Chương trình tiêm chủng quốc gia của Thái Lan – với mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 50 triệu dân trước cuối năm nay đã bị cản trở do sự thiếu chắc chắn trong chuyển giao vaccine.

Rào cản lớn đối với chương trình tiêm chủng quốc gia ở Thái Lan

Khi Thái Lan triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 28/2, chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.

Trong sự kiện được tổ chức tại một bệnh viện ở ngoại ô thủ đô Bangkok, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã giơ 2 ngón tay thể hiện chiến thắng khi ông lần đầu được tiêm vaccine Covid-19 do Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, 66 tuổi, cũng có mặt để tham dự sự kiện, song ông không tiêm do nằm ngoài độ tuổi phù hợp.

Thiếu hụt vaccine khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Thái Lan ngày càng trầm trọng
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại một chợ hải sản ở Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: AFP.

Vài tuần sau đó, tình hình chuyển biến bất ngờ. Một ổ dịch lớn liên quan đến các hộp đêm của Bangkok đã gây ra làn sóng bùng phát dữ dội khiến Thái Lan rơi vào khủng hoảng. Số ca mắc theo ngày đã tăng trên 10.000 trong khi biến thể Delta nguy hiểm nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc.

Khi số ca tử vong tiếp tục gia tăng, chính phủ Thái Lan phải đối mặt với nhiều chỉ trích liên quan đến cách ứng phó đại dịch. Chương trình tiêm chủng quốc gia – với mục tiêu tiêm phòng vaccine cho 50 triệu dân trước cuối năm nay đã bị cản trở do sự thiếu chắc chắn và chậm chễ trong chuyển giao vaccine. Thái Lan đang gặp phải tình trạng thiếu hụt vaccine nghiêm trọng.

Nhà phê bình xã hội Sarinee Achavanuntakul cho rằng, việc phụ thuộc chủ yếu vào hai nhà sản xuất vaccine là AstraZeneca và Sinovac để thúc đẩy khả năng hình thành miễn dịch cộng đồng là quyết định nguy hiểm. Bà cũng đặt câu hỏi tại sao Thái Lan không tham gia Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19" (COVAX).

Tính đến ngày 27/7, Thái Lan đã ghi nhận hơn 512.000 ca mắc và hơn 4.100 ca tử vong. Riêng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 15.376 ca mắc mới và 4.289 người trong tình trạng nguy kịch.

Tại Bangkok – một điểm nóng về lây nhiễm, các cơ sở y tế đang bị quá tải nghiêm trọng. Bệnh viện chật kín bệnh nhân và khan hiếm máy thở. Nhiều người dân không thể tiếp cận dịch vụ y tế công cộng hoặc xét nghiệm Covid-19. Một số người mắc bệnh đã tử vong tại nhà trong khi chờ sự giúp đỡ từ các nhóm cứu hộ.

Theo dữ liệu từ Bộ Khoa học và Y tế Thái Lan, 46% số ca mắc tại Bangkok do biến thể Alpha gây ra và 54% là do Delta – biến thể dễ lây lan và nguy hiểm hơn. Khi số ca mắc gia tăng, nhu cầu vaccine Covid-19 cũng tăng lên. Tuy vậy, nhiều người dân Thái Lan vẫn phải chờ đợi để được tiếp cận vaccine thông qua chương trình tiêm chủng quốc gia. Một số người đăng ký tiêm từ tháng 6 nhưng lịch tiêm của họ đã bị hoãn vô thời hạn vì thiếu vaccine.

“Chúng ta đã ăn mừng quá lớn”

Tình hình ở Thái Lan hiện khác xa so với năm 2020 - khi có thời điểm nước này không ghi nhận ca mắc mới nào trong cộng đồng suốt nhiều tháng. Thái Lan từng được WHO đánh giá cao vì kiểm soát tốt dịch bệnh.

Dữ liệu từ Bộ Y tế Thái Lan cho thấy kế hoạch chi tiết về việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 đã được Viện vaccine quốc gia phê duyệt vào tháng 4/2020. Nhưng phải đến ngày 27/11/2020 – hợp đồng vaccine đầu tiên mới được ký kết. Việc chuyển giao trong nước do công ty Siam Bioscience thực hiện, dự kiến bắt đầu từ giữa năm 2021.

Trước khi vaccine AstraZeneca được chuyển giao, Thái Lan đã hứng chịu làn sóng bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng và nước này phải gấp rút mua hàng triệu liều vaccine từ Sinovac để kiểm soát sự lây nhiễm. Các chuyên gia y tế và nhân viên y tế tuyến đầu là những đối tượng đầu tiên được tiêm phòng.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Bộ Y tế cho thấy hơn 600 nhân viên y tế được tiêm đủ 2 liều vaccine Sinovac đã bị mắc Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2021. Sau đó, Thái Lan quyết định tiêm mũi thứ 3 cho hai nhóm đối tượng trên, sử dụng vaccine của AstraZeneca hoặc Pfizer để giúp họ tăng cường khả năng miễn dịch.

Chuyên gia Bussabong Wisetpholchai thuộc Viện Y tế và Xã hội Thái Lan cho rằng, sự thiếu chuẩn bị và tâm lý tự mãn do từng kiểm soát tốt dịch bệnh đã khiến Thái Lan rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.

“Chúng tôi đã ăn mừng chiến thắng quá lớn. Chúng tôi quá tự tin vì kiểm soát được dịch bệnh vì vậy chúng tôi không tưởng tượng được những gì có thể xảy ra tiếp theo?”, bà Bussabong Wisetpholchai nói.

Nữ y tá Bussabong cho biết, hiện có rất nhiều tình nguyện viên sẵn sàng giúp đỡ các bệnh nhân mắc Covid-19 phải cách ly tại nhà. Số lượng bệnh nhân phải điều trị tại nhà quá lớn và những thiết bị y tế để theo dõi các triệu chứng bệnh luôn trong tình trạng thiếu hụt.

Chiến lược sửa sai

Ngày 21/7, Giám đốc Viện vaccine quốc gia Thái Lan Nakorn Premsri đã gửi lời xin lỗi tới người dân vì không cung cấp đủ vaccine Covid-19. “Tôi xin lỗi người dân vì Viện vaccine quốc gia dù đã nỗ lực hết sức, nhưng vẫn không mua đủ số lượng vaccine cần thiết để ứng phó với tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát như hiện nay. Làn sóng Covid-19 ập đến quá bất ngờ và chúng tôi chưa có kinh nghiệm ứng phó. Sự đột biến của virus không thể dự đoán được”.

Theo ông Nakorn Premsri, viện sẽ tiếp tục cung cấp thêm vaccine trong năm 2021 và 2022 cũng như tiếp cận với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 khác để ứng phó tình hình.

Chính phủ Thái Lan đã ký thỏa thuận với Pfizer tuần trước nhằm đảm bảo nước này sẽ được tiếp nhận 20 triệu liều vaccine của công ty vào quý 4 năm nay. Trong khi đó, Viện vaccine quốc gia cũng liên hệ với Liên minh Toàn cầu về Vaccine và tiêm chủng (Gavi) – đồng sáng lập chương trình COVAX để bày tỏ sự quan tâm của Thái Lan trong việc tham gia sáng kiến này với hy vọng sẽ mua được thêm nhiều liều vaccine cho năm tới.

Trung tâm quản lý dịch bệnh Covid-19 tại Thái Lan ngày 26/7 cho biết, kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm vaccine vào tháng 2/2021, đã có hơn 12,3 triệu người được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và hơn 3,6 triệu người đã được tiêm hai liều./.