Tàu vũ trụ Juno của NASA đã bay qua mặt trăng Ganymede của sao Mộc vào 13h15 phút (giờ Mỹ) ngày 7/6 nhằm đem tới những hình ảnh cận cảnh đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ về bề mặt băng giá của thiên thể này.

Ở khoảng cách gần nhất, Juno sẽ cách Mặt trăng băng giá của sao Mộc khoảng 1.000 km. Ganymede, với chiều rộng 5.260 km, lớn hơn cả sao Thủy, trước đó đã được tàu vũ trụ Galileo của NASA nghiên cứu chi tiết trong những năm chuyển giao của thiên niên kỷ và qua các sứ mệnh của Voyager vào cuối những năm 1970.

Tàu vũ trụ NASA lần đầu tiên đi qua Mặt trăng Ganymede của sao Mộc trong hơn 2 thập kỷ
Sao Mộc và các vệ tinh của nó (từ dưới lên trên) là Io, Europa, Ganymede và Callisto. Ảnh: NASA

Hành trình đi qua Ganymede mới đây sẽ giúp Juno thu thập được những dữ liệu khoa học quý giá, trong đó có các biện pháp đánh giá về từ trường và lớp vỏ của vệ tinh này, chủ yếu được tạo thành từ nước ở thể băng.

"Chúng tôi rất hào hứng với hành trình bay qua Ganymede lần này", Candice Hansen - người dẫn đầu đội ngũ nghiên cứu camera JunoCam của tàu vũ trụ này tại Viện Khoa học Hành tinh ở Tucson, Arizona cho hay.

JunoCam có thể ghi lại nhanh những hình ảnh của Ganymede với độ phân giải từ khoảng cách 1 – 2 km. Mức độ quan sát chi tiết này sẽ giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội xem xét liệu có bất kỳ khu vực nào trên vệ tinh này thay đổi hay không, nhất là sau những tác động của thiên thạch từ những quan sát trước đó của chúng ta.

"Juno có các thiết bị cảm biến có thể ghi lại hình ảnh chưa từng quan sát được của Ganymede", nhà khoa học Scott Bolton tại Viện Nghiên cứu Southwest ở San Antonio cho hay.

Tàu vũ trụ NASA lần đầu tiên đi qua Mặt trăng Ganymede của sao Mộc trong hơn 2 thập kỷ
Bản đồ mặt trăng Ganymede của sao Mộc từ dữ liệu của tàu vũ trụ Voyager và Galileo. Ảnh: NASA

Với vận tốc gần 70.000km/h, tàu vũ trụ Juno có 25 phút để ghi lại những hình ảnh của Mặt trăng Ganymede. Tàu vũ trụ này sẽ có khoảng 1 tháng để kết thúc sứ mệnh đầu tiên. Đầu năm nay, NASA đã mở rộng thời gian nghiên cứu sao Mộc - hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời. Juno sẽ tiếp tục quan sát sao Mộc và bầu khí quyển đặc trưng bởi những cơn bão của nó cho tới năm 2025 và sẽ tiến hành thêm các chuyến thăm một số mặt trăng lớn nhất của hành tinh này, trong đó có Europa vào năm 2022 và Io vào năm 2023./.