Tôi đã viết hồi ức về hai người thầy tôn kính: GS Đặng Thái Mai (Được học giờ Văn đầu tiên của GS. Đặng Thái Mai - Tuyển tập Mười năm Tạp chí Văn học và tuổi trẻ) và thầy Nguyễn Quát (Thầy Nguyễn Quát của chúng tôi - Báo Giáo dục và thời đại số 63/64 năm 1994).
Bức ký họa chân dung
"Họa là người dưới suối vàng biết cho"
(Nguyễn Du)
Giờ đây cầm bút viết về thầy Trần Quốc Nghệ, người thầy giáo nổi tiếng ở miền Trung, người đã từng dạy dỗ tôi và đã có ba năm liền chung sống dưới mái trường Phan Đình Phùng (từ 1957-1960) mà sao cảm thấy khó khăn quá vậy! Bởi lẽ viết hồi ký thì ít nhiều có khen chê, mà khen chê thầy giáo mình tôi cảm thấy đại bất kính và với thầy Nghệ lại thêm sự bất nhã. Một lẽ khác, tuy sống gần thầy nhưng thực ra hồi ấy tôi không hiểu thầy lắm, đến khi kịp hiểu ra thì thầy đã về với cõi vĩnh hằng rồi .
Thôi đành ghi lại một vài sự thật, không bớt không thêm để bạn bè đã học với thầy hoặc những thế hệ sau hiểu thêm về một người thầy giáo đầy tâm huyết nhưng số phận lại hết sức éo le, chìm nổi. Hiểu được thầy, có lẽ cũng là một sự đền đáp phần nào công ơn để thoả lòng người dưới chín suối.
Một ngày cuối năm 1952, khi học trường cấp II Trần Phú ở Ngu Lâm (xã Đức Trung bây giờ) trong giờ học, một anh bạn chuyền cho tôi một bức ký hoạ chân dung bán thân bé bằng bàn tay, vẽ bằng mực xanh khá đậm nét, hàng dưới có dòng chữ: GS Trần Quốc Nghệ. Lật ra phía sau có dòng chữ nhỏ: Kỷ niệm trường Thiếu sinh quân Liên khu IV. Nghĩ mình lên cấp ba được học với người thầy giỏi nổi tiếng là rất mừng.
Nhưng khi nhìn vào bức ký họa, tôi sững sờ một lát. Đó là hình vẽ một người tóc "húi cua", sát tận đỉnh đầu, chỉ buông một mái nhọn xuống trán, đầu hơi nhọn, tướng của người tài (Đàn ông nhọn kẻ có tài - Tục ngữ). Cặp mắt to nhưng bị lác, (có không ít người bị lác rất nổi tiếng, ví như triết gia J.P.Sartre, luật gia Phan Anh...), mũi tẹt, môi trên ở nhân trung có vết rách nhỏ. Một người dị tướng, dị tướng thường có kì tài. Tỉ mẩn ngắm nhìn,tôi thấy toàn bộ bức hình dường như được cấu tạo bằng chữ X hoa bẻ gập. Sau này tôi được biết thầy là một con người hết sức thông minh, có tài nhưng cuộc đời có nhiều ẩn số và rồi về sau này nữa có người xem thầy như "một ẩn số nào đó mà thôi', nhất là những ngày "oan khổ lưu ly" chẳng biết sống chết lúc nào?
Tự nhiên, bức ký hoạ gây một ấn tượng mạnh, thu hút tâm trí của tôi từ ngày mới lớn và cho đến bây giờ về già vẫn còn nhớ như in. Kèm với bức tranh ký họa là một loạt giai thoại không đầu không cuối. .
Giai thoại không hẳn là chân dung
Mấy tháng sau, con người trong bức ký hoạ đó hiển hiện trước mặt tôi. Dưới gốc cây long não của trường Trần Phú (lúc này là Phan Đình Phùng) có bạn chỉ cho tôi một người tầm thước, vai rất rộng, vóc dáng lực sĩ trong bộ đồ bà ba đen nhánh: thầy Trần Quốc Nghệ. Nhìn thoáng qua tôi càng cảm phục anh bạn nào đó đã vẽ bức ký hoạ hết sức chân thật và sinh động.
Những giai thoại về thầy Nghệ lan truyền rất nhanh trong học sinh. Trong ngõ, xóm, đường làng dẫn tới lớp học, ở sân trường, trên những phản gỗ, giường tre, câu chuyện về thầy Nghệ được rì rầm bàn tán. Nào là hồi học Tú tài ở Huế, thầy là một bốc - xơ vô địch Trung Kỳ, những tay đấm có hạng Tây hay ta đều lần lượt bị thầy cho nốc - ao khiếp đảm; nào là thầy đã đấm một thằng Tây, bạn cùng lớp vì thằng này dám chửi một người Việt Nam là "đồ An-nam bẩn thỉu" (sale Annamite). Vì vụ đó, thầy phải trốn về quê ở Thái Yên (Đức Bình) một thời gian. Nào là thầy học rất giỏi, tiếng Pháp, tiếng Anh nói như gió lại thông thạo cả chữ Hán. Và nhỏ to thì thầm về những chuyện khác của thầy nữa.
Sau cách mạng thầy được mời dạy môn tiếng Pháp và văn học Pháp ở trường Chuyên Khoa Huỳnh Thúc Kháng ở Châu Phong (Đức Phong).Thầy lên lớp không cần giáo án sách vở, hai tay đút túi quần, đọc thuộc lòng hàng tràng thơ và kịch thơ Pháp... Những giai thoại ấy khiến chúng tôi càng tò mò và muốn được học với người thầy đa tài ấy. Nhưng thật rủi, lớp tôi chỉ được học mấy giờ với thầy vì chủ yếu thầy phụ trách ở khối 9 cuối cấp (lúc đó cấp 3 chỉ học hai năm: lớp 8 và lớp 9). Tuy chỉ có mấy giờ nhưng ấn tượng của thầy để lại đậm nét vì không phải là giai thoại.
Tôi nhớ một tiết giảng văn trích trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798):
Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào. . .
Những " Vách quê', "' Vũ y", "tiêu phòng" chúng tôi dã được biết qua sách "Cung oán ngâm dẫn giải" nhưng sao lại "gió vàng"và "Phận bạc nằm trong má đào? Dường như nắm được cái chưa biết đó, thầy nhấn mạnh: gió vàng, chữ Hán là kim phong, kim là cung chỉ phương Tây, "gió vàng" là "gió tây" thổi về mùa đông lạnh lắm, cho nên mới có "mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng". Người cung nữ với manh áo múa mỏng tanh, mới lạnh lẽo làm sao và câu thơ câu thơ mới hiu hắt làm sao! Còn "má đào" (đào kiểm) và "phận bạc" từ "hồng nhan bạc phận"? Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đều nói, nhưng hơn chục năm trước Nguyễn Gia Thiều đã nói. Một chủ đề huyết mạch trong văn chương Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đông Xuân 1953-1954 càng gần chiến dịch Điện Biên, ở khu IV càng sôi sục không khí đấu tranh giảm tô và cải cách ruộng đất. Tôi nghe tin thầy Nghệ bị bắt và mấy ngày trước đó, dường như linh cảm thấy điều chẳng lành, lên lớp thầy kể truyện Những người cùng khổ của V.Huygo cho học sính, một tác phẩm nổi tiếng thế giới mà thầy đọc thuộc lòng như thuộc Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Chuyện có thực không là giai thoại
Cuối năm 1954, giải phóng thủ đô, tôi ra Hà Nội học ở Trường Đại học Văn Khoa, nay là Đại học Sư phạm. Năm 1957 trở về nhận công tác ở trường cấp ba Phan Đình Phùng (ở Thị xã Hà Tĩnh), được gặp lại ba thầy giáo cũ: Thầy Nguyễn Quát, thầy Trần Văn Thứ và thầy Trần Quốc Nghệ. Mới ba năm mà các thầy già đi nhiều, thầy Quát tóc đã điểm bạc, thầy Nghệ, thầy Thứ gầy gò dáng hom hem của người già và trên nét mặt hằn những vết sâu của cuộc đời chìm nổi.
Thầy Nghệ vừa ở nhà giam ra, sau khi có chí chỉ thị sửa sai cải cách ruộng đất và được trở lại giảng dạy như trước. Thầy gầy và nhỏ hơn, không còn phong độ như hồi ở Ngu Lâm. ở tuổi xấp xỉ "tri thiên mệnh", thầy ít nói, ít vui, không buồn, dường như cam chịu số phận đã an bài. Trên bàn, đôi khi tôi thấy dòng chữ Hán của thầy: Ngã thụ mệnh ư thiên (Ta chịu mệnh ở Trời).
Thầy ăn uống rất đạm bạc, cứ bữa xuống nhà ăn tập thể giáo viên: suất của mỗi người là một tô cơm, một bát canh và con cá trích (có khi là quả trứng, khi vài miếng thịt), những hôm dạy về muộn cơm đã nguội ngắt cứng đờ. Mặc thì hai bộ Ka ki Nam Định, đắp đổi nhau và thầy rất ít khi tắm giặt như là người sợ nước. Nhưng điều kỳ lạ là tuy ở trong nhà giam ra, thầy đã bắt kịp các kiến thức mới mẻ mà chúng tôi phải miệt mài học tập ba năm ở Giảng đường Đại học để nghe các GS. Đặng Thái Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Trương Tửu... giảng bài. Trong đó có những bộ môn hoàn toàn mới và không dễ như: Triết học duy vật biện chứng, lịch sử tư tưởng, lý luận văn học. Thầy được phân công dạy lớp 10 cuối cấp, không chỉ vững về kiến thức mà còn truyền thụ giáo dục nhân sinh quan Cách mạng cho học sinh. Quá khứ nặng nề của thầy dường như đã được quên lãng, đã bị xoá nhoà. Phải nói rằng trong những trường hợp như thế, con người rất khó giữ được cân bằng về ý thức, về tình cảm, nói chi đến sự truyền thụ tư tưởng tiến bộ cho học sinh. Vậy mà năm học 1957-1958 ấy trong kỳ thi tốt nghiệp chấm chung của ba trường Lam Sơn (Thanh Hoá), Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) và Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) ở thành phố Vinh, học sinh của thầy đạt gần 100% (chỉ một, hai người hỏng), chiếm tỉ lệ cao nhất. Một kỳ tích âm thầm như vậy của thầy giáo thường rơi vào im lặng.
Trong năm học đầu tiên ở trường Phan Đình Phùng, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của nhà văn M.Gorki, tôi được phân công nói chuyện về văn hào Nga trước toàn trường. Bài nói khá thành công, tiếng vỗ tay rào rào khi tôi trích dẫn câu nói nổi tiếng của văn hào Pháp A.France: "Ngày nay trên bậc thang thời gian đã nghe tiếng guốc gỗ (người nghèo) đi lên và tiếng giày vec-ni (người giàu) đi xuống"?
Nói xong, thầy Quát sung sướng đi lên bắt tay, còn thầy Nghệ chỉ nói: "Khá lắm, sinh viên ở trường ra nói được ba tiếng như vậy là khá lắm". Một lời khen đúng mực như là một tiêu chuẩn đánh giá thầy dạy Văn. Sau này gặp lại thầy, thầy có nói : giáo viên mới ra trường không mấy người có thể nói chuyện văn chương trong vài ba giờ như cậu.
Năm học 1957-1958 qua đi vui vẻ. Mùa hè năm 1958, tất cả giáo viên cấp II, III miền Bắc tập trung ở trường Bổ túc công nông để chỉnh huấn tư tưởng, quét sạch nọc độc Nhân Văn - Giai phẩm trong nhà trường. Có lẽ chưa có một đợt chỉnh huấn nào có quy mô rộng lớn và kéo dài như vậy. Trưởng ban chỉnh huấn là đồng chí Võ Thuần Nho, bí thư là đồng chí Hà Huy Giáp (Thứ trưởng Bộ Giáo dục). Các giảng viên đến giảng bài có các đồng chí Trường Chinh, Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Đỗ Mười, Ngô Minh Loan... Một tháng học lý thuyết, một tháng kiểm thảo, thời gian viết kiểm thảo quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Người được chọn kiểm thảo điển hình cho cụm giáo viên khu IV, không ngoài ai khác là thầy Trần Quốc Nghệ. Nhưng dường như quanh đi quẩn lại cũng chừng ấy vấn đề: với Quốc Dân Đảng, với những phần tử Nhân Văn Giai phẩm. Cũng may cho thầy là hồi ấy ở trong khu IV không có liên hệ với ai, còn chúng tôi cũng may là không tham gia, không liên hệ gì cả. Sau chỉnh huấn, tư tưởng được đổi mới, phấn đấu nhiều hơn để lột xác tiểu tư sản (tạch tạch sè) và đứng vào hàng ngũ người lao động. Còn thầy vẫn như trước, có phần ưu tư hơn. Một hôm, thầy nghĩ thế nào lại nói với tôi: "Cậu thấy không, chỉnh huấn rồi cũng về ngày ngày soạn bài, lên lớp chấm bài, có khác gì đâu"? Tôi sững người, thầy Nghệ "vô chính trị" đến thế là cùng ! Ai mà nghe được câu đó thì không biết thầy bị mấy lần kiểm điểm. Nhưng suốt một thời gian dài, tôi không dám nói với ai, vì tôi nghĩ con người đôi khi vẫn có những lúc buột miệng lỡ lời, nếu đem quy kết thì dễ thành tội nặng là đằng khác. Thời ấu trĩ về chính trị ấy, có người chỉ vì một câu nói, một bài báo cũng đủ kết tội đến mấy chục năm không gỡ ra được.
Thỉnh thoảng tôi thấy thấy đứng tựa cột nhìn chúng tôi trẻ trung yêu đời, vô tư trong cái tuổi chưa hề vấp ngã trong cuộc sống mà dường như nuối tiếc. Thỉnh thoảng, anh Đoàn Duy Xuân ở chung phòng với thầy kể lại trong cơn mơ thầy nói một tràng tiếng Pháp hay tiếng Anh rồi chìm sâu vào giấc ngủ.
Sau chỉnh huấn, chi đoàn thanh niên chúng tôi đề ra phong trào "tam tu" tu nghiệp, tu đức và tu văn. Ngoài phần lên lớp thì đi dự giờ, học ngoại ngữ và chiều chiều kiểm điểm tư tưởng.. Chúng tôi đi dự giờ của nhau và dự giờ thầy để học thêm. Thầy nói trước: giờ giảng của thầy không có gì hấp dẫn, chỉ đạt điểm 3 (điểm trung bình hồi đó). Vẫn như ngày trước, khi tôi được học giờ giảng văn Cung oán ngâm khúc năm nào, thầy hướng dẫn, học sinh hiểu kỹ hiểu sâu những từ ngữ then chốt để từ đó, trong hệ thống bài văn, học sinh đi vào ngõ ngách tình cảm và tư tưởng của nhà văn. Nói như phép dạy Văn hiện nay là "vượt bức tường ngôn ngữ ' để bước vào thế giới tư tưởng, nghệ thuật. Nhưng chúng tôi thường quên bức tường này, vội xông vào thế giới tư tưởng để nói những điều ai cũng biết rồi mà cứ tưởng là mới mẻ, hay ho, thú vị lắm. Bởi lẽ chữ nghĩa của chúng tôi không nhiều, vốn sống lại ít nên chỉ nói như sách mà thôi.
Đúng là giờ văn của thầy không hấp dẫn vì giọng đọc, không thích thú vì những lời lẽ bay bướm văn hoa, vậy mà học sinh hiểu kỹ, hiểu sâu bài giảng và quan trọng hơn là có thể nói lại những điều đã hiểu bằng lời lẽ của chính mình chứ không mượn lời của thầy giáo hay sách vở. Vì thầy dạy giỏi, nên Tổ Văn phân công thầy dạy thêm lớp 8 đậu vớt (gồm những học sinh điểm thi xấp xỉ trung bình). Thế mà sau một học kỳ, qua kiểm tra đề thi chung toàn khối, xáo trộn đanh sách rọc phách hẳn hoi, kết quả lớp 8 của thầy chẳng thua kém lớp nào. Cho đến nay, sau 40 năm trong nghề tôi thấy ít người dạy giỏi như thầy. Những đóng góp âm thầm của nghề giáo như vậy chẳng ai xem là kỳ tích gì ghê gớm, không bằng thành tích đào đất của một cô gái làm thuỷ lợi trong một chiến dịch thi đua nào đó. Không cờ luân lưu, không giải thưởng, bằng khen, tuyên dương rầm rộ gì cả. Chỉ lặng lẽ mà khâm phục, lặng lẽ mà quên đi.
Nhất là một người có quá khứ phức tạp như thầy. Người vừa ở nhà giam ra (nhà giam cách nhà trường 3 cây số!) mà được phân công đứng lớp truyền thụ tư tưởng tiến bộ cho học sinh, dạy văn học Cách mạng ở lớp cuối cấp. ở vào thời ấy, người bảo đảm cho thầy kể ra cũng là người biết trọng tài và có bản lĩnh, vì tôi biết có người gặp thầy còn muốn lánh mặt. Nhưng ở trường Phan Đình Phùng và cả bên Ty Giáo dục, ai ai cũng đối xử thân tình, từ ông Trưởng Ty đến cô nhân viên, ai cũng một điều "thầy Nghệ"hai điều "thầy Nghệ" ít nhiều kính nể. Có lẽ sự nâng đỡ ấy làm thầy vững tin hơn, nhiệt tình hơn.
Năm 1959, xảy ra vụ Ngô Đình Diệm đầu độc dã man các tù nhân yêu nước ở nhà tù Phú Lợi. Cả nước sôi sục căm thù. Bài thơ "Thù muôn đời muôn kiếp không tan " của Tố Hữu như một ngọn gió quạt lửa căm thù bùng lên ngùn ngụt. Thầy thức trắng hai đêm dịch bài thơ của Tố Hữu ra tiếng Anh và tiếng Pháp và gửi ngay cho báo Le Vietnam en marche. Bản dịch được người bạn cũ là Hoàng Tôn Trinh - GS Hoàng Trinh) đăng lên báo và có sửa chữa chút ít. Thầy vui hơn, trẻ hẳn ra. Nhân khi thầy đang vui tôi hỏi: "Vì sao thầy không trước tác, dịch thuật?".Thầy nói: "Cậu biết không, tử vi của mình đã ghi: "Xuất thế công danh đạp phá hài"(Ra đời công danh đi giày rách). Chỗ đứng của mình là đi dạy học và chỉ có dạy học mà thôi".
Tôi lại hỏi: "Thế trong đời, đã có khi nào thầy cảm thấy đắc ý chưa?" "Có. Có hai lần. Lần đậu Tú tài không sướng, nhưng sướng nhất là khi hạ nốc - ao võ sĩ vô địch Trung Kỳ, cú direct (cú đấm trực tiếp) của mình không thằng nào đỡ nổi...Và lần thứ hai, tướng Nguyễn Sơn cho Nguyễn Tiến Lãng đến mời mình dạy văn học Pháp cho trường thiếu sinh quân LKIV. Danh tiếng Nguyễn Tiến Lãng, người viết tiếng Pháp nổi tiếng đến Tây cũng phục lăn, cậu nghe tiếng chưa? Lúy đến nhà mình hai lần không gặp. Lần thứ 3, mình đang nằm xem sách, ngoảnh mặt vào tường, quay ra thấy Nguyễn Tiến Lãng đứng dưới sân. Lãng nói to bằng tiếng Pháp, đại ý dịch tích "Tam cố thảo lư, Lưu Bị cầu hiền" (Lưu Bị ba lần quay lại nhà tranh cầu Gia Cát Lượng ra giúp). Vứt sách cười ha hả, cũng chẳng nghĩ là cái ông Lãng ôm chân Tây như thế nào ngày trước nữa..."
Tôi lại hỏi: "Thế trong đời, đã có khi nào thầy cảm thấy đắc ý chưa?" "Có. Có hai lần. Lần đậu Tú tài không sướng, nhưng sướng nhất là khi hạ nốc - ao võ sĩ vô địch Trung Kỳ, cú direct (cú đấm trực tiếp) của mình không thằng nào đỡ nổi...Và lần thứ hai, tướng Nguyễn Sơn cho Nguyễn Tiến Lãng đến mời mình dạy văn học Pháp cho trường thiếu sinh quân LKIV. Danh tiếng Nguyễn Tiến Lãng, người viết tiếng Pháp nổi tiếng đến Tây cũng phục lăn, cậu nghe tiếng chưa? Lúy đến nhà mình hai lần không gặp. Lần thứ 3, mình đang nằm xem sách, ngoảnh mặt vào tường, quay ra thấy Nguyễn Tiến Lãng đứng dưới sân. Lãng nói to bằng tiếng Pháp, đại ý dịch tích "Tam cố thảo lư, Lưu Bị cầu hiền" (Lưu Bị ba lần quay lại nhà tranh cầu Gia Cát Lượng ra giúp). Vứt sách cười ha hả, cũng chẳng nghĩ là cái ông Lãng ôm chân Tây như thế nào ngày trước nữa..."
"Thế còn lần Bộ trưởng Cù Huy Cận, nhà thơ danh tiếng Huy Cận đến thăm thầy?"
"ừ, bạn cũ lâu năm đấy? Mình ra ngõ đón nhưng buột mồm nói: "Đến thăm bạn cũ , thật vinh dự thay cho Bộ trưởng?". Ai cũng ngạc nhiên cho là mình xỏ xiên tự phụ, nhưng mình nghĩ: Ngày xưa thủ tướng Các-nô nổi tiếng đến thăm thầy giáo già của mình. Chuyện đó được in trong sử sách và đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh Pháp và Nam, cậu biết chứ? Nhưng học trò Các-nô đến thăm thầy thì chỉ thêm vầng hào quang cho thủ tướng Các-nô chứ ai biết thầy giáo nghèo đó là cái ông nào. Thấy chưa?" Lặng im một lát thầy nói nhỏ "Lẽ đời là thế nhưng dù sao vẫn còn hơn đứa phản phúc, lừa thầy phản bạn". Nói thế nhưng thầy chẳng ám chỉ ai vì trong đời, thầy chỉ gặp những học trò cũ của mình giúp đỡ, cứu nguy chứ chưa thấy ai phản phúc. Và nếu có, thầy cũng bỏ qua vô tư như là Giăng Van Giăng, một nhân vật mà thầy rất ưa thích trong tác phẩm của văn hào Vích-to Huy gô , như là Thuý Kiều "thân này còn dám coi ai làm thường"
Có lẽ đức tính vô tư quý giá đó đã cân bằng được hoàn cảnh xáo trộn ghê gớm trong đời thầy. Một lần học sinh lớp 10 sắp thi tốt nghiệp và Đại học, Công Đoàn trường mời thầy nói chuyện kinh nghiệm thi cử cho cả trường nghe. Phần đầu nghiêm túc nhưng khô khan, phần sau thầy chuyển sang kể chuyện. Chuyện rằng: Hồi thầy còn trẻ như các em bây giờ đi thi Tú tài, môn Địa lý là môn thầy không thích. Không ôn được chữ nào. Sáng hôm thi ô-ran (vấn đáp), thầy mặc bộ com-lê đẹp nhất, thắt cà vạt hẳn hoi. Thấy một giám khảo người Pháp, thầy bắt chuyện. Hai người xì xồ tiếng Pháp thân mật lắm, vì ông Tây kia cũng tưởng thầy là giám khảo kỳ này. Còn ông Tây hỏi thi Địa lý lại tưởng thầy là bạn của ông kia. Thế là vào phòng thi, thầy Địa chỉ hỏi qua một câu và cho điểm vingt sur vingt (20 điểm trên 20) ngay tắp lự. Học sinh nghe chuyện thì rất khoái nhưng các thấy giáo ngồi nghe chỉ cười gượng mà không dám phàn nàn. ấy, cái vô tư của thầy là như thế? Nghiệm ra trong cuộc sống, các bậc trí thức đều có cái vô tư mà hồi đó có thể quy kết là phi chính trị được lắm?
Cũng trong dịp "căm thù Phú Lợi", tôi mời thầy dự giờ giảng văn "Thù muôn đổi muôn kiếp không tan" ở lớp 9. Dự lớp xong, thầy vui vẻ: "Hay, giảng hay lắm, cầm lớp vững, truyền thụ khéo, đươc cả khí thế căm thù lại được kiến thức văn học. Nhưng hình như có bao nhiêu hiểu biết cậu nói tuột hết cả rồi. Bây giờ cậu thử lấy bài này, soạn cho mình ba giáo án khác nhau để dạy ở lớp 8, 9 và 10. Làm được thế mới là tay nghề, còn dạy ở lớp nào cũng như lớp nào thì chỉ là tay ngang thôi". Trời ! Đây mới thật là cụ tổ của nghề dạy văn!
Một lần khác trò chuyện, thầy nói: Mình dạy nhiều, hiểu bài giảng cũng kỹ như là hiểu học sinh. Biết cái chỗ học sinh chưa biết, biết cái chỗ thầy chưa biết, ấy là người biết vậy! Phải chăng dây là bí quyết của nghề dạy học mà thầy muốn truyền thụ cho học trò còn non tay nghề. Tiếc thay chưa có một công trình lý luận nào đúc kết lại được.
Nghĩ lại thật thấm thía! Bây giờ hiểu được thầy mới dám viết về thầy. Nỗi đau vật vã về cuộc đời và số phận có lẽ từng là nỗi đau của cả thế hệ trí thức cũ đi theo cách mạng. Có thể gột bỏ con người cũ trong nhận thức và tình cảm nhưng đâu có dễ rủ bỏ số phận con người. Riêng thầy Nghệ, số phận còn éo le hơn, cay đắng hơn nhiều người - một "Giăng Van Giăng" đã đứng vững và tiếp tục cống hiến cho nghề - nghề dạyvăn - một nghề không dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là một nghề nghiệp khó khăn bậc nhất. Vì dạy Văn không chỉ đòi hỏi trí tuệ tỉnh táo mà còn là tình cảm chân thật dồi dào và một lòng thiết tha với thế hệ trẻ. Vượt qua số phận nặng nề, thầy Trần Quốc Nghệ là một người, Tài như thế và âm thầm cống hiến, tâm như thế, xứng đáng được tôn vinh không chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ học trò về sau. Có phải không các bạn?