Người Thanh Hóa, Nghệ An keo kiệt, bủn xỉn. Trong giao tiếp họ quá nóng tính và thẳng tính, nhìn thấy việc có lợi cho mình họ mới làm. Họ luôn tính toán chi ly từng tí nên thấy ghét".

Lần đầu tiên đi xin việc sau khi ra trường, tôi nộp đơn vào một công ty cổ phần đóng trên địa phần tỉnh Bình Dương. Bà giám đốc gặp tôi hồ hởi: "Em đến xin việc à? Quê em ở đâu?” Tôi trả lời bằng cái giọng rất tự tin: "Dạ, quê em Nghệ An". Tức thì chị đứng ngay dậy và nói: "Thế thì chị phải xin lỗi em rồi, vì ở đây chị không tuyển người Thanh Hóa, Nghệ An".

Tôi cảm thấy sốc, có chút bực bội và tự ái. Tôi ra về. Vài ngày sau, tôi đến nộp đơn xin việc ở một công ty xây dựng khác. Anh trưởng phòng nhân sự rất vui khi biết tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, nhưng khi liếc nhìn qua sơ yếu lý lịch biết tôi quê Nghệ An thì chỉ nói một câu vẻn vẹn: "Thôi được rồi, cứ để hồ sơ lại đây, có gì vài ngày nữa anh gọi". Nhưng vài hôm nữa cũng chẳng thấy, một tháng sau cũng chẳng thấy.

Một thời gian sau, tôi đã trúng tuyển vào một công ty xây dựng của Nhật.
 

Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên đến làm, ông giám đốc người Nhật gọi tôi và nói: "Quy định của công ty là không tuyển người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bạn là người Nghệ An đầu tiên, hi vọng bạn không làm chúng tôi thất vọng."

Dù không còn cảm thấy sốc vì câu nói này, nhưng tôi vẫn thấy buồn và tự ái vì thấy mình bị coi thường. Cũng từ hôm đó, tôi luôn phải đối mặt với ánh mắt và mọi lời dị nghị. Các nhân viên trong công ty ai nhìn tôi cũng dè chừng, ngại tiếp xúc với tôi. Có những lúc tôi cảm thấy chán nản định bỏ cuộc, thậm chí có những lúc tôi tự trách mình tại sao lại sinh ra ở vùng đất đấy để người ta phân biệt, kỳ thị. Nhưng rồi bình tâm trở lại, tôi nghĩ, mình phải từ bỏ cái suy nghĩ ấu trĩ đó, mình phải làm gì đó cho đất xứ Nghệ và cần phải mạnh mẽ trở lại với sự thẳng thắn, nhất quán của người quê tôi: “Không bao giờ bỏ cuộc dù hoàn cảnh có nghiệt ngã thế nào”.

Tôi bắt đầu lên kế hoạch cho công việc với các dự án xây dựng của công ty… Áp lực và thử thách càng trở lên lớn hơn vì tôi "đơn thương độc mã" không nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè đồng nghiệp. Nhưng cuối cùng, bằng sự cố gắng hết mình, vị giám đốc người Nhật cũng phải ghi nhận năng lực của tôi, và nhận tôi vào làm việc chính thức ở công ty.
 

Vì sao dân Nghệ An bị người ta ghét

Sau những cố gắng khiến tình cảm đồng nghiệp trở nên thân thiết hơn. Tôi lân la hỏi mọi người về lý do tại sao lại ghét người Nghệ An quê tôi đến thế?
 
Chị trưởng phòng bảo: "Vì dân Nghệ An sống quá thực dụng, họ không bao giờ chịu nhún nhường ai…".
 

Một anh khác nói: "Người Thanh Hóa, Nghệ An keo kiệt, bủn xỉn. Trong giao tiếp họ quá nóng tính và thẳng tính, nhìn thấy việc có lợi cho mình họ mới làm. Họ luôn tính toán chi ly từng tí nên thấy ghét".

Còn các đồng nghiệp khác chưa từng va chạm với người Thanh Hóa, Nghệ An, nhưng nghe mọi người nói về người Thanh Hóa, Nghệ An nên cũng kỳ thị.
 
Đúng, tôi không phủ nhận người Nghệ An tôi có những tính xấu. Nhưng tỉnh nào chẳng có người này người kia. Người dân quê tôi không bao giờ ngại khó, ngại khổ trước mọi khó khăn, họ luôn cố gắng để vươn lên. Vì họ sinh ra ở một nơi mà điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt, họ quá khổ cực lam lũ nên họ luôn đòi hỏi cho mình sự công bằng.
 
 
Người Nghệ An chúng tôi không phải sống keo kiệt, bủn xỉn mà chúng tôi sống tiết kiệm vì chúng tôi sinh ra trên mảnh đất quá ư khắc nghiệt với hạn hán, lũ lụt triền miên, đói kém mất mùa luôn rình rập,… cho nên tiết kiệm là một điều tốt.
 
Hôm nay, họ làm được 25-30 nghìn nhưng họ chỉ dám chi 10-15 nghìn, số còn lại họ còn để phòng thân. Khi họ bưng bát cơm, họ lại nhớ cảnh ăn độn khoai độn sắn, bao giọt mồ hôi đổ xuống họ mới có bát cơm ăn,… Vì vậy, họ trân trọng từng đồng tiền, bát gạo mà họ đã đổ bao mồ hôi nước mắt, thậm chỉ cả xương máu mới làm ra.
 
Đậu Hồng Quang (Bình Dương)