Dự và chỉ đạo lớp tập huấn có đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. Cùng dự có lãnh đạo các phòng thuộc Sở VH&TT và gần 200 học viên là công chức, viên chức các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa & Thể thao; Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông 21 huyện, thành, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tập huấn, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VH&TT nhấn mạnh 2 nội dung:
Thứ nhất: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền các cấp góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; Tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai: Trong Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, và từ đó, ngành công nghiệp văn hóa ngày càng góp phần quan trọng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ văn hóa. Khai thác giá trị văn hóa của kinh tế để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Trong thời gian 2 ngày, các học viên sẽ được tiếp thu 2 chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: Phương pháp, cách thức chuyển đổi số do Ths. Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietsoftpro trình bày. Chuyên đề 2: Công nghiệp văn hóa do Ts. Trần Hoàng - Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày.
Lớp tập huấn nhằm giúp các học viên nhận thức đúng và đầy đủ hơn về chuyển đổi số và công nghiệp văn hóa; qua đó để định hướng, xác định lộ trình, trang bị kiến thức cơ bản, các nội dung, yêu cầu trong việc thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của đơn vị, của ngành và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.