trr-1706580424.jpg
Nhà trường ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) đốt lửa sưởi ấm cho học sinh. Ảnh: Quang Đại

Ở trường ấm hơn ở nhà

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh nên các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Nghệ An, thời tiết rét đậm, vùng núi cao rét hại dưới 10 độ C. Thậm chí, còn có nơi xảy ra băng giá, sương muối.

Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập của các em, nhất là học sinh mầm non và tiểu học. Các trường học vùng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó, đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày giá rét.

89-1706580445.jpg
Học sinh trường Mầm non Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) mặc đủ ấm trong giờ học. Ảnh: Quang Đại

Ngày 30.1, trao đổi với phóng viên, cô Đào Thị Hạnh - giáo viên trường Mầm non Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) - cho biết: "Thời tiết miền núi cao vào mùa đông rất lạnh, nhà trường thường xuyên nhắc phụ huynh mặc ấm cho các em. Đến trường, các cô tìm mọi cách để các em được ấm áp, không để cho em nào bị cảm lạnh".

Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Kỳ Sơn - cho hay, vào đầu mùa đông, Sở GDĐT, Phòng GDĐT đã quán triệt các nhà trường thường xuyên nhắc nhở cha mẹ mặc đủ ấm cho trẻ. Đối với các trường có trẻ em, học sinh nội trú, bán trú phải đảm bảo khẩu phần ăn, thực phẩm sạch, đồ ăn, uống nóng, đủ năng lượng calo và chuẩn bị đẩy đủ thuốc phục vụ công tác y tế học đường.

“Trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, căn cứ điều kiện thời tiết thực tế mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian vào học, tan học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Không bắt buộc học sinh mặc đồng phục, không để học sinh đến muộn phải chờ ở ngoài cổng trường, bố trí hợp lý các giờ học thể dục, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại” - ông Phạm Viết Phúc nói.

Khi thời tiết bất thường, các trường có thể chủ động cho học sinh nghỉ học. Trong thời gian học sinh nghỉ học do rét đậm, rét hại, đối với các trường có đủ điều kiện, có thể chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến; đối với các trường không tổ chức dạy học trực tuyến tiếp tục thực hiện các hoạt động chuyên môn khác theo quy định.

Thực tế cho thấy, thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức dạy học của học sinh và các trường. Bởi vậy, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh.

Tại huyện Kỳ Sơn, hiện có 71 trường học các cấp với tổng số học sinh khoảng 24.000. Trong đó, 24 trường Mầm non, 28 trường Tiểu học và 19 trường THCS. Đây là địa bàn vùng núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An với tỉ lệ hộ nghèo trong năm 2023 là 54%. Bởi vậy, công tác chống rét, đảm bảo sức khỏe cho học sinh cũng trở nên khó khăn hơn.

"Về các giải pháp chống rét cho các cháu, có các văn bản của huyện, Sở GDĐT chỉ đạo các trường rét dưới 10 độ C sẽ cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, nếu như vậy, học sinh có thể phải nghỉ học đến cả tháng. Bởi vậy, nhà trường giải quyết bằng cách cho học sinh đến học muộn hơn, đóng kín cửa các phòng học, bật điện và lót đệm xốp để học sinh ngồi.

Ngoài ra, các nhà trường còn yêu cầu phụ huynh chuẩn bị cho học sinh bán trú thêm chăn, áo, giày, tất để giữ ấm, bảo đảm ở trường ấm hơn ở nhà" - ông Phạm Viết Phúc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, cho biết.

Cũng theo ông Phúc, dù thời tiết chuyển biến xấu và rét đậm trong những ngày qua nhưng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn vẫn chưa xảy ra bất kỳ trường hợp các cháu bị lạnh hay cóng.

Cần sự chung tay của cộng đồng

ghhh-1706580475.jpg
Học sinh miền núi Nghệ An được nhà trường trang bị đầy đủ chăn ấm trong mùa đông. Ảnh: Quang Đại

Giáp với Kỳ Sơn là huyện Tương Dương, ngay từ đầu mùa đông, các cơ quan quản lý giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

“Bảo vệ sức khỏe cho học sinh trong mùa đông được ngành giáo dục xác định là mục tiêu đặc biệt quan trọng. Do miền núi nhiệt độ thấp, có nơi xảy ra băng giá, đường sá đi lại khó khăn, nhiều học sinh gia đình còn thiếu thốn, nên các nhà trường, giáo viên đã rất cố gắng để giúp các em bảo đảm sức khỏe” - Thái Lương Thiên, Trưởng Phòng GDĐT huyện Tương Dương, nói.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở GDĐT Nghệ An cho hay, ngành Giáo dục thường xuyên chỉ đạo các cơ sở bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là vùng miền núi vào mùa đông.

“Bên cạnh sự nỗ lực của các nhà trường, địa phương, rất mong các nhà hảo tâm, cộng đồng chung tay hỗ trợ các em học sinh miền núi để giúp các em vượt khó, vươn lên trong học tập” - đại diện Sở GDĐT Nghệ An nói.

Được biết, hằng năm vào dịp khai giảng, dịp 21.6 và dịp Tết, có nhiều nhà hảo tâm và các tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức tặng quà, hỗ trợ các nhà trường, học sinh vùng miền núi khó khăn.

Ngành GDĐT Nghệ An cũng phát động phong trào “Phòng giúp phòng - Trường giúp trường”, kết nối các đơn vị vùng miền núi và miền xuôi để hỗ trợ lẫn nhau.