Theo các chuyên gia, cựu chính trị gia tại Mỹ và Australia, quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy đối đầu trên gần như tất cả các lĩnh vực, nhất là thương mại.
Nếu không tìm được phương án quản lý bất đồng và tìm cách hợp tác với nhau, trước mắt sẽ là cả một thập kỷ nguy hiểm với không chỉ Bắc Kinh, Washington mà cả thế giới.
Nguy cơ Mỹ - Trung dựng “màn sắt kinh tế”
Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tới nay, đã có nhiều dấu hiệu chỉ ra mức độ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khốc liệt hơn nhiều dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Rõ nhất là quyết định trừng phạt 59 công ty của Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra cuối tuần qua.
Ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, liệt 59 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” vì có hoạt động công khai hoặc gián tiếp làm việc trong ngành quốc phòng, tình báo hoặc chủ sở hữu những công ty này có liên quan tới các ngành đó.
Danh sách này bao gồm rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn tại Trung Quốc như Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc cùng 3 công ty viễn thông lớn của nước này… Quyết định sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 8, trong đó người dân Mỹ sẽ bị cấm mua, bán cổ phiếu của các công ty trên.
Sắc lệnh này được xây dựng dựa trên một dự thảo trừng phạt do chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump phác thảo. Theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times), chính quyền Joe Biden đã giữ lại 26/44 công ty nằm trong dự thảo ban đầu và bổ sung 33 công ty, thực thể khác vào sắc lệnh mới, nâng tổng số công ty bị liệt vào “danh sách đen” lên con số 59.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, Trung Quốc sẽ thực hiện một số biện pháp cần thiết để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, lợi ích của các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, chính quyền ông Biden sẽ không những không rút lệnh trừng phạt trên mà còn tiếp tục nghiên cứu và bổ sung thêm các công ty Trung Quốc khác vào “danh sách đen”.
Từ phía các chuyên gia, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho rằng, là 2 cường quốc ganh đua nhau vị trí dẫn đầu, Trung Quốc và Mỹ khó có thể tránh việc tồn tại một số chia rẽ chiến lược trong bảo vệ an ninh quốc gia.
Nhưng nếu để mọi thứ đi quá xa, nó sẽ tạo ra “bức màn sắt về kinh tế” ngăn cách Mỹ - Trung. Khi nền kinh tế toàn cầu đầy rẫy những quy định, tiêu chuẩn đối nghịch nhau, sự sáng tạo và phát triển kinh tế sẽ bị thui chột.
Nhìn trên quy mô rộng hơn, theo cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, nếu tình hình Washington - Bắc Kinh hiện nay tiếp diễn, đồng nghĩa “một thập kỷ nguy hiểm… đang hiện dần trước mắt”.
Cần đặt ra ranh giới “cứng”
Để giải quyết vấn đề này, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người từng góp phần thiết lập Diễn đàn Kinh tế Chiến lược Mỹ - Trung cách đây 10 năm cho rằng: Điều quan trọng là hai bên phải duy trì kết nối kinh tế để né tránh những đối đầu không cần thiết.
“Không nên thực hiện máy móc và phản xạ mà hãy chú trọng vào quyền lợi của các công ty và người lao động ở cả hai quốc gia. Hai bên nên cùng cạnh tranh, cùng điều phối và hợp tác ở những mảng miếng mà cả hai cùng quan tâm”, ông nói.
Bên cạnh đó, theo cựu Thủ tướng Australia, Trung Quốc và Mỹ cần phải đặt ra những quy định nền tảng để quản lý cạnh tranh chiến lược. Ông Rudd đề xuất hai nước có thể rút kinh nghiệm từ những biện pháp mà Mỹ và Liên Xô từng thực hiện để giải quyết căng thẳng tột độ sau khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây gần 60 năm.
Ông Rudd nhấn mạnh, hai bên cần có thỏa thuận cơ bản, vạch rõ các điều khoản và ranh giới mà cả hai nước không được vi phạm hoặc vượt quá.
“Mỹ và Trung Quốc cần thiết lập một số giới hạn cứng trong chính sách an ninh, việc thực thi an ninh của từng bên… Tôi tin rằng, việc xây dựng khung làm việc như vậy là hoàn toàn có thể.Nếu không, cái giá phải trả sẽ thê thảm”, cựu Thủ tướng Australia nói.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, hiện là Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á có trụ sở tại New York đánh giá, Trung Quốc và Mỹ dường như đang tạo ra một cuộc đua toàn cầu, mỗi bên đều muốn thể hiện rằng hệ thống chính trị của mình ưu việt hơn bên kia. Song, hai nước vẫn có thể hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí…