Tên lửa đặc biệt nào đã phá hủy radar tối tân nhất của Nga?
Có nhiều ý kiến trái chiều về loại vũ khí nào đã phá hủy loại radar tối tân nhất của Nga, thuộc hệ thống phòng không S-400 nằm sâu trong hậu phương của Nga?
Tạp chí Defence cho biết, radar phòng không Podlet-K1 (48YA6-К1) của Nga đặt tại khu vực Lazurny (thuộc vùng Kherson) đã bị phá hủy, radar này là loại radar tiên tiến nhất đang hoạt động trong quân đội Nga, đó là loại radar trinh sát của hệ thống phòng không tối tân S-400.
Khi bị phá hủy, radar 48Ya6-K1 Podlet K1 cách vị trí tiền tuyến của Ukraine hơn 100 km, vượt quá tầm bắn của bệ phóng tên lửa cơ động cao M142 HIMARS, để phóng tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh M31 (dưới 80 km).
Hiện cả Nga và Ukraine không tiết lộ nhiều thông tin về vụ tấn công này, do đó, các nhà phân tích đã suy đoán rằng, radar phòng không Podlet-K1 (48YA6-К1) có khả năng bị bắn hạ bởi máy bay không người lái hoặc lực lượng đặc nhiệm Ukraine.
Tuy nhiên, hiện nay có một nhận định khác cho thấy, rất có thể radar Podlet-K1 (48YA6-К1) này, có lẽ đã bị phá hủy bởi một tên lửa chống bức xạ? Vì có khả năng, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine những vũ khí bí mật, mà không có trong danh sách viện trợ quân sự?
Các nguồn tin từ Tạp chí Quốc phòng Ukraine cho biết, Lầu Năm Góc có khả năng đã cung cấp cho Ukraine một tên lửa chống bức xạ "không được tiết lộ", có thể được phóng từ một bệ phóng tên lửa HIMARS hoặc M270. Hiện tại tin tức không có bên nào xác nhận.
Nhưng chỉ 5 ngày sau khi radar phòng không Podlet-K1 (48YA6-К1) bị phá hủy, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã tuyên bố công khai trong một chương trình truyền hình rằng, đợt viện trợ quân sự mới mà Mỹ cung cấp cho Ukraine trị giá 270 triệu USD, ngoài bốn bệ phóng tên lửa HIMARS, còn cả tên lửa bức xạ chống radar.
Ông Reznikov chỉ nhắc đến nội dung này, mà không tiết lộ nhiều thông tin. Theo các báo cáo công khai, quân đội Mỹ chỉ có một tên lửa chống bức xạ đang hoạt động là AGM-88 HARM, nhưng loại tên lửa chống bức xạ này, lại phải được phóng từ một máy bay chiến đấu.
Các máy bay chiến đấu của Ukraine (hoặc các nước Đông Âu là đồng minh của Liên Xô trước kia), như Su-27, MiG-29 và Su-24 hoàn toàn không có khả năng phóng tên lửa chống bức xạ AGM-88; vì vậy, loại tên lửa chống bức xạ đặc biệt này, chắc chắn không phải là AGM-88.
Các chi tiết cụ thể của tên lửa chống bức xạ phóng từ mặt đất này còn rất ít thông tin, nhưng theo những thông tin ít ỏi, thì loại tên lửa này, đã được phát triển từ năm 2018. Nó là một thiết bị tìm kiếm chống bức xạ, có thể được lắp đặt trên tên lửa HIMARS; hiện Quân đội Mỹ có thể đã trang bị nó, nhưng chắc chắn không được bán cho các nước khác.
Nếu chính tên lửa chống bức xạ đặc biệt này đã phá hủy radar phòng không Podlet-K1 (48YA6-К1), điều đó có nghĩa là Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa HIMARS khác ngoài tên lửa dẫn đường vệ tinh M31 (Theo luật pháp Mỹ, nước này sẽ không công bố loại vũ khí và số lượng viện trợ quân sự cụ thể cho Ukraine).
Hầu hết các tên lửa chống bức xạ là vũ khí phóng từ máy bay chiến đấu, máy bay ném bom hoặc trực thăng vũ trang; nhưng trong lịch sử quân sự thế giới, cũng có những tên lửa chống bức xạ được phóng đi từ mặt đất.
Ví dụ như loại tên lửa chống bức xạ Wolf được quân đội Israel sử dụng trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ năm, Tên lửa này thực chất là một xe tải với ba tên lửa chống bức xạ AGM-78 tiêu chuẩn, được cải tiến lắp thêm tên lửa đẩy, để tấn công hệ thống phòng không Sam-6 của Quân đội Syria ở Thung lũng Bekaa năm 1982.
Trong khi đó, Quân đội Nga vẫn chưa trị được dứt điểm loại tên lửa đạn đạo Tochka-U của Quân đội Ukraine; theo thông tin mới nhất từ truyền thông Nga, quân đội Ukraine đã bắn một lúc 3 tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U vào khu vực Belgorod, thuộc lãnh thổ Nga.
Mặc dù tên lửa Tochka-U là loại vũ khí cũ, được trang bị từ thời Liên Xô, nhưng lại được trang bị đầu đạn con, có thể gây sát thương rất lớn. Mặc dù Quân đội Nga cho rằng, cả 3 tên lửa Ukraine đều bị hệ thống phòng không Nga đánh chặn, nhưng một trong số các tên lửa Tochka-U vẫn rơi ở trung tâm Belgorod, phá hủy nhiều nhà cửa ở đây./.