1-1649231166.jpg
Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ là dự án tác động đến cả rừng lẫn biển. Ảnh: Việt Khánh.

Thay đổi quy hoạch, rừng và biển bị tác động

Ngày 3/5/2006 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1441/QĐ-UBND.ĐT về việc chấp thuận dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ do Công ty CP đầu tư kinh doanh Bãi Lữ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 770 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 chỉ gói gọn 270 tỷ đồng (vốn chủ đầu tư và các cổ đông 105 tỷ; vốn vay ngân hàng và vốn khác 165 tỷ).

Địa điểm xây dựng nằm ở 2 xã Nghi Yên và Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, diện tích sử dụng đất trên 52 ha. Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ được triển khai theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt tại Quyết định số 1192/QĐ-UB.ĐT ngày 18/4/2006 và Quyết định số 3406/QĐ-UBND.ĐT ngày 30/9/2006.

2-1649231190.jpg
Sau nhiều năm đình trệ, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã tiếp nhận lại dự án. Ảnh: Việt Khánh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2005 đến 2008) tập trung đầu tư hạ tầng, xây lắp các công trình trọng điểm (san lấp, cải tạo mặt bằng khu biệt thự; xây dựng khu khách sạn 3 sao gồm 120 phòng; san lấp và cải tạo mặt bằng bãi biển…). Giai đoạn 2 (2019 đến 2012) thực hiện các hạng mục còn lại.

Vẽ ra cực kỳ chi tiết nhưng do tiềm lực tài chính hạn hẹp nên khối lượng thi công rất hạn chế, được khúc này mất khúc kia khiến tổng thể Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bãi Lữ trở nên “kém duyên”, điều này rõ ràng đi ngược lại với kỳ vọng của tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc và số đông người dân sống trong vùng “hưởng lợi”.

Bỏ bẵng suốt nhiều năm, đến tận gần đây dự án mới cho thấy dấu hiệu hồi sinh. 

Theo UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Dự án do Công ty CP kinh doanh Bãi Lữ (Tập đoàn Tân Á Đại Thành) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3423/QĐ-UBND ngày 2/10/2020; Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 4409/QĐ-UBND ngày 7/12/2020. Tổng diện tích quy hoạch là 512.905 m2.

Ghi nhận đến ngày 6/1/2022 Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã được UBND tỉnh Nghệ An, Sở TN-MT, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam giao đất, cho thuê đất (466.460,8 m2), đến nay chủ đầu tư đã triển khai thi công hệ thống đường giao thông, Khu biệt thự nghỉ dưỡng ven biển…

3-1649231224.jpg
Công trình cũ bám mặt biển hình thành trước đó đã bị phá bỏ, tương lai gần sẽ hình thành hàng loạt biệt thự, nhà hàng thay thế. Ảnh: Việt Khánh.

Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, kinh phí thực hiện dự án được nâng lên 2.500 tỷ đồng.  Mục tiêu hướng đến là đảm bảo tính chất một Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại và dịch vụ 4 mùa đẳng cấp, hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước với hệ thống công trình chính như sau: Khách sạn 5 sao, biệt thự hướng biển, biệt thự thung lũng, khu Shophouse, khu biệt thự ven đồi; quảng trường biển tổ chức sự kiện quốc tế; hội trường sức chứa 1.000 người…

Dự kiến đến quý IV/2024 sẽ hoàn thành. Thời gian hoạt động của dự án kéo dài 70 năm tính từ mốc tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư (ngày 3/5/2006). 

Quỹ đất sau điều chỉnh không có biến động quá lớn (517.850 m2 – PV), do đó để hoàn thành những nội dung nêu trên, Tân Á Đại Thành đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng quan theo hướng tăng quy mô diện tích xây dựng biệt thự, khách sạn…, vốn là những hạng mục công trình “hái ra tiền” nhanh nhất, lãi khủng nhất. Đáng nói, việc này có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Đi sâu vào chi tiết, Tân Á Đại Thành đã điều chỉnh tăng 6.975,7 m2 của Lô KS2, qua đó nâng tổng diện tích đất khách sạn từ 40.835,7 m2 lên 47.811,4 m2; tăng tiếp 1.713,3 m2 của các khu biệt thự từ BT24 đến BT34, nâng tổng diện tích khu này lên 132.789,3 m2…   Ngược lại sẽ giảm diện tích khu cây xanh, cảnh quan mặt nước từ 3.422m2 xuống 3.281m2; giảm 4.975,1 m2 đất giao thông…

Qua nắm bắt thực tế, hệ thống nhà hàng trên bờ biển hình thành nhiều năm trước đó đã bị san phẳng, chủ đầu tư lúc này đang đẩy nhanh quá trình san lấp mặt bằng. Với việc nâng cấp cả về quy mô lẫn hình thức, mặt biển khu vực này đang bị tác động quá lớn, lâu dài kéo theo tầng sinh thái xung quanh khó tránh khỏi ảnh hưởng.

4-1649231256.jpg
Sau điều chỉnh quy hoạch, khu vực rừng của dự án sẽ bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

Nếu “biển bạc” nằm trong diện nguy cơ thì “rừng vàng” chắc chắn sẽ bị chảy máu trầm trọng. Bàn đến vấn đề này cần phải nhắc lại diễn biến tình hình của 15 năm về trước, lúc bấy giờ dù đã hoàn thành công tác GPMB và được giao đất thực địa nhưng Công ty CP đầu tư kinh doanh Bãi Lữ cơ bản không tác động quá nhiều đến hiện trạng rừng sẵn có, có chăng chỉ xây dựng một vài công trình nhằm tạo điểm nhấn. Tuy nhiên Tân Á Đại Thành lại nghĩ khác, dự kiến tới đây cơ man cây rừng sẽ bị đốn hạ để nhường chỗ cho hệ thống biệt thự, khách sạn sang trọng, quy mô. Đáng nói, vị trí này không chỉ là rừng sản xuất mà còn có cả diện tích rừng phòng hộ.

Chủ trì buổi làm việc ngày 10/11/2020 bàn đến thủ tục giao đất dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có đề cập: “Trường hợp quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3423/QĐ-UBND ngày 2/10/2020 nếu có nội dung chưa phù hợp với chủ trương đầu tư dự án ban đầu (năm 2006), dẫn đến chưa phù hợp để thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất thì Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết theo quy định”.

Thi công trước, hoàn thiện sau

Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ là một dự án quy mô lớn, do một nhà đầu tư tầm cỡ triển khai nhưng quá trình thực hiện giai đoạn 2 các bên liên quan lại "quên" trình tự giải quyết công tác giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ lên đến hơn 5 tỷ đồng.

Rõ hơn, vào tháng 12/2021, trong lúc thi công hạng mục đường giao thông trong khu vực đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án, một số hộ dân tại xóm Chùa, xã Nghi Yên kịch liệt phản đối, đồng thời yêu cầu nhà nước và chủ đầu tư phải hoàn thành xong xuôi phương án bồi thường trước khi làm. 

5-1649231308.jpg
Tân Á Đại Thành triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ khi các vấn đề liên qua đến GPMB chưa được xử lý xong xuôi. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, năm 2005 - 2006 thực hiện công tác BT, GPMB dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ, Hội đồng BT, GPMB - UBND huyện Nghi Lộc đã kê khai, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt phương án và chi trả cho các bên (6 hộ dân, Lâm trường Nghi Lộc, UBND 2 xã Nghi Tiến và Nghi Yên) với tổng giá trị trên 605 triệu đồng. 

Trong số này, 6 hộ dân được bồi thường, hỗ trợ về cây cối, mồ mả. Lâm trường Nghi Lộc được bồi thường cây rừng. UBND xã Nghi Tiến, Nghi Yên được hỗ trợ về đất do UBND xã quản lý. Đặc biệt, đối với cây rừng (cây thông) trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ được trồng trên núi thì "chưa được bồi thường" mà triển khai theo phương án sau: Ban quản lý rừng phòng hộ có hợp đồng khoán, bảo vệ rừng đối với ông Nguyễn Trọng Đoàn - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư kinh doanh Bãi Lữ từ năm 2005 với diện tích 35,8 ha. 

6-1649231338.jpg
Tính ra, tổng kinh phí GPMB đối với 5 ha của người dân và 35,8 ha cây rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc lên đến hơn 5 tỷ đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Tính đến thời điểm chủ đầu tư huy động phương tiện, máy móc vào cày xới có 2 điểm chưa được bồi thường GPMB. Cụ thể, vị trí 1 bao gồm các thửa số 188, 189, 190, 191 với quy mô khoảng 5 ha, ghi nhận vào tháng 12/2021 khu vực này có cây rừng (thông, phi lao) được người dân trồng từ 2006. 

Trong khi đó, vị trí 2 gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất, dù đã được chuyển đổi sang đất thương mại, dịch vụ nhưng chưa tiến hành trích đo riêng biệt, diện tích theo hồ sơ nhận khoán, bảo vệ rừng năm 2005 là 35,8 ha. Lý giải nguyên do đến tận bây giờ mới lập hồ sơ bồi thường cây rừng, phía UBND huyện Nghi Lộc cho rằng do quy hoạch, trước đây chủ đầu tư đề nghị giữ lại cây rừng làm cảnh quan. Nay áp dụng theo quy hoạch chi tiết 1/500 được tỉnh Nghệ An điều chỉnh năm 2020, dự án có thêm hệ thống đường giao thông, các biệt thự nghỉ dưỡng (?!)