Bộ LĐ-TB-XH cho biết, từ ngày 1/4 sẽ tiến hành khảo sát vấn đề tiền lương tại khoảng 2.000 doanh nghiệp để làm cơ sở cho điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2023.
Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiền lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, khiến đời sống người lao động khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tính toán điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu của doanh nghiệp, bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đây là bài toán khó để hài hòa lợi ích cả 2 bên.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, cần sớm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng ngay trong năm 2022, nếu đợi đến năm 2023 mới điều chỉnh thì đang “nợ” người lao động một khoảng thời gian quá dài không được tăng lương tối thiểu trong khi các chỉ số làm căn cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu đã thay đổi rất nhiều.
“Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, nhưng cũng phải khẳng định rằng nếu doanh nghiệp khó 10 thì người lao động phải khó đến 20. Trong 2 năm qua người lao động đã rất chia sẻ với doanh nghiệp, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh để đồng hành cùng doanh nghiệp. Như vậy, về phía doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm tính toán bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động.
Lương tối thiểu vùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhưng cũng còn một loạt các yếu tố khác như chỉ số giá tiêu dùng, trượt giá, tốc độ tăng trưởng GDP, quan hệ cung cầu lao động, năng suất lao động. Xét cả về quy định pháp luật và tình cảm thì không thể không tăng lương tối thiểu vùng”, ông Vũ Minh Tiến nhấn mạnh.
Nói về cách xác định tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động, theo ông Vũ Minh Tiến, cách xác định nhu cầu về lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm trong công thức tính tiền lương tối thiểu vùng hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý, cần xem xét giảm tỷ lệ lương thực thực phẩm, tăng tỷ lệ phi lương thực khi xác định mức sống tối thiểu của người lao động.
Cũng theo ông Vũ Minh Tiến, nhiều doanh nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để xác định lương cơ bản – mức lương thấp nhất khi người lao động bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp. “Lương cơ bản phải là sự thương lượng giữa người lao động hoặc đại diện tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, nhưng việc này gần như không được thương lượng mà do doanh nghiệp ấn định. Hầu hết các doanh nghiệp thường căn cứ trên lương tối thiểu vùng sau đó tăng lên từ 5-7% để xác định tiền lương cơ bản của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng thì nhiều doanh nghiệp vẫn giữ mức lương căn bản", ông Tiến lo ngại.
Còn theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, trong 2 năm qua do tác động khách quan từ dịch bệnh, doanh nghiệp khó khăn, người lao động thiếu việc làm, do đó mức lương tối thiểu vùng không tăng. Hiện nay, doanh nghiệp nào cũng muốn có điều kiện sản xuất bình thường, phát triển, trong khi đó, người lao động cũng lại muốn tăng lương để đảm bảo cuộc sống khi giá cả tăng cao. Trong bối cảnh này, trước khi nhà nước điều chỉnh, mỗi doanh nghiệp trong khả năng của mình nên có các chính sách hỗ trợ người lao động từ sớm.
Nói về mức lương tối thiểu vùng, ông Phạm Minh Huân cho rằng, lương "chạy" 10 năm chưa "đuổi" kịp để đáp ứng nhu cầu của người lao động là một thực tế: “Trong thực tế có nhiều yếu tố đẩy giá cả lên cao. Câu chuyện giữa lương và nhu cầu sống, lương đủ sống là chuyện cần phấn đấu nhiều năm. Chúng ta thấy rằng mức lương tối thiểu hiện nay đã khá hơn, nhưng nếu so sánh với các nước phát triển vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Kinh tế xã hội thay đổi, đất nước phát triển nhiều hơn, đời sống người dân cũng có nhiều mong muốn hơn. Nếu như trước đây chỉ cần ăn no, mặc ấm thì đến nay cần ăn ngon mặc đẹp, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra còn nhiều nhu cầu về tinh thần… Việc để lương đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là mục tiêu cần phấn đấu chứ chưa thể làm ngay.
Những người làm chính sách hoàn toàn có thể hiểu được, người lao động muốn tăng lương, nhưng cũng cần nhìn vào khả năng chi trả của doanh nghiệp", ông Huân nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới cần tính toán cẩn trọng, quan trọng nhất vẫn là làm sao thúc đẩy được sản xuất, phục hồi kinh tế, từ đó tăng được năng suất lao động, tạo nhiều việc làm, có điều kiện để doanh nghiệp có tài chính tốt hơn từ đó có điều kiện để tăng lương. Việc tăng lương tối thiểu luôn có nhiều ý kiến khác nhau, không thể thống nhất mà chỉ có thể ở mức gần nhau hơn.
"Đối với doanh nghiệp, lương là chi phí, nếu không tăng năng suất lao động mà tăng lương thì sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Đại diện doanh nghiệp luôn muốn tăng lương ở mức thấp, còn Tổng liên đoàn lao động bao giờ cũng đưa ra phương án tăng cao. Cơ quan Nhà nước trong Hội đồng tiền lương cần tham vấn, tính toán kỹ để tìm ra các phương án tăng mức lương hài hòa để các bên gần nhau hơn, ở mức chấp nhận được”, ông Huân cho biết./.