Đủ nguồn lực để tăng lương cơ sở
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, từ 1/7, tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên thành 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là tin vui đối với hàng triệu người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít những thông tin sai lệch, trong đó có việc chúng ta chưa đủ nguồn lực để thực hiện việc này.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, nguyên tắc của cải cách tiền lương là tốc độ tăng tiền lương bao giờ cũng chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Có nghĩa là có làm, có tăng năng suất, có tăng trưởng, phúc lợi và có phát triển lợi nhuận thì mới cải cách được tiền lương. Khi kinh tế phát triển, tăng trưởng thì mới thực hiện tăng lương.
Tăng lương là để bù giá để cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không bị chịu tác động của tăng giá, đồng tiền mất giá. Do đó, mỗi lần tăng lương cơ sở, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu và các đối tượng xã hội đều được cải thiện. Cùng với đó, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Không phải bây giờ chúng ta mới tăng lương cơ sở mà đến nay, đã có 14 lần tăng lương cơ sở 20 năm qua. Đối với việc cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW là vấn đề rất toàn diện liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và hàng triệu người thụ hưởng chính sách. Tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1/7/2024 là bước đệm phù hợp cho lộ trình cải cách tiếp theo..
Mục tiêu là đảm bảo tiền lương phản ánh đúng giá trị của sức lao động và tiền lương của khu vực công phải tiệm cận với khu vực tư. Mức tăng lương cơ sở lần này cao nhất từ trước đến nay. Để thực hiện, Nhà nước đã phải tiết kiệm, huy động các nguồn thu hợp pháp và từ ngân sách trung ương, địa phương... Hiện tại, chúng ta đã có được gần 700 ngàn tỷ đồng để tăng lương cơ sở,
“Như vậy có nghĩa là chúng ta đã hoàn toàn có nguồn lực để tăng lương cơ sở. Còn thông tin sai lệch về vấn đề này là không đúng nguyên tắc”, TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Sự nỗ lực của Chính phủ trong tăng lương cơ sở
TS Bùi Sỹ Lợi cho hay, lẽ ra, chúng ta đã thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2020, nhưng do tác động của cái đại dịch COVID - 19, cả đất nước phải gồng mình tập trung nguồn lực phòng chống đại dịch. Chúng ta đã huy động đến 120.000 tỉ để hỗ trợ, người dân và các doanh nghiệp khắc phục đại dịch COVID - 19.
Khi nền kinh tế vừa mới phục hồi, bắt đầu tăng trưởng, trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta phải tiết kiệm đầu tư công, chống lãng phí, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…bằng mọi nguồn lực để có được 700 ngàn tỷ đồng để cải cách tiền lương.
“Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Và một điều rất quan trọng là tạo động lực là để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo được sự đồng thuận xã hội”, TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Việc tăng lương cơ sở lên tới 30%, theo TS Bùi Sỹ Lợi cho hay, có ý nghĩa chính trị rất lớn, là động lực để tăng trưởng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, cùng với đó, cũng cần những giải pháp tích cực để kiềm chế lạm phát.
“Khi đó, việc nâng lương cơ sở mới có ý nghĩa. Nếu không, chúng ta chỉ tăng số tiền trong ví mà không tăng được giá trị sức mua của đồng tiền. Biện pháp tích cực nhất, là dùng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế để kiềm chế lạm phát”, ông Lợi nói.
Cùng với đó, theo TS Bùi Sỹ Lợi, cần chống tâm lý lan truyền để nâng giá, gây khó khăn cho người dân. Chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để chống một việc nâng giá một cách tùy tiện. Cần kiểm soát cả việc buôn bán hàng giả, nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch để tùy tiện lên giá. Đồng thời, cần động viên tinh thần cán bộ, công chức, viên chức cũng như là người dân ủng hộ Chính phủ, không nâng giá, tăng giá tùy tiện.
Khi phát hiện sai phạm, cần xử lý thật nghiêm. “Tăng lương cơ sở là chính sách rất quan trọng, chúng ta dứt khoát là không được để cho giá tăng, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương”, TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho hay, các lần tăng lương, lạm phát đều giảm, chỉ có 2 lần tăng lương vào năm 2008 và 2011 là lạm phát tăng. Tuy nhiên 2 năm 2008, 2011 việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới, do giá dầu thế giới tăng cộng với tỉ giá trong nước tăng. Vì lẽ đó trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế bớt việc ảnh hưởng của tăng lương cơ sở đến tình hình lạm phát.
Trong đó, đầu tiên là chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỉ giá. Cùng với đó, việc điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải giãn ra, không tăng cùng một lúc và cách xa mốc ngày 1.7.2024.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, cần phải chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. Và quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.