Đơn của người cao tuổi là người đã từng điều trị tại Thẩm mĩ viện Ula (Chi nhánh 1), có địa chỉ 1222 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh; phản ánh, Thẩm mĩ viện Ula có dấu hiệu sử dụng thuốc không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ và điều trị không hiệu quả.

Để làm rõ sự thật về thông tin trên, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi đã đến địa chỉ trên, thì thấy, ngoài bảng hiệu chính Thẩm mĩ viện Ula, còn có một bảng hiệu phụ thể hiện: Phòng khám chuyên khoa da liễu, bác sĩ Nguyễn Văn Mười, giờ mở cửa 8h - 20h. Tuy nhiên, thực tế không có bác sĩ Mười trực khám chữa bệnh như lịch làm việc công bố ngoài bảng hiệu.

1213-1-7-1659757127.jpg
Cơ sở Thẩm mĩ viện Ula - 1222 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh thể hiện bác sĩ Nguyễn Văn Mười đứng tên phòng khám.

Để làm rõ việcThẩm mĩ viện Ula sử dụng thuốc điều trị không có nhãn mác, không đăng kí chất lượng, thậm chí trên hộp đựng sản phẩm không có một “chữ” theo quy định pháp luật, phóng viên nhiều lần liên hệ, yêu cầu được gặp bác sĩ, người chịu trách nhiệm tại Chi nhánh thì bị từ chối vì nhiều lí do khác nhau.

Phóng viên đến nhà riêng của bác sĩ Nguyễn Văn Mười, được bác sĩ Mười cho biết, bác sĩ đã chấm dứt hợp đồng bên Thẩm mĩ viện Ula được 1 năm.

Tìm hiểu thêm Thẩm mĩ viện Ula (Chi nhánh 8), địa chỉ 1244, Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức. Tại đây, trên bảng hiệu thể hiện bác sĩ chịu trách nhiệm là Khưu Thị Thu H, số Chứng chỉ hành nghề 000315/CT-CCHN. Theo đó, phóng viên đã trực tiếp trao đổi với chồng bác sĩ H thì được biết, bác sĩ H đã mất ngày 10/5/2022.

Có thể thấy, hoạt động suốt thời gian qua của cơ sở Thẩm mĩ viện Ula hoàn toàn không có bác sĩ thực hiện. Tuy nhiên, Thẩm mĩ viện Ula vẫn thực hiện các quy trình khám chữa bệnh, sử dụng thuốc, dùng tia, sóng, đốt làm thay đổi màu sắc da là những công việc của bác sĩ là có dấu hiệu làm trái pháp luật. Khoản 5, Điều 23a, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ quy định: Cơ sở dịch vụ thẩm mĩ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mĩ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Các dịch vụ thẩm mĩ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mĩ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mĩ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mĩ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Đến nay, các cơ sở của Thẩm mĩ viện Ula vẫn hoạt động bình thường, không những vậy mà còn quảng cáo rầm rộ. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ những dấu hiệu khuất tất tại cơ sở của Thẩm mĩ viện Ula và có đúng cơ sở này có sử dụng tên bác sĩ đã chết để hoạt động?./.