Câu chuyện Anh mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn không ngừng lây lan trong cộng đồng là chủ đề “nóng” không chỉ của riêng Anh mà còn ở châu Âu.

Châu Âu lo ngại khi Anh dỡ phong tỏa

Cách đây vài ngày, hơn 1.200 nhà khoa học trên khắp thế giới đã cùng ký tên vào một lá thư kêu gọi chính phủ Anh ngừng ngay lập tức kế hoạch gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19, với lập luận rằng việc nước Anh mở cửa toàn bộ sẽ tạo điều kiện cho các biến thể virus chống vaccine xuất hiện và lây lan khắp thế giới. Đây cũng chính là điều mà các nước láng giềng của Anh lo ngại.

Thế giới nín thở chờ “canh bạc” mở cửa giữa dịch Covid-19 của nước Anh
Thế giới “nín thở” chờ “canh bạc” của nước Anh. Ảnh: Anadolu

Hiện tại, dù hầu hết các nước châu Âu đều vẫn đang duy trì quy định cách ly bắt buộc với các hành khách đến từ Anh nhưng sự gần gũi về mặt địa lý cũng như quan hệ sâu rộng giữa châu Âu và Anh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, dân cư… khiến việc kiểm soát dòng người di chuyển giữa Anh và EU là vô cùng phức tạp. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong kiểm soát biên giới là dịch bệnh đã có nguy cơ lây lan. Do đó, châu Âu đặc biệt lo ngại một đợt bùng phát dịch tại Anh sẽ kéo theo một đợt bùng dịch tiếp theo tại châu Âu.

Các tính toán mô hình về dịch bệnh cho thấy, kể từ thời điểm biến thể Alpha xuất hiện tại Anh vào cuối năm 2020 rồi bây giờ là biến thể Delta, diễn biến dịch Covid-19 tại nước Anh luôn đi trước châu Âu từ 3-4 tuần, tức là những gì diễn ra tại Anh thì sau vài tuần sau sẽ diễn ra tương tự tại các nước châu Âu. Thực tế hiện nay đang chứng minh điều đó, khi các nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm bùng phát vì biến thể Delta, y như tình trạng của nước Anh cách đây 1 tháng. Vì lí do đó, châu Âu đang nín thở chờ đợi các thử nghiệm chống dịch tại Anh vì nếu Anh thất bại, chắc chắn châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một lí do khác khiến châu Âu lo ngại việc nước Anh mở cửa hoàn toàn, đó là điều này có thể khơi dậy làn sóng chống phong tỏa, chống vaccine vốn đã âm ỉ tại châu Âu nhiều tháng qua. Cuối tuần qua tại Pháp, gần 124.000 người đã xuống đường biểu tình chống các biện pháp mới của chính phủ Pháp, trong đó có việc tiêm vaccine bắt buộc và việc áp dụng mở rộng “giấy thông hành y tế”.

Những người biểu tình cho rằng đây là các biện pháp giết chết tự do, vi phạm nhân quyền và lấy nước Anh làm ví dụ chứng minh rằng kể cả trong đại dịch, quyền tự do cá nhân vẫn phải được tôn trọng. Việc nước Anh mở cửa toàn bộ, người dân được tự do làm mọi việc như trước đại dịch sẽ càng khiến làn sóng chống vaccine, chống các biện pháp hạn chế do chính phủ các nước châu Âu đặt ra, dâng cao hơn.

Không ít nhà quan sát gọi đây là “canh bạc” của Thủ tướng Johnson và đây cũng không phải là “canh bạc” đầu tiên mà ông Johnson đã thực hiện từ khi xuất hiện Covid-19. Tháng 12 năm ngoái ông đã từng chấm dứt phong toả với cam kết “một Giáng sinh bình thường” nhưng cuối cùng vẫn buộc phải áp đặt trở lại các hạn chế.

Yếu tố khiến ông Johson đặt cược vào "canh bạc" chấm dứt phong tỏa

Thủ tướng Anh Boris Johnson là một chính trị gia có cá tính tạo nên rất nhiều tranh cãi. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Anh, ông Boris Johnson đã nhiều lần theo đuổi các chiến lược hứng chịu nhiều chỉ trích vì mức độ rủi ro quá cao.

Ngoài sự kiện mở cửa trước Giáng sinh năm 2020 rồi ngay sau đó lại phải áp dụng trở lại lệnh phong tỏa, ông Boris Johnson còn có ít nhất 2 lần theo đuổi các chiến lược được coi là “canh bạc” khác. Lần đầu tiên là vào giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, thời điểm tháng 3/2020, khi ông Boris Johnson trì hoãn đưa ra các quy định hạn chế, giãn cách xã hội với ý định ban đầu là theo đuổi miễn dịch cộng đồng.

Chỉ đến khi các mô hình tính toán cho thấy việc theo đuổi miễn dịch cộng đồng vào thời điểm đó gây ra thiệt hại nhân mạng quá lớn, ông Boris Johnson mới buộc phải thay đổi. Nhưng nước Anh đã phong tỏa chậm hơn các nước khác tại châu Âu gần 3 tuần và theo cựu cố vấn cấp cao của ông Boris Johnson là ông Dominic Cummings thì chính sự chậm trễ đó đã khiến ít nhất 20.000 người Anh thiệt mạng. Đó là “canh bạc” đầu tiên và lần đó ông Boris Johnson thất bại nặng nề.

Nhưng ông Boris Johnson đã thắng lớn trong “canh bạc” thứ hai vào cuối năm 2020 khi quyết định đưa ra một chiến lược đặt hàng và triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của riêng nước Anh chứ không liên kết hay phụ thuộc vào Liên minh châu Âu. Nhờ sự quyết đoán này, nước Anh đã là một trong những nước triển khai với tốc độ nhanh nhất và thành công nhất chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho dân chúng, giúp nước Anh là một trong những nước có độ phủ vaccine cao nhất thế giới hiện nay. Trong khi đó, châu Âu lại khởi động chiến dịch tiêm chủng vô cùng chậm chạp và gặp rất nhiều vấn đề cho đến tận tháng 4/2021.

Chính sự thành công của “canh bạc” thứ hai là tiêm vaccine cho toàn dân, ông Boris Johnson mới tự tin bước vào “canh bạc” thứ ba là gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế, chấp nhận rủi ro để đưa cuộc sống kinh tế-xã hội tại Anh trở lại bình thường như trước đại dịch.

Trụ cột lớn nhất để ông Boris Johnson theo đuổi chiến lược này là độ phủ vaccine. Hiện tại, đã có gần 88% dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 và trên 68% đã tiêm đủ hai mũi, tỷ lệ thuộc dạng cao nhất thế giới. Nhờ độ phủ vaccine này nên mặc dù số ca nhiễm mới hàng ngày hiện nay tại Anh đang bùng phát, quanh mức gần 50.000 ca/ngày, chuỗi liên kết giữa ca nhiễm và nhập viện đã bị làm suy yếu. Với cùng số ca nhiễm này, tỷ lệ nhập viện tại Anh hiện nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với đầu đại dịch. Số ca tử vong cũng ở mức thấp hơn nhiều so với trước kia.

Vì thế, ông Boris Johnson tin rằng, bất chấp việc sẽ có thêm nhiều ca nhiễm, thậm chí có thêm số ca nhập viện và tử vong, vaccine đã giúp nước Anh chặn được đại dịch và với tốc độ tiêm chủng hiện nay, nước Anh có thể đạt tỷ lệ 80% dân số trưởng thành tiêm đủ hai mũi vaccine vào cuối Hè. Đây là tỷ lệ mà theo lý thuyết có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhìn chung, ông Boris Johnson đang cân đo giữa rủi ro dịch bênh và lợi ích kinh tế và nhờ có vaccine, Thủ tướng Anh đang nghiêng hẳn về hướng sống chung với virus và phục hồi kinh tế.

Những kịch bản có thể xảy ra

Có thể nói không chỉ ở Anh mà dư luận thế giới cũng “nín thở” trước quyết định của nước và dõi theo những gì sẽ xảy ra trong những ngày tới. Xã hội Anh dường như cũng chia rẽ về việc dỡ bỏ các quy định chống dịch.

Cách đây vài ngày, một trong các chuyên gia dịch tễ uy tín nhất tại Anh là Giáo sư Neil Ferguson của Trường Hoàng gia London, người cố vấn chiến lược phong tỏa cho chính phủ Anh đầu năm 2020, đã đưa ra nhận định rằng với việc nước Anh mở cửa toàn bộ, chắc chắn số ca mắc hàng ngày sẽ lên mức 100.000 ca/ngày, thậm chí có thể lên tới 200 ngàn ca/ngày. Khi đó, số ca nhập viện cũng có thể lên tới 1.000-2.000 ca/ngày và cuối cùng, dù không muốn, chính phủ Anh cũng sẽ lại phải tái áp dụng một số biện pháp hạn chế. Rất nhiều chuyên gia y tế tại Anh ủng hộ quan điểm này và cho rằng thử nghiệm của chính phủ Anh là “phi đạo đức” và “phản khoa học” vì hàng ngàn người sẽ thiệt mạng vì thử nghiệm này.

Dù vậy, cũng có những luồng quan điểm khác cho rằng, chính phủ Anh đã chấp nhận rủi ro trong mức chấp nhận được, để tìm một hướng đi mới cho nước Anh. Những người này lập luận rằng, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ còn tồn tại và kéo dài nhiều năm trên phạm vi toàn cầu, việc loại bỏ hoàn toàn Covid-19 là bất khả thi, do đó phải tìm ra cách chung sống với đại dịch nhờ vào vaccine, nếu không các bất ổn kinh tế-xã hội sẽ còn gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn dịch bệnh.

Quan điểm này mặc dù đang yếu thế hơn nhưng không phải hoàn toàn vô lý vì sau hơn 1 năm đại dịch, nền kinh tế Anh đang rơi vào giai đoạn suy thoái lớn nhất trong 3 thế kỷ. Chính phủ và người dân không chỉ thiệt hai về kinh tế mà còn suy kiệt về tinh thần, khi bị mất đi tự do trong thời gian quá lâu. Đây là những tổn thất không đo lường được tác động đến đời sống xã hội là rất lớn.

Do đó, dù gặp phải rất nhiều chỉ trích nhưng chiến lược thử nghiệm của chính phủ Anh cũng nhận được sự quan tâm theo dõi rất sát sao của thế giới. Cả thế giới sẽ chờ xem liệu các loại vaccine có tác dụng thực sự trong việc ngăn chặn Covid-19 hay không và thế giới có thể sống chung lâu dài một cách tương đối an toàn với Covid-19 hay không.

Nếu nước Anh thành công, các nước khác sẽ có một hướng đi tích cực để noi theo. Ngay cả nếu nước Anh thất bại và phải hứng chịu một làn sóng dịch lớn khác, thế giới cũng sẽ thu được một bài học cảnh giác. Câu trả lời sẽ rõ ràng trong vài tháng tới và mùa Đông 2021 sẽ là thời điểm có tính chất quyết định./.