhiều cá nhân bị khởi tố dẫn đến thiếu hụt nhân sự trong hoạt động đăng kiểm, không ít trung tâm đăng kiểm cũng đóng cửa phục vụ công tác điều tra. Tại cuộc họp ngày 8-3 vừa qua về công tác đăng kiểm, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT trước mắt cần khẩn trương huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP HCM kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai bộ tham gia hỗ trợ.
Theo Minh Chiến - nld.com.vn