Quảng cáo là vậy, nhưng hiệu quả của thiết bị này không những không tiết kiệm điện mà thậm chí còn tăng thêm điện năng và chỉ là chiêu trò quảng cáo để đánh lừa người tiêu dùng. Trước tình trạng này, Cục QLTT thành phố Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc, gửi Đội trưởng các Đội QLTT nhanh chóng xác minh, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm trong kinh doanh, lưu thông hàng hóa thiết bị điện.
Vào mạng gõ cụm từ “thiết bị tiết kiệm điện”, chỉ trong 0,47 giây đã cho hơn 42 triệu kết quả với đa dạng các mẫu mã, xuất xứ in chữ nước ngoài, giá cả từ 520.000 đồng/chiếc đến hơn 2 triệu đồng/chiếc. Cùng với đó là dòng quảng cáo: “thiết bị tiết kiệm điện, giảm điện tiêu thụ đến 40% hóa đơn tiền điện; Bảo hành uy ín 1 đổi 1. Bảo hành đổi mới 24 tháng; Cam kết nếu không giảm tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả…Những lời quảng cáo này xuất hiện tràn lan khiến người tiêu dùng như lạc vào "mê hồn trận" các sản phẩm tiết kiệm điện.
Tin vào quảng cáo, anh Phan Văn Thành, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết: nắng nóng, tiêu thụ điện lớn, thấy quảng cáo trên mạng nên đã chi hơn 300.000 đồng để mua một thiết bị này. Anh Thành cho biết, theo hướng dẫn sử dụng của người bán hàng, chỉ cần cắm thiết bị này vào nguồn điện là lượng điện tiêu thụ của gia đình sẽ giảm từ 30 - 40%/tháng, nhưng thực tế lại làm anh thất vọng.
“Tháng đầu tưởng tiết kiệm điện, tháng thứ hai tiêu thụ điện năng còn nhiều hơn. Tôi gọi lại cho nơi bán hàng thì người ta vẫn cứ bảo đó là thiết bị tiết kiệm điện” - anh Phan Văn Thành chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Trà, chủ Siêu thị mini chuyên điện tử điện lạnh ở khu Mỹ Đình, Hà Nội: những mặt hàng này đa phần chỉ bán online nên khách hàng rất khó kiểm tra được hàng hóa trước khi mua. Hơn nữa, ngay sau khi nhận hàng, đi kèm sản phẩm là một tờ giấy giới thiệu bằng tiếng nước ngoài, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Và hơn hết, thiết bị này không có tính năng tiết kiệm điện như quảng cáo.
“Các thiết bị có tính dung kháng tiết kiệm điện cao thế mà bộ này có dung kháng giống như cái tụ điện thì hóa ra lắp thêm tụ điện vào thì nó chỉ làm tăng thêm dòng điện nếu tụ điện này lớn. Mở thiết bị này ra thì trong này cũng có cái tụ và một số linh kiện rất đơn giản, tức là cũng không có tác dụng đâu, mua phí tiền thôi” - ông Nguyễn Văn Trà nói.
Ông Dương Đức Nghiệp, Phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện, thuộc Điện lực quận Thanh Xuân sau khi kiểm tra một số thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện đã cho biết: “Bên trong thiết bị này được cấu tạo khá đơn giản chỉ gồm có 1 tụ điện, 1 bảng mạch gồm 8 con điện trở, giúp chiếu sáng bóng đèn Led. Do vậy có thể khẳng định thiết bị này không có khả năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tin một chiều vào các thông tin quảng cáo để tránh mất tiền oan vì mua phải các thiết bị điện kém chất lượng hay các thiết bị được quảng cáo không đúng sự thật”.
Trước thông tin quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện này, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cảnh báo, đây chỉ là chiêu trò để móc túi người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam: khi phát hiện các hành vi buôn bán các thiết bị được quảng cáo “tiết kiệm điện” thì hãy lập tức thông báo cho các cơ quan chức năng như: Quản lý thị trường, hay Cục cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Bộ Công thương hoặc Hội Bảo vệ Người tiêu dùng gần nhất để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
“Khi người dân phát hiện ra những hành vi quảng cáo hoặc là rao bán sử dụng những thiết bị điện kém chất lượng mà không đúng như quảng cáo thì người dân nên báo cho ngành điện, hoặc cơ quan chức năng gần nhất để thứ nhất bảo vệ được quyền lợi, lợi ích của chính người dân đó, thứ hai là bảo vệ được lợi ích trong cộng đồng, góp phần cùng với ngành điện, giảm tốn thất điện năng và xây dựng một xã hội sử dụng điện an toàn và hiệu quả” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Những ngày gần đây, tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện ở nhiều nơi, nên người dân đổ xô đi tìm mua các sản phẩm hàng hóa như máy phát điện, các loại quạt tích điện quạt hơi nước, thiết bị làm mát tiết kiệm điện khiến thị trường các sản phẩm này có dấu hiệu bị cháy hàng. Nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu tăng cao tiềm ẩn nguy cơ vi phạm tăng giá như định giá mua giá bán bất hợp lý nhằm trục lợi trong kinh doanh lưu thông các mặt hàng này, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Để ngăn chặn hành vi vi phạm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục trưởng cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường căn cứ chức năng nhiệm vụ thẩm quyền địa bàn lĩnh vực được giao chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực; giám sát kiểm tra kiểm soát thị trường đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm, thiết bị làm mát. Lực lượng quản lý thị trường cần ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao để tăng giá nhằm thu lợi bất hợp pháp./.
Theo Phạm Hạnh - vov.vn