Có một dòng sông không nguồn cũng không cửa, từ ngàn đời nay vẫn được sử sách và nhân dân ở hai bên bờ sông ghi nhận là một trong những con sông lớn, nổi tiếng danh thắng của Hà Tĩnh - đó là sông La. Chữ La theo như các cụ thông Nho giải thích là chữ Lụa. Hẳn không sai, nó được gọi tên theo hình ảnh mượt mà, mềm mại của dòng chảy con sông ấy. Ba con sông: Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La hợp lưu lại với nhau tạo ra một ngã ba sông gọi là Tam Soa.
Sông Ngàn Phố bắt nguồn từ hàng trăm khe suối nhỏ trên dãy Giăng Màn, từ đồi núi ven biên giới Việt Lào, ở độ cao 700m. Sông Ngàn Phố có hướng chảy từ Tây sang Đông từ xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, qua các xã Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Quang, Sơn Lâm… về xuôi các xã sơn Thịnh, Sơn Tân, Sơn Long tới Linh Cảm thuộc huyện Đức Thọ. Sông Ngàn Phố có chiều dài 72 km, với diện tích lưu vực, hứng nước trên 1.100 km2. Sông giống như một con rồng xanh uốn khúc, vươn mình uyển chuyển, khi giấu kín giữa đại ngàn bao la cây cổ thụ, khi phơi mình trong nắng ấm giữa ngày xuân. Sông Ngàn Phố là món quà vô giá mà thiên nhiên ưu đãi và ban tặng cho dải đất Hương Sơn - nơi phên dậu của Tổ quốc.
Ngàn Sâu là con sông lớn và dài nhất Hà Tĩnh chảy qua 3 huyện Hương Khê, Hương Sơn và Đức Thọ. Sông Ngàn Sâu có độ dài 175 km, bắt nguồn và nhận nước từ đỉnh núi Ông Giao - có độ cao 1.100m thuộc dãy Trường Sơn giáp biên giới Việt Lào. Sông hội tụ nguồn nước từ sông Tiêm, Rào Nổ, Ngàn Trươi với tổng lưu vực lên tới 1.880 km2, có tổng lượng nước trên 4,2 triệu m3. Dọc con sông có nhiều ghềnh, nhiều vực nhưng có hai ghềnh Trộ Đó và ghềnh Tàng là nổi tiếng nhất. Cả hai ghềnh do hai mỏm đá từ trên núi phóng xuống tận sát bờ sông, tăng thêm vẻ kỳ ảo của sông nước. Còn một cái vực đúng với nghĩa đen của nó là vực Ác.
Đã từ bao đời, dân Sơn Tràng và thuyền bè qua lại, nếu không có sự hiểu biết về địa lý, về sông nước, không có tay lái kinh nghiệm bị dòng nước chảy siết, xoáy cuộn tròn lại sẽ bị lật thuyền, lật bè ngay. Sông Ngàn Sâu đến đoạn này bị một vật cản chặn lại, dòng chảy uốn mình gấp khúc tạo thành một vực nước sâu khoảng 10 sải tay (khoảng 15 - 16m - TG) và xoáy mạnh.
Sông La thu nhận nước từ hai nguồn: Ngàn Sâu và Ngàn Phố, nơi hợp lưu ấy gọi là Tam Soa. Trước bến Tam Soa là núi Linh Cảm được trồng đầy thông xanh mướt nên bà con trong vùng thường gọi là núi Thông. Núi Thông tựa như cái mốc, báo hiệu giang phận sông La bắt đầu từ đó. Sông La nằm trọn vẹn trên địa bàn huyện Đức Thọ, đổ nước ra sông Lam tại ngã ba Phủ có tổng chiều dài 17km. Sông La về mùa khô nơi hẹp nhất 200m, về mùa lũ, nơi rộng nhất lên tới 1.000 m. Sông La, con sông hiền hòa và thơ mộng là nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu áng văn, bản nhạc và bài thơ ra đời và đi vào lòng người trong cả nước.
Bến Tam Soa, nơi hội tụ của 3 con sông tạo nên một ngã ba, một mặt phẳng của nước rộng chừng 50 ha. Tam Soa trên bến dưới thuyền, man mác gió nồm nam. Những đêm thượng tuần hay hạ huyền, ánh trăng man mác trôi trên bến Tam Soa thật huyền diệu.
Nhiều người may mắn được sinh ra và lớn lên bên dòng sông thơ mộng, được chiêm ngưỡng, đắm mình trong vẻ đẹp huyền diệu, không gian thanh bình, ấm áp tình người. Nhớ lại cảm giác của nhiều năm về trước, từ thuở bé cho đến trưởng thành được gắn bó với dòng sông, người dân nơi đây đã phải thốt lên rằng: Tam Soa - một vùng non xanh, nước biếc chắc chắn nếu những ai đã đặt chân đến đây đều cảm thấy xao lòng và yêu thiên nhiên hơn.
Đò - trăng - thuyền bè và đôi bạn tình muôn đời thủy chung, bởi Tam Soa luôn là nơi hò hẹn của 3 dòng sông, của bao cặp tình nhân. Đò nhà ai xuôi về đâu? Trăng trôi về đến đó như sông nước và trời mây không thể tách rời. Trăng soi đường, trăng soi bóng, trăng làm đẹp, trăng nâng niu và dâng trọn tình yêu cho những lứa đôi. Trăng tan chảy mênh mông trên Tam Soa, trên các đường làng ngõ xóm. Những người dân quê tôi, từ đời này đến đời khác đã quây quần bên nhau, bên ấm nước chè xanh đậm đà nghĩa tình thôn xóm. Hình ảnh thân thương, nét văn hóa độc đáo đó đi suốt cuộc đời họ như một ký ức đẹp nhất về bến Tam Soa.
Trên bến đò du xuân dọc bên bờ sông, chúng tôi bắt gặp những con thuyền nan qua lại đi sản xuất; bắt gặp những bè nứa, bè củi và cả bè gỗ với những người dân làm nghề “Sơn Tràng” cô đơn xuôi dòng vì cuộc sống. Đôi bờ sông Ngàn Phố là những làng mạc trù phú với mía ngọt, dâu xanh, với những cánh đồng ngô, cánh đồng lạc xanh mướt theo mùa…
Bên cạnh những ký ức đẹp khi nhớ về dòng sông như nhớ về một thời thiếu nữ, Tam Soa bây giờ đã có nhiều thay đổi, không yên bình, trong xanh vốn có mà thay vào đó là hình ảnh đục ngầu, đỏ dặm màu đất. Có phần tiếc nuối, chính quyền và người dân nơi đây cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng của việc thi công dự án thủy lợi như Ngàn Trươi - Cẩm Trang, nhiều công trình thi công ở thượng nguồn và có cả hoạt động khai thác cát diễn ra ồ ạt đang khiến cho hình ảnh nước sông La trong xanh xa mất dần trong ký ức. Hến sông La - một món ăn nổi tiếng mỗi khi nhắc đến vùng đất này như một nét văn hóa ẩm thực, đã làm thay đổi cuộc sống của bao người dân nhưng nay đang có nguy cơ dần mất đi vì những tác động quá mức của con người vào thiên nhiên.
Còn đò lướt nhẹ trên bến Tam Soa, bạn và tôi lần nữa được trôi trong dòng dân ca, những câu hò, điệu ví chan chứa tình đất, tình người mênh mang trên bến. Vẻ đẹp thơ mộng của Tam Soa là món quà vô giá được thiên nhiên ban tặng, đã hình thành cốt cách của con người xứ sở này lại ùa về trong ký ức. Tam Soa ơi! Sao mà thương mà nhớ.