Hệ sinh thái siêu khủng đa ngành
Sau gần 20 năm thành lập và phát triển, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) của bà Chu Thị Thành tạo ra một "hệ sinh thái" với nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực như xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, điện, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, bất động sản, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài.
Có thể kể đến như Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Hoàng Huy, Công ty Cổ phần Trung Long, Công ty Cổ phần thương mại Quốc tế BMC, Công ty Cổ phần dầu khí Epic, Công ty Cổ phần Điện mặt trời miền Trung MK, Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn Safari, Công ty Cổ phần KCN Hải Phòng...
Hiện, TMD Group là đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng, với mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Đáng chú ý, đầu năm 2019, TMD Group đã đưa dự án Tổng kho xăng dầu DKC tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào hoạt động. Dự án được xem là tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung bộ. Tổng mức đầu tư của Tổng kho xăng dầu DKC vào khoảng 1.400 tỷ đồng.
Đây là dự án tổng kho xăng dầu kết hợp cảng chuyên vận lớn nhất Bắc Trung Bộ, có trữ lượng 115.000 m3 (gồm kho ngoại quan và kho nội địa) và được kỳ vọng sẽ đóng góp ngân sách cho tỉnh Nghệ An hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dự án này giúp TMD Group liên tiếp nằm trong top đầu những doanh nghiệp nộp thuế cao nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào các năm 2019 và 2020. Đặc biệt là năm 2020, TMD Group đã nộp hơn 1.000 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh chỉ sau 9 tháng đầu năm.
Trong năm 2019, doanh thu của tập đoàn này đã mấp mé ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Mức doanh thu còn cao hơn rất nhiều những công ty tên tuổi khác trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (6.160 tỷ đồng) hay Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội (Mipec; 7.066 tỷ đồng).
Hoạt động chính trong lĩnh vực xăng dầu, những năm qua TMD Group của bà Chu Thị Thành đang dần lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Ngoài Tổ hợp đô thị, khách sạn Hà Nội Kim Liên ở Cửa Lò (Nghệ An), TMD Group còn “Bắc tiến” khi tham gia đấu giá đất vàng Thủ đô.
Cuối năm 2019, TMD trúng đấu giá quyền sử dụng đất lô đất TQ5 (1) có diện tích 83.388m2, gồm đất để xây dựng nhà ở thấp tầng (31.529,6m2), đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ (2.513m2)... ở thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với số tiền hơn 779,6 tỷ đồng (tăng 81 tỷ đồng so với giá khởi điểm).
Đây được coi là "đất vàng" ở huyện Gia Lâm, bởi nằm ở vị trí đắc địa (đối diện bệnh viện đa khoa Gia Lâm, 2 mặt đường Nguyễn Mậu Tài và Đoàn Quang Dung) và lại là "đất sạch" sau khi đã được UBND huyện Gia Lâm sử dụng 202,1 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước để giải phóng mặt bằng.
Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận âm
Về TMD Group, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2001, trụ sở tại số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mao (TP.Vinh, Nghệ An). Bà Chu Thị Thành hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của TMD Group.
Tính đến tháng 10/2021, Thiên Minh Đức có vốn điều lệ 1.155 tỷ đồng. Trong đó, bà Chu Thị Thành là cổ đông lớn nhất của công ty với 68,25% cổ phần, ông Chu Đăng Khoa sở hữu 31,65% và cổ đông thứ 3 là ông Vương Đình Quán với 0,1% cổ phần.
Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn từ năm 2016-2019,TMD Group có tốc độ tăng trưởng về doanh thu rất nhanh.
Từ mức 605 tỷ đồng (năm 2016) lên mức 2.180 tỷ đồng (năm 2017) và 6.175 tỷ đồng (năm 2018). Đến năm 2019, doanh thu của TMD Group đạt 9.836 tỷ đồng, tăng lên tới 1.526% chỉ sau 3 năm.
Tuy nhiên, ở cả 4 năm trên, TMD kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp đều là con số âm, đỉnh điểm là -176 tỷ đồng trong năm 2019.
Điều này khiến doanh nghiệp của bà Chu Thị Thành 4 năm liền lỗ sau thuế lên tới 548 tỷ đồng, lần lượt ở mức -53 tỷ đồng (năm 2016), -38 tỷ đồng (năm 2017), -154 tỷ đồng (năm 2018) và năm 2019 lên tới -302 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn từ năm 2016-2019, khối tài sản của TMD Group tăng mạnh từ mức 604 tỷ đồng lên tới 5.937 tỷ đồng, cao gần gấp 10 lần so với năm 2016.
Thế nhưng, phần lớn tài sản của Thiên Minh Đức lại đến từ nợ phải trả khi ở mức 366 tỷ đồng năm 2016 tăng lên mức 5.590 tỷ đồng (năm 2019).
Về bà Chu Thị Thành, ngoài Thiên Minh Đức, mẹ của "đại gia kim cương" Chu Đăng Khoa hiện đang đứng tên hàng loạt công ty như: CTCP Trung Long, lĩnh vực hoạt động chính là công viên vui chơi và công viên theo chủ đề.
Theo tìm hiểu, Trung Long là chủ đầu tư dự án Công viên Trung tâm TP.Vinh; Công ty TNHH Thương mại Du lịch DKC, ngành nghề kinh doanh chính là kho bãi và lưu giữ hàng hóa; CTCP Điện mặt trời miền trung MK (công ty liên doanh giữa CTCP Hóa chất Nhựa- Plaschem và Thiên Minh Đức); CTCP Nam Long Vinh, CTCP Khoa học Kỹ thuật điện tử, thiết bị viễn thông Trung Thiên, CTCP Dầu khí EPIC và Công ty TNHH Thương mại Hiếu Thành Lộc.