"Mẹ ơi rớt mạng rồi", "Con bị văng ra khỏi lớp", "Cô nói con không nghe được gì", ngày nào cũng vậy, cứ đến tiết học trực tuyến là cô con gái học lớp 5 của chị Nguyễn Thị Thanh Quyên (Ba Đình, Hà Nội) lại gọi mẹ nhờ giúp đỡ.

Tình trạng này không phải bây giờ mới có, nhưng gần hai tuần trở lại đây thì thường xuyên hơn khi hai tuyến cáp quang Asia America Gateway (AAG) và Asia Africa Europe 1 (AAE-1) bị đứt chưa được sửa chữa xong. Chị Quyên và nhiều phụ huynh phát cáu mỗi khi thấy con học online trong điều kiện đường truyền mạng quá kém.

Một tiết học rớt mạng 10 lần

7h30 mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, hai cô con gái lớp 5 và 7 của chị Thanh Quyên ngồi trước màn hình máy tính, bắt đầu buổi học học trực tuyến. Tuy nhiên, việc học của hai bé diễn ra không mấy suôn sẻ do mạng chập chờ, đường truyền kém.

Buổi học bắt đầu được vài phút, bé lớn chạy vào kêu "con bị out, không vào lại được". Vài phút sau, đứa thứ hai cáu gắt vì mạng chập chờn, thoát ra liên tục, không nghe được cô nói gì. Vào group của lớp thông báo tình hình với cô giáo, chị Quyên thấy phụ huynh cũng kêu mạng lỗi, out ra liên tục.

Sự bực mình chị Quyên gần như lên tới đỉnh điểm vào ngày hôm qua, sau khi con bắt đầu vào tiết học chừng 10 phút, thầy giáo đang nhắc bài cũ, màn hình máy tính bỗng đứng im, quay tròn và thông báo kết nối chậm. Chị chuyển qua điện thoại dùng mạng 4G và khởi động lại modem wifi. Đổi sang điện thoại được chừng 5 phút thì lại phải chuyển qua máy tính vì tự nhiên bị đẩy ra khỏi lớp học.

hoc-sinh-hoc-truc-tuyen-1-08551602-1636602818.jpg
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: T.T)

"Nhưng dù đổi qua ba, bốn chiếc điện thoại hay máy tính cũng chỉ học ổn định được không quá 10 phút. Học xong một tiết mà con bị rớt mạng đến hơn 10 lần. Chất lượng học không đảm bảo, giờ xin nghỉ cũng không đành mà cho con học thì càng tức", chị Quyên bức xúc và từng nhiều lần gọi điện lên các nhà mạng để đề nghị xử lý băng thông nhưng đều nhận lại câu trả lời thông cảm chờ vài tuần.

Không riêng gia đình chị Quyên, trong nhóm lớp hầu như gia đình nào cũng đều bị rớt mạng liên tục. Các phụ huynh đồng loạt đề xuất cô giáo giảm giờ dạy online, tăng lượng bài tập và quay video hưỡng dẫn các con tự học.

Bực bội vì đường truyền kém, con nhấp nhổm trong giờ học, chị Trần Ngọc Loan (Định Công, Hoàng Mai) liên tục đứng cạnh hai con lớp 9 và 2 để chuyển mạng giúp các con đăng nhập lại vào lớp học.

Con út của chị Loan năm nay học lớp 2 một trường tiểu học công lập, được xếp học buổi sáng. Lịch học sáng nay của con gồm Tiếng Việt, Toán và Đạo đức. Môn Đạo đức phải học trên bản điện tử do nhà xuất bản chưa in đủ sách.

7h45 con vào phòng, nhưng hơn 8h mới bắt đầu lớp học vì nhiều bạn vào muộn. Học được vài phút, tài khoản của con chị cùng nhiều phụ huynh trong lớp bị thoát ra. Khi vào lại phòng, khi thì không xem được màn hình cô giáo, khi mất tiếng.... Tiết học nhiều hôm bất đắc dĩ phải dừng lại giữa chừng để đổi sang một khung giờ học khác.

"Các con còn nhỏ, vốn dĩ học online đã khó tập trung hơn học trực tiếp tại trường, nay mạng Internet lại chập chờn khiến các tiết học liên tục bị gián đoạn. Hai tuần nay, sáng nào ba mẹ con cũng réo gọi nhau vang nhà vì cứ một lúc con lại bị out ra khỏi lớp, cứ cô vào lớp thì trò lại out ra", chị Loan có phần bức xúc.

Mất oan bài kiểm tra

Sáng qua, bé Lê Hạ, con gái anh Lê Công Long (Văn Quán, Hà Nội) làm gần xong bài thi trắc nghiệm, chỉ còn vài câu cuối thì đột nhiên bị out khỏi lớp. Hà cố gắng đăng nhập để vào lại nhưng không được. Đến khi thành công vào lại thì đã hết giờ, cô giáo chủ nhiệm thông báo bỏ trắng 5 câu hỏi cuối.

"Con gái khóc lóc, nói không bỏ câu nào, chỉ là chưa kịp lưu vài đã bị đẩy ra khỏi lớp. Con trình bày lý do với cô giáo nhưng đó là quy định chung nên không được làm lại bài kiểm tra. Con lo lắng sẽ bị điểm thấp", anh Long chia sẻ.

vnapotalhanoilekhaigiangnamhoc2021-20225648997-08561045-1636602854.jpg
Mạng kém khiến việc học online của học sinh hai tuần qua liên tục bị gián đoạn. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Khi trao đổi với cô giáo, anh Long mới biết, buổi thi hôm đó bé Hạ không phải trường hợp duy nhất trong lớp gặp sự cố về mạng. Một số bạn bị out, thoát màn hình liên tục. Phụ huynh cuống cuồng nhắn tin trong group báo con mình không đi đâu nhưng hệ thống vẫn gửi thông báo rời bài thi.

Trước đó, để chuẩn bị cho buổi thi online, cô giáo dặn suốt quá trình làm bài đến lúc kết thúc, học sinh phải ngồi trước màn hình, nếu không bài thi sẽ bị hủy. Khi out khỏi Zoom, học sinh sẽ đăng nhập trở lại, tiếp tục làm bài trên e.khaothi. Trang e.khaothi phải mở và nếu đóng vào, bài thi không được chấp nhận.

Rơi vào tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Vân, (Lò Đúc, Hà Nội) cho biết: "Con thi online mà cả gia đình nín thở. Tôi đang làm việc cũng phải out ra để nhường phòng, nhường đường mạng cho con. Chồng thích theo dõi thời sự lúc 19h cũng đành chịu. 20h con thi xong, câu đầu tiên không phải là con làm bài được không mà là có bị thoát ra lần nào không".

Cô Trần Mai Ngọc, giáo viên một trường tư ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng gặp nhiều tình huống bi hài khi thi học kỳ trực tuyến. Trước đó, cô Ngọc đã phổ biến quy chế, nhắc nhở phụ huynh cùng học sinh chuẩn bị thiết bị, đường truyền nhưng hôm thi vẫn xảy ra sự cố.

Bài thi bắt đầu lúc 15h30 nhưng cô Ngọc vẫn thấy thiếu hai học sinh, thông báo trong nhóm phụ huynh nhưng không thấy phản hồi. Hơn 30 phút sau, hai bạn học sinh mới xuất hiện, trình bày lý do mạng kém, không đăng nhập được vào lớp

"Không ít học sinh làm gần xong bài thi nhưng do mạng trục trặc có thể không bấm gửi được, không bấm lưu nháp, bị out ra, khi vào lại sẽ phải làm bài thi từ đầu. May mắn các con vẫn đủ thời gian hoàn thành", cô Ngọc kể lại và lo lắng nếu tình trạng mạng Internet không được cải thiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc học và thi học kỳ.

Theo các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam, sự cố trên các tuyến cáp Asia America Gateway (AAG) và Asia Africa Europe 1 (AAE-1) sẽ được khắc phục trong tháng 12. AAG và AAE-1 là 2 trong số 5 tuyến cáp quang biển quốc tế chiếm dung lượng lớn và quan trọng, kết nối internet Việt Nam đi nước ngoài.

Trong năm nay, cáp AAG đã 3 lần gặp sự cố vào các tháng 6, 7 và 10. Trong lần gặp sự cố thứ ba, AAG bị lỗi rò nguồn trên nhánh S1I vào tối 22/10 và nhánh cáp hướng kết nối Việt Nam – Singapore cũng bị lỗi từ cuối tháng 10./.