Tesla cho biết công ty đang nỗ lực giải quyết lỗ hổng này bằng một bản cập nhật, nâng cấp phần mềm tương tự việc cập nhật ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp việc thu hồi xe bớt phức tạp hơn cho Tesla và các chủ sở hữu. Thông qua đó, chủ sở hữu Tesla sẽ không cần phải trực tiếp đưa xe của họ đến trung tâm bảo dưỡng xe.
Việc thu hồi được ban hành trong tháng này bao gồm các dòng xe Tesla Model 3 và Model Y phiên bản 2022 cũng như Model S và Model Xs 2021 và 2022 đang chạy một số phiên bản nhất định của hệ điều hành của Tesla.
Theo đó, một chip máy tính thuộc hệ thống thông tin giải trí trong một số phiên bản xe điện Tesla có dấu hiệu bị nóng lên dẫn đến quá trình xử lý chậm hoặc phải khởi động lại.
Hệ thống thông tin giải trí, thường liên quan trực tiếp đến màn hình cảm ứng trong xe, có nhiều tính năng, bao gồm định vị, âm nhạc, nhiệt độ, điều hòa không khí, điều chỉnh tốc độ gạt nước kính chắn gió và xem camera lùi.
Trong một hồ sơ công khai gửi lên NHTSA, hãng xe điện Mỹ tiết lộ rằng họ đã nhận được 59 yêu cầu bảo hành và báo cáo về vấn đề này. Ban đầu, Tesla đã khắc phục sự cố ở một số xe vào tháng 1 bằng cách thay thế chip máy tính trong các hệ thống thông tin giải trí bị ảnh hưởng. Tháng 4 vừa qua, công ty cũng đã phát triển một bản cập nhật phần mềm để giải quyết vấn đề. Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ sự cố tai nạn, thương tích hoặc tử vong nào liên quan đến tình trạng này ở xe điện Tesla.
Trong năm 2022, Tesla đã có 7 đợt thu hồi đối với dòng xe Model 3 và 6 đợt đối với dòng xe Model Y, tất cả đều được xử lý bằng các bản cập nhật phần mềm qua mạng.
Những thế hệ ô tô, đặc biệt là các dòng xe điện tiên tiến lại càng phụ thuộc nhiều vào phần mềm để hoạt động, do đó các bản sửa lỗi phần mềm có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Việc sửa chữa, cập nhật phần mềm cũng ít tốn kém hơn so với việc mua sắm và lắp đặt các bộ phận vật lý như túi khí hoặc các động cơ mới.
Những đợt thu hồi xe truyền thống không chỉ ảnh hưởng đến chủ sở hữu khi phải tốn thời gian và chi phí đưa xe đi bảo dưỡng, mà còn có khả năng khiến nhà sản xuất ô tô bị tê liệt về mặt tài chính vì phải chi trả cho nhân công sửa chữa. Chẳng hạn, General Motors đã chi 4,1 tỷ USD cho việc thu hồi xe vào năm 2015 vì các vấn đề như công tắc đánh lửa bị lỗi.
Việc thu hồi xe bằng các bản cập nhật phần mềm hiệu quả cao hơn nhiều so với thu hồi truyền thống. Các chuyên gia cho biết, nhược điểm của các bản cập nhật qua mạng là chúng có thể khuyến khích các nhà sản xuất ô tô phát hành các tính năng chưa được kiểm tra đầy đủ./.