cc-1686808167.jpg
 

Trong bối cảnh thiếu sân chơi hè cho trẻ, nhiều trường học tận dụng cơ sở vật chất, nhân sự để tổ chức các hoạt động trải nghiệm với mục đích, ý nghĩa cụ thể. Thế nhưng để mở được trường hè và hoạt động hiệu quả, không chỉ dựa vào nỗ lực của nhà trường, mà cần sự phối hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và cả phụ huynh.

Trường học không đóng cửa

Năm học 2022 - 2023 đã tổng kết, nhưng thay vì đóng cửa trường suốt 3 tháng hè, thì điểm bản Phà Lõm, Trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn đều đặn vang lên tiếng trống vào mỗi thứ Hai và thứ Năm hằng tuần. Nghe tiếng trống trường, lũ trẻ trong bản lại ùa đến để đọc sách, chơi đùa cùng nhau.

Người đánh trống trường trong dịp hè đón học sinh tới đọc sách là cô Vừ Y Rủ, giáo viên người Mông, nhà ở trong bản Phà Lõm và đã có 10 năm gắn bó, dạy học tại Trường Tiểu học Tam Hợp. Cô Y Rủ chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi đều phụ trách cho học sinh đọc sách báo, truyện dịp hè. Vì vậy dần hình thành thói quen trong học sinh và các em cũng thích được đến trường. Mỗi lần nghe tiếng trống, các em lại ùa đến rất đông mà không cần phải nhắc nhở”.

Việc tổ chức đọc sách cũng được cô Vừ Y Rủ triển khai với nhiều hình thức. Thông thường, vào sáng thứ Hai, cô mở cửa các lớp học cho trẻ đến trường đọc sách tại chỗ và cho mượn về nhà. Đồng thời dặn các em thứ Năm mang sách nộp lại để đổi sách khác. Cũng có khi cô đưa sách về nhà mình để các em đến chơi, đọc cùng cô giáo.

Phà Lõm là bản có 100% học sinh người Mông và số trẻ tiểu học đông nhất so với các bản khác trong xã với hơn 100 em. Đặc điểm của học sinh trong bản là chăm ngoan, thích học, nhưng lứa tuổi lớp 1 - 2 vẫn còn nhiều hạn chế trong tiếng Việt. Các em chủ yếu sống trong bản và giao tiếp với bố mẹ, người thân bằng tiếng Mông. “Mỗi lần các em đến trường hoặc về nhà cô giáo, tôi thường ngồi gần nhóm học sinh yếu để đọc cùng, tập cho các em đánh vần những từ khó nhớ”, cô Y Rủ nói.

Với đặc thù là giáo viên người bản địa, cô Vừ Y Rủ thường được giao phụ trách dạy học lớp 1 - lứa tuổi bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông, tập đọc, tập viết tiếng Việt. Cô Y Rủ cho biết thêm: “Năm học này, lớp của tôi phụ trách vẫn còn 3 em chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tôi sẽ dành thời gian nghỉ hè này để phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho các em phục vụ bài kiểm tra, đánh giá lại năng lực. Nếu đạt sẽ cho các em lên lớp 2”.

v-1686808204.PNG
Học sinh Câu lạc bộ Văn hóa Mông, Trường PTCS DTBT Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) múa hát khèn Mông tại trường.

Trường Tiểu học Tam Hợp đóng tại xã biên giới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Ngoài điểm chính ở Xốp Nậm, trường còn có điểm lẻ tại các bản Phà Lõm, Huồi Sơn, bản Phồng… Trường có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Tày Poọng…

Thầy Nguyễn Đình Mận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Hợp, chia sẻ, việc mở cửa trường trong dịp hè để học sinh đến đọc sách báo hoặc mượn về nhà nhằm phát triển văn hóa đọc; tăng cường tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó tạo không gian an toàn, thân thiện, tích cực để các em hoạt động dịp hè trong điều kiện diện tích sân chơi, bãi tập trong bản làng nhỏ hẹp.

“Hoạt động này được duy trì nhiều năm nay, dần trở thành thường niên mỗi dịp hè và quen thuộc với học sinh nhà trường. Theo đó, trước kỳ nghỉ hè, nhà trường đã họp phân công nhiệm vụ, giao cho các giáo viên phụ trách trực trường và các điểm lẻ - chủ yếu là thầy cô người bản địa.

Thầy cô sẽ nhận sách từ thư viện của trường đem về điểm trường lẻ trong bản. Sau đó tổ chức cho các em đến đọc, hoặc mượn với các hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Cách 1 - 2 tuần, giáo viên lại luân phiên đem sách, truyện học sinh đã đọc xong đến trả cho thư viện rồi nhận sách mới về”, thầy Nguyễn Đình Mận cho hay.

Bên cạnh giáo viên người bản địa, nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Đoàn Thanh niên, Đồn Biên phòng Tam Hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, phát triển kỹ năng sống, dạy bơi cho học sinh. Qua đó, giúp các em có một mùa Hè ý nghĩa và an toàn.

vv-1686808234.PNG
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đọc sách tại trường.

Trao truyền giá trị dân tộc

Dịp nghỉ hè, học sinh Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lại có khoảng thời gian ý nghĩa khi được học khèn Mông, các điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Thay vì khóa cửa trường học, trả học sinh về với gia đình, địa phương, nhà trường vẫn tạo điều kiện để câu lạc bộ tiếp tục hoạt động. Trong đó nổi bật nhất là Câu lạc bộ Văn hóa Mông, các bạn nam học thổi khèn, còn nữ thì múa, hát “cự xia”.

Hạ Bá Chênh nhà ở bản Đống Trên, xã Tây Sơn được bố truyền dạy cách thổi khèn từ năm lớp 5. Nhưng trong năm học, do ở bán trú, em chỉ về nhà vào cuối tuần. Bên cạnh đó, em phải ưu tiên nhiệm vụ học chính khóa, hoàn thành chương trình kiến thức nên việc học thổi khèn không thường xuyên, chưa thành thạo.

Nhưng khi sinh hoạt trong câu lạc bộ, được tập luyện với nghệ nhân do nhà trường mời đến, Hạ Bá Chênh ngày càng tiến bộ và đam mê với nét văn hóa của dân tộc. Giờ đây, em đã biết bấm lỗ trên các ống khèn khá thuần thục, cùng với động tác nhảy, múa đúng nhịp, uyển chuyển.

Cô Phó Hiệu trưởng Lã Thị Thanh Huyền đồng thời cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Mông cho hay, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương để mời các nghệ nhân, già làng đến trao truyền giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh.

“Với múa và thổi khèn Mông, chúng tôi đã mời nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đến dạy cho học sinh. Bác Vừ Lầu Phổng được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú từ năm 2014, từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình văn hóa cấp huyện, tỉnh. Dù bận rộn việc nương rẫy nhưng với học sinh, bác luôn dành sự ưu ái, quan tâm và thời gian chỉ dạy tận tình”, cô Huyền thông tin.

Về phía nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh được sử dụng cơ sở vật chất, không gian, sân chơi, phòng học để sinh hoạt câu lạc bộ nghệ thuật, kỹ năng sống. Trong dịp hè, ngoài trực ban giám hiệu, còn có giáo viên người bản địa của Trường Phổ thông cơ sở DTBT Tây Sơn cùng hỗ trợ trong quản lý, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại trường. Bên cạnh đó, sự phối hợp của chính quyền địa phương và ủng hộ của già làng, người uy tín đã tạo thuận lợi để hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường thêm ý nghĩa, hiệu quả.

8-1686808270.PNG
Trường PTCS DTBT Tây Sơn mời nghệ nhân đến trường để trao truyền văn hóa dân tộc cho học sinh.

Để “mở cửa trường hè” đúng mục đích, ý nghĩa

Trong 2 năm qua, vào dịp nghỉ hè, Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức thành công các lớp dạy bơi cho hơn 100 học sinh. Cùng với đó, trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước cho các em. Tuy nhiên, dịp hè năm nay, ban giám hiệu nhà trường ấp ủ ý tưởng mới để việc mở cửa trường hè có chương trình, mục đích cụ thể, bài bản và hiệu quả hơn.

Cô Nguyễn Thị Bích Thìn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường xây dựng chương trình hè với mục đích giúp các em có những ngày hè được vui chơi thực sự. Các hoạt động chơi mà học - không áp lực nhưng qua đó rèn luyện được kỹ năng, phát huy sở trường, năng khiếu cụ thể cho trò.

Cụ thể, cùng Đoàn Thanh niên tiếp tục mở các lớp dạy bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước. Do nhà trường chưa có điều kiện xây dựng bể bơi hiện đại nên phải phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ, phụ huynh học sinh đóng khoản phí nhất định cho toàn khóa. Học sinh được học cho đến khi biết bơi. Trường hợp những em có nhu cầu, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường sẽ huy động các nguồn lực để hỗ trợ.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các câu lạc bộ dân vũ, Tiếng Anh, ngày hội STEM học mà chơi – chơi mà học. Riêng câu lạc bộ bóng đá, dự kiến phối hợp với Đoàn Thanh niên, thành lập đội bóng cấp xóm với cầu thủ là học sinh của nhà trường và tổ chức giải đấu giữa các xóm với nhau. Thời gian cho mỗi hoạt động kéo dài từ 20 ngày – 1 tháng và phụ huynh có thể cùng chơi, trải nghiệm với con tại trường.

Cũng theo nữ Hiệu trưởng, Nghĩa Đồng là xã vùng nông thôn, có truyền thống hiếu học và phong trào học tập phát triển mạnh mẽ. Nhưng “mặt trái” của việc quan tâm đến sự học trong phụ huynh là bằng nhiều hình thức cho con em đi học thêm văn hóa, kể cả trong dịp hè. Dù nhà trường luôn quán triệt và thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục cấm giáo viên dạy thêm học thêm, nhưng không ít phụ huynh tìm cách nhờ thầy cô phụ đạo, bồi dưỡng nhóm cho con em.

“Ngay trong cuộc họp phụ huynh cuối năm, thay mặt nhà trường, tôi cũng bày tỏ mong muốn cha mẹ hãy để con em có một mùa Hè, tuổi thơ đúng nghĩa với các hoạt động phù hợp lứa tuổi. Về các hoạt động trong dịp hè tại trường, khi triển khai sẽ thực hiện trên nguyên tắc và tinh thần tự nguyện, phụ huynh và học sinh đăng ký theo nhu cầu, sở thích”, cô Thìn cho hay.

Chỉ khi đa dạng hóa các hoạt động mới thu hút được sự tham gia của học sinh đến trường trải nghiệm. Giảm thiểu tình trạng dịp hè học sinh ở nhà chơi điện thoại, chơi game… Nhất là trong điều kiện thực tế vùng nông thôn không có khu vui chơi giải trí hoặc trung tâm dạy kỹ năng. Tuy nhiên, để làm được các hoạt động này, nhà trường cần sự phối hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự ủng hộ của phụ huynh, chứ không thể từ một phía. - Cô Nguyễn Thị Bích Thìn

Theo Hồ Lài - giaoducthoidai.vn