Không chỉ gồng mình chống dịch, lo giải quyết đơn hàng tồn, các DN còn phải đảm bảo việc ăn ngủ tại chỗ cho công nhân, thiệt hại tính từng ngày.
Thiếu lao động và chuyện mất đơn hàng ở tâm dịch
Công nhân tại Bắc Giang, Bắc Ninh muốn quay trở lại làm việc phải tuân thủ xét nghiệm phòng dịch Covid-19…

Từ giữa tháng 5, dịch Covid-19 ồ ạt tràn vào các khu công nghiệp của Bắc Giang, sau đó tới Bắc Ninh, đe dọa đứt gãy chuỗi sản xuất có quy mô lớn nhất cả nước. Không chỉ gồng mình chống dịch, lo giải quyết đơn hàng tồn, các doanh nghiệp còn phải đảm bảo việc ăn ngủ tại chỗ cho công nhân…, thiệt hại tính theo từng ngày.

Những ngày “bão Covid-19” càn quét

Tới nay, dù hơn 50% công nhân đã được tiêm vaccine Covid-19, song ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP May Đáp Cầu (Bắc Ninh) vẫn lắc đầu than thở: “Chúng tôi đang “sống dở chết dở” khi rơi vào bối cảnh chưa từng xảy ra. Tới nay, công ty vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ để giải quyết các đơn hàng tồn đã ký trước đó, dù công tác đảm bảo an toàn chống dịch cho công nhân may đã được “bật” ở chế độ gắt gao”.

Nhớ lại hồi trung tuần tháng 5, khi Đáp Cầu nhận “hung tin” một công nhân có vợ là F0, ông Thư cho biết, lập tức cả tổ sản xuất có công nhân là F1 phải nghỉ làm để đi xét nghiệm và cách ly.

Đến 3 ngày sau thì trường hợp F1 đó chuyển thành dương tính, như vậy cả tổ sản xuất đã trở thành F1. Toàn bộ khu vực sản xuất với khoảng 1.500 công nhân phải dừng hoạt động, thực hiện xét nghiệm.

“Tuy tất cả đều âm tính, nhưng công tác chống dịch vẫn được siết chặt tại nơi sản xuất. Từng chi tiết nhỏ cũng phải làm kỹ, ví dụ như tay nắm cửa ra vào phải được lau nhiều lần trong ngày. Các khu công cộng như nhà ăn, nhà vệ sinh cũng được khử khuẩn, lau dọn các vật dụng liên tục, rèn thành nếp vệ sinh quen thuộc…”, vị lãnh đạo cho hay.

Những ngày đầu, chỉ riêng việc nhắc nhở công nhân phải đeo khẩu trang liên tục 100% thời gian làm việc, từng thành viên công đoàn phải làm “công tác tư tưởng” giải thích cụ thể cho người lao động: “Nếu hai anh cùng đeo khẩu trang, đứng cách nhau một mét và nói chuyện, thì nguy cơ lây lan là 5%. Nhưng nếu một người đeo khẩu trang, một người không đeo thì nguy cơ lây lan tăng lên tới 70%”. Nhờ đó, sau đó 3 tuần, các nhà máy May Đáp Cầu không phát sinh thêm F0.

Thế nhưng, tình trạng trở nên xấu hơn khi Chỉ thị 56 của tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện cách ly, cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ làm việc để phòng Covid-19 lây lan.

“Lúc này, người lao động của chúng tôi không chịu bởi họ nghĩ rằng thời bây giờ điều kiện kinh tế không khó khăn tới mức phải ăn ngủ bên máy như thế nên họ nghỉ, không đi làm”, ông Thư kể.

Hơn nữa, theo ông Thư, kể cả công nhân có đi làm nhưng thực hiện giãn cách, chỉ được chưa tới 50% số máy hoạt động, chỗ ăn ngủ cho người lao động cũng không đủ nữa.

Vả lại, nếu người lao động đi làm thì phải được xét nghiệm PCR hai lần âm tính mới đủ điều kiện. Trong thời gian đi làm, mỗi tuần phải làm xét nghiệm PCR một lần, chi phí xét nghiệm đắt đỏ đều do doanh nghiệp chi.

“Nếu tính sản xuất trong điều kiện như vậy thì không hiệu quả. Cho nên cực chẳng đã, chúng tôi buộc phải dừng sản xuất từ 18/5 đối với nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu, và từ 2/6 đối với nhà máy ở Yên Phong”, ông Thư cho hay.

Nhớ lại những tháng ngày “cân não”, lãnh đạo May Đáp Cầu cho biết, những lúc đó chẳng khác nào như “ngồi trên đống lửa”: “Trên địa bàn, hơn 800 chốt chặn mọi đường ngang ngõ tắt, chạy tới các điểm giao dịch nhưng tới đâu cũng vướng. Chúng tôi buộc phải đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng, dù được thông cảm, nhưng giãn không được lâu. Trong khi, hàng quần áo có thời vụ, không thể hàng cho mùa này chuyển sang mùa khác được. Chúng tôi cũng đã chuyển đơn hàng đi nơi sản xuất khác, nhưng tình hình cũng ngoài tầm kiểm soát”, ông Thư chia sẻ.

Trước bờ vực phá sản, may sao cuối tháng 6, tình hình dịch được kiểm soát, May Đáp Cầu mới có thể tổ chức lại sản xuất, tính phương án trụ lại sau “cơn bão đi qua”…

Khó khăn vẫn bủa vây trước mặt…

Là một trong những ổ dịch đầu tiên bùng phát tại Bắc Giang, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Quản lý nhân sự, Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: “Trước đợt dịch Covid-19 vừa qua, công ty có 5.600 người lao động. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh khiến chúng tôi trở thành đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.300 F0, còn lại cả công ty là F1”.

Dù được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép hoạt động trở lại từ 26/6, nhưng sau 4 ngày đăng ký, Hosiden Việt Nam mới chỉ tiếp nhận 70 người lao động đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để trở lại làm việc.

“Đa phần người lao động khi được kêu gọi, vận động đi làm đều cho biết họ vẫn đang bị cách ly, hoặc sinh sống trong vùng bị hạn chế đi lại. Trước tình trạng trên, công ty đã phải chuyển hết đơn hàng cho đơn vị gia công khác. Hiện, công ty đang có kế hoạch tuyển mới 1.300 công nhân để gượng dậy sản xuất”, vị đại diện cho biết.

Để được hoạt động trở lại, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tự quyết định việc bố trí nơi lưu trú tập trung cho người lao động ngay tại nhà máy hoặc thuê các khu nhà trọ, khách sạn, nhà nghỉ... đã đảm bảo an toàn với nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.

Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp và toàn bộ những người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc với người lao động của doanh nghiệp, mỗi lần cách nhau 7 ngày trong 2 tháng đầu.

Những tháng tiếp theo, mỗi tháng xét nghiệm ngẫu nhiên 50% lao động của doanh nghiệp và toàn bộ những người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc với người lao động của doanh nghiệp trước ngày 15 hàng tháng.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty May xuất khẩu Hà Bắc (Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên) cho biết: “Đến nay, đơn vị mới chỉ có 600/2.600 người đi làm trở lại. Theo yêu cầu, ngoài việc đảm bảo bữa ăn, chỗ nghỉ lại chỗ cho người lao động, hàng tuần, Hà Bắc còn phải chi hàng trăm triệu đồng để xét nghiệm Covid-19 cho người lao động. Ước tính kể từ khi dịch Covid-19 đổ bộ tới nay, Hà Bắc đã bị thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng”.

Dù khẳng định các doanh nghiệp tại KCN trên địa bàn tỉnh đã hoàn toàn sạch dịch bệnh, được phép trở lại sản xuất, tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho hay: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất là nguồn lao động khi công nhân nhiều tỉnh được đưa về quê cách ly phòng dịch, nhiều nơi vẫn chưa hết thời gian cách ly. Do đó, một mặt chính quyền vẫn đang tích cực vào cuộc tháo gỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả;. Mặt khác, duy trì hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly”.

Trước khó khăn khôi phục sản xuất của doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo thiết lập “luồng xanh”, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tại các vùng an toàn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bắc Giang đã phối hợp với 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, đón trên 23.300 công dân trở về địa phương tiếp tục theo dõi y tế.

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bắc Giang cũng lập các tổ giúp việc khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp về quy trình, trình tự trở lại hoạt động theo hướng dẫn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Nhờ vậy, số lượng công nhân đi làm trở lại tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tăng nhanh. Đến nay, đã có 228 doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại với trên 55.400 lao động. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt hơn 27% so với 200 nghìn lao động đã làm việc trước dịch Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 đã tàn phá nặng nề sản xuất công nghiệp của Bắc Giang và Bắc Ninh. Riêng tại Bắc Giang, việc phải tạm dừng hoạt động 400 doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp lớn với gần 140.000 lao động, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng/ngày. Với phương án mới, Bắc Giang phấn đấu khôi phục giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.000 tỷ đồng vào tháng 7 và trên 15.000 tỷ đồng vào tháng 11/2021.