dai-hoi-vna-16563977677201982294188-1-1656402399.jpg
Vietnam Airlines đã xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn để thoát âm vốn chủ sở hữu, thoát lỗ do đại dịch COVID-19 - Ảnh: VNA

Ông Hiền cho biết như vậy khi trả lời cổ đông về giải pháp để hãng không bị hủy niêm yết cổ phiếu và duy trì nguồn tiền hoạt động tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines ngày 28-6.

Theo ông Hiền, thị trường hàng không phục hồi rất mạnh mẽ với thị trường nội địa, thị trường quốc tế mới đạt 20-25% so với trước đại dịch. Tuy nhiên, di chứng hơn 2 năm đại dịch COVID-19 vẫn rất nặng. Lỗ lũy kế hết năm 2021 của Vietnam Airlines xấp xỉ 1 tỉ USD, ảnh hưởng rất lớn đến vốn chủ sở hữu, dòng tiền; khắc phục di chứng đó cần một thời gian khá dài.

"Vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 sau báo cáo hợp nhất của hãng là trên 500 tỉ đồng, rất mỏng manh. Vietnam Airlines nhận thức được đầy đủ nguy cơ và xây dựng đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025, xây dựng đề án tổng thể về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng sau đại dịch theo yêu cầu của Chính phủ. 

Đề án có nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp hỗ trợ để Vietnam Airlines tăng thu nhập, tăng vốn để thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu trong năm 2022 và có thể thoát lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, đây là mục tiêu năm 2022 đặt ra.

Đề án đã được báo cáo cấp thẩm quyền và kỳ vọng sớm được Chính phủ xem xét phê duyệt các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ của Chính phủ với tư cách chủ sở hữu 86% vốn của VNA để hãng thoát khỏi tình trạng khó khăn, âm vốn chủ sở hữu và nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp", ông Hiền cho biết.

Về khả năng cân đối dòng tiền, theo ông Hiền, nhờ sự phục hồi của thị trường, dòng tiền Vietnam Airlines được cải thiện nhanh và mạnh mẽ. Đến nay, dòng tiền thu bình quân ngày đạt 80% so với trước đại dịch dù thị trường quốc tế mới phục hồi ở ngưỡng 20%. 

Vietnam Airlines tận dụng mọi khả năng khai thác thị trường và xây dựng phương án điều hành dòng tiền năm 2022 đảm bảo duy trì khả năng thanh toán, đảm bảo hoạt động liên tục, không khó khăn dòng tiền. Đồng thời hãng đạt được thỏa thuận rất tích cực với các nhà cung ứng dịch vụ, chủ nợ để giãn các khoản thanh toán.

Năm 2022 Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ đạt 45.252 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn có kế hoạch lỗ 9.335 tỉ đồng. Giải thích mục tiêu này, ông Hiền cho biết năm 2022 có yếu tố tích cực là thị trường phục hồi nhanh hơn dự báo nhưng yếu tố tiêu cực rất nhiều, lớn nhất là giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng liên tục.

Cụ thể, năm 2021 giá Jet A1 bình quân cả năm là 72 USD/ thùng. Năm 2022 hãng xây dựng kịch bản bình quân 6 tháng đầu năm là 116 USD/thùng, bình quân năm 2022 là 138 - 140 USD/thùng, gấp 2 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, ngày 28-6 giá nhiên liệu đã lên trên 162 USD/thùng. Hiện nhiều hãng hàng không ở châu Phi đã dừng bay vì giá nhiên liệu cao, Qantas - một hãng rất lớn của Úc - đã giảm hàng loạt chuyến bay nội địa cho tới năm 2023 do giá nhiên liệu tăng cao.

"Doanh thu tăng do sản lượng tăng nhưng chi phí nhiên liệu tăng cao hơn gây khó khăn. Khi giá nhiên liệu 133 USD/thùng thì nhiên liệu chiếm 40% tổng chi phí khai thác của Vietnam Airlines. Nếu nhiên liệu lên 160 - 165 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu chiếm gần 50% tổng chi phí. Với chi phí nhiên liệu tăng như hiện nay, không có hãng hàng không nào kinh doanh có lãi.

Nếu từ nay đến cuối năm 2022, giá nhiên liệu ở mức 160 USD/thùng thì chi phí tăng thêm 4.300 tỉ đồng so với kế hoạch đã xây dựng. Đây là yếu tố lớn nhất đến thu chi kinh doanh bên cạnh các yếu tố về tỉ giá, lãi suất ảnh hưởng đến bảng cân đối kinh doanh, xung đột Nga - Ukraine đều tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của hàng không", ông Hiền lý giải thêm nếu giá nhiên liệu bay trung bình 72 USD/thùng như năm 2021 thì với sự tích cực của thị trường như năm nay Vietnam Airlines chỉ lỗ tối đa 3.000-4.000 tỉ đồng./.