ppp-1695884553.jpg
Thầy giáo Hoàng Thế Hiến cõng học sinh vượt qua bùn đất vào trường học.

Hàng nghìn học sinh nghỉ học

Chiều 27/9, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn huyện có một số xã nước lũ dâng cao, chảy tràn và chia cắt đường giao thông. Do đó, chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn cho học sinh và trẻ mầm non tạm thời nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng.

“Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nên chiều 27/9 một số trường học từ mầm non đến THCS tại một số xã phải dừng đến trường, với số lượng khoảng 10 nghìn học sinh và trẻ mầm non. Và theo chỉ đạo của chính quyền địa phương, để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, các cơ sở giáo dục theo dõi tình hình thực tế thời tiết, thiên tai để chủ động cho học sinh tạm dừng đến trường”, ông Sơn thông tin.

Tại huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), do mưa to kéo dài, nước ở các sông, suối dâng cao, chia cắt đường giao thông. Do đó, hơn 1 nghìn học sinh và trẻ mầm non ở một số xã đã phải nghỉ học. Bà Lê Thúy Lan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh cho biết, mưa to, nước lũ dâng cao, chia cắt một số tuyến giao thông ở các xã Xuân Thái, Xuân Phúc, nên chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động cho học sinh nghỉ học.

Tại Nghệ An, từ đêm 26 đến ngày 27/9, mưa lớn liên tục diễn ra tại huyện Quỳ Châu, nhiều xã trên địa bàn bị ngập lụt diện rộng, các tuyến đường sạt lở, giao thông chia cắt. Thị trấn Tân Lạc, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao, nhà dân ngập sâu hàng mét, có nơi nước chạm nóc nhà. Trong đó, các dãy nhà học sinh Trường THPT Quỳ Châu thuê trọ phần lớn ở vị trí thấp, bị nước lũ tràn vào cuốn trôi sách vở, quần áo, đồ dùng sinh hoạt học tập. Trường THPT Quỳ Châu đã đưa toàn bộ học sinh ở trọ bên ngoài vào ở tạm trong trường.

Bà Nguyễn Thị Châu – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu cho biết: Qua nắm bắt ban đầu, có hai điểm trường mầm non và tiểu học ở bản Tà Sỏi (xã Châu Hạnh) nước dâng lên ngập đến mái, nhiều điểm trường ở xã Châu Thắng nước ngập khoảng 1 mét.

po-1695884495.PNG
Nước suối Xốp Nặm dâng cao mấp mé khu nhà ở nội trú cho học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: NTCC

Bảo đảm an toàn cho học sinh và thiết bị dạy học

Ngày 27/9, giáo viên Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An gấp rút di chuyển các thiết bị điện, máy tính, đồ dùng, đồ chơi của trẻ lên vị trí cao hoặc địa điểm an toàn để “chạy lũ”. Tại xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương), ngày 27/9 nước suối Xốp Nặm dâng cao mấp mé sân khu nhà ở của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Tam Hợp.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhà trường đã quyết định cho học sinh nghỉ học, đồng thời thông báo phụ huynh quản lý, nhắc nhở con em không tự ý đi chơi, đến gần khu vực khe suối. Riêng học sinh thuộc diện ở bán trú, nhà trường tạm thời giữ lại và giao cho giáo viên quản lý, giám sát.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, ở những trường dọc sông, nhiều năm nay công tác phòng, chống bão lũ đã được chú trọng. Trước thời điểm mưa to và thủy điện xả lũ, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường di chuyển đồ dùng thiết bị dạy học lên chỗ cao. Tuy nhiên, với việc nước dâng nhanh, ngập mái, nhiều trường chắc chắn đã hư hỏng hết tài sản.

Ông Đỗ Văn Chung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Xuân (Thanh Hóa) chia sẻ, mưa to, nước lũ dâng cao, một số xã, như: Thanh Lâm, Thanh Phong, Thanh Hòa, Thanh Quân, Thanh Sơn, Tân Bình, Bình Lương... phải cho học sinh và trẻ mầm non tạm nghỉ học. “Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường phải đảm bảo an toàn cho học sinh. Sau khi nước lũ rút, thì huy động nhân lực tập trung vệ sinh trường, lớp để đón trẻ, học sinh trở lại trường và bố trí thời gian thích hợp để dạy bù chương trình”, ông Chung nói.

Tại Quảng Bình, 2 ngày qua trên địa bàn có mưa lớn đã gây ngập lụt, chia cắt cục bộ và gây sạt lở núi, đường sá ở một số nơi, trong đó có huyện Tuyên Hóa. Thầy Hoàng Thế Hiến – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chia sẻ, trận mưa lũ vừa qua khiến cầu Thanh Thạch bị ngập từ 1 - 1,5m khiến địa bàn xã bị chia cắt, học sinh từ mầm non đến THCS phải nghỉ học.

Sáng 27/9, sau khi nước rút hết đã để lại lớp bùn đất ngập sâu 50 - 70cm. “Trường có 7 lớp với 220 học sinh. Hôm nay (27/9, PV), chúng tôi muốn cho các em đi học vừa theo kịp chương trình vừa quản lý các em. Vì nước sông vẫn còn lớn. Các em ở nhà hay đi câu, thả lưới rất nguy hiểm”, thầy Hiến cho hay.

Cũng theo thầy Hiến, tuy cầu ngập trong bùn đất, song các em lớp lớn vẫn có thể lội qua. Một số em lớp 6, 7 và học sinh khuyết tật không thể đi qua. Vì thế, thầy cô trong trường đã cõng các em qua khu vực bùn đất để đến trường. Một số thầy cô khác cũng tham gia dọn bùn đất, nhờ có máy múc nên tạm thời đường đã thông.

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, ngày 27/9, nhiều nơi trong tỉnh đã cho học sinh nghỉ học. Các huyện có số trường nghỉ học nhiều như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Nguyên nhân chính do mưa to và thủy điện xả lũ. Một số huyện khác như Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, việc nghỉ học diễn ra cục bộ tại những địa bàn bị chia cắt.