Khi tổ dân phố thông báo lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn kêu gọi người dân ủng hộ, đóng góp để có 50 tấn hàng hóa hỗ trợ nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mơ, năm nay đã trên 60 tuổi (ở tổ 10, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn) đã quyết định làm 100 kg bún khô để ủng hộ. Bà Mơ cho biết, tạ bún này là tấm lòng của gia đình ông bà với đồng bào miền Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Còn với bà Ngô Thị Giang, ở Bản Luông, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, dù hoàn cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng đã dành số gạo ít ỏi trong nhà gửi đến Ủy ban MTTQ xã.
“Hoàn cảnh tôi có tuổi, ở một mình, nhưng xem tivi, nghe đài thấy bà con như thế, mình thương lắm. Tôi còn 4 cân gạo mang lên góp thôi, về nhà tôi lại mang bao thóc đi xát để ủng hộ tiếp, nhưng lên các anh trên xã bảo hàng gửi đi rồi nên không nhận nữa”, bà Giang chia sẻ.
Chỉ sau 5 ngày phát động và triển khai thu nhận hàng hóa ủng hộ (từ 23-27/8), Uỷ ban MTTQVN tỉnh Bắc Kạn đã nhận được số lượng hàng kỷ lục: hơn 351 tấn, gấp 7 lần so dự kiến ban đầu. Toàn bộ số hàng hóa này được chuyển về Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Kạn để tiếp tục phân loại, sắp xếp và chuyển lên xe. Hàng nghìn giỏ đựng, thùng chứa cũng đã được các cửa hàng, hộ kinh doanh tự nguyện đóng góp... Tất cả đều muốn góp một phần nhỏ bé của mình tới đồng bào vùng dịch.
Bà Lê Thị Minh, 84 tuổi tại tổ 4, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “Được tin người dân cả tỉnh ủng hộ miền Nam, tôi không thể ngồi yên được ở nhà, phải ra đây, động viên tinh thần con cháu, giúp con cháu. Tôi mong muốn số quà này sớm đến để đồng bào miền Nam được sử dụng trong lúc khó khăn này”.
Ông Ma Từ Đông Điền, Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Bắc Kạn cho biết, do số lượng hàng hóa được gửi đến quá lớn, tỉnh Bắc Kạn quyết định sẽ chia một phần gửi hỗ trợ tỉnh Bình Dương.
“Bắc Kạn dù là tỉnh khó khăn về kinh tế và cũng đang cùng cả nước chống dịch, nhưng đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn rất đoàn kết, thống nhất, quyết tâm và chúng tôi xác định, chống dịch cho cả nước, cho các tỉnh bạn cũng là chống dịch cho tỉnh mình”, ông Điền nói.
“Một miếng khi đói bằng gói khi no”, trong cơn khó khăn, hoạn nạn, càng sâu sắc hơn 2 tiếng “đồng bào” từ những tấm lòng, tình cảm chất phác, mộc mạc của người dân vùng cao hướng về nơi tâm dịch./.