Ban tổ chức lễ truy điệu giao cho Sở ta chuẩn bị điếu văn. Phòng Nghiệp vụ văn hóa được Ban Giám đốc Sở giao trách nhiệm biên soạn lịch sử ngành mấy năm nay, chắc tiểu sử đồng chí Hoàng Thi đã nắm kĩ rồi, trưa nay Phòng cố gắng hoàn thiện nội dung điếu văn, để tôi mang lên Ban tổ chức lễ truy điệu”.
Nghe xong điện thoại của Giám đốc Sở, tôi lặng người đi vì xúc động. Bởi vì đã nhiều lần rồi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa chúng tôi thành lập đoàn đi tìm hài cốt các đồng chí đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (trong đó có liệt sĩ Hoàng Thi). Mỗi chuyến đi, chúng tôi đã xuyên rừng, vượt núi mấy ngày liền, nhưng do chiến tranh đã lùi xa nhiều năm, cây rừng và mưa gió đã làm mất dấu tích, nên không sao tìm thấy được. Nay nhận được tin này làm cho tôi vô cùng xúc động. Tôi nghĩ chắc gia đình, vợ con đồng chí Hoàng Thi nghe tin này thì vui lắm. Thế rồi, trưa hôm ấy tôi ở lại cơ quan lục tìm tài liệu, ngồi viết điếu văn liệt sĩ Hoàng Thi với tấm lòng thành kính.
Đồng chí Hoàng Thi, tên thật là Nguyễn Liễm, sinh năm 1932, trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê vốn có truyền thống yêu nước, được chứng kiến bao cảnh đầu rơi, máu chảy do sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, nên đồng chí sớm có lòng yêu nước thương dân. Năm lên 14 tuổi, đồng chí tham gia làm du kích chống Pháp ở địa phương, góp phần nhỏ bé của mình vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau năm 1954, đồng chí được tổ chức phân công gây dựng lại cơ sở ở quê hương. Năm 1960, đồng chí bị địch bắt và giam ở nhà tù Phú Yên. Đến năm 1963, không có chứng cứ gì để buộc tội, nên bọn chúng đành phải thả đồng chí ra. Ra tù, đồng chí tìm về cơ sở và tiếp tục hoạt động. Đầu năm 1964, đồng chí được tổ chức điều lên làm công tác tuyên truyền ở chiến trường Đắk Lắk. Tại đây, đồng chí được phân công làm phóng viên báo “Cờ Giải Phóng”, thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk. Để có những bài báo hay, có giá trị tuyên truyền, đồng chí đã xuống các buôn làng ba cùng với đồng bào (cùng ăn, cùng ở, cùng làm rẫy). Đồng chí vừa làm vừa tuyên truyền cách mạng nên được đồng bào tin yêu quý mến.
Năm 1966, đồng chí được cử làm Phó ban Văn hóa-Tuyên truyền (thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk), trực tiếp phụ trách bộ phận in và xuất bản Báo “Giải Phóng” (Báo này nguyên là Báo Cờ Giải Phóng được đổi tên). Với nhiệm vụ này, đồng chí đã làm hết sức mình để cùng với đồng đội của mình hoàn thành tốt mọi công việc do Tỉnh ủy giao cho.
Lúc bấy giờ bộ phận tuyên truyền có 5 người, các dồng chí vừa viết tin bài, vừa biên tập, vừa lên ma két, vừa in báo, vừa in bản tin 3 thứ tiếng (Việt, Ê Đê, Ja Rai). Với công việc nặng nề như vậy, đồng chí đã cùng đồng đội của mình khắc phục mọi khó khăn, phân công nhau đi đến các cơ sở của khu căn cứ và các buôn làng, các đơn vị bộ đội trong vùng để lấy tài liệu viết tin, bài trên tờ “Giải Phóng” và bản tin ba thứ tiếng nhằm kịp thời động viên chiến sĩ, đồng bào thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ khu căn cứ kháng chiến, bảo vệ buôn làng.
Công việc in báo lúc bấy giờ rất đơn sơ, nhưng cũng rất vất vả. Khi bản thảo đã hoàn chỉnh phải viết chữ ngược lên đá rồi in litô, có khi phải mất hàng giờ mới in được một trang báo. Việc tìm người viết chữ ngược trên đá rất khó, trong cơ quan lúc ấy không ai viết được, do đó đồng chí Hoàng Thi phải đảm nhiệm việc này. Đồng chí viết chữ ngược nhanh và đẹp, lại biết trình bày, nên tờ báo in ra đạt được nội dung và hình thức. Nhờ vậy, mà báo “Giải Phóng” và bản tin ba thứ tiếng được in ra đều đặn đúng kì, đáp ứng được công tác tuyên truyền của Đảng. Có thể nói lúc bấy giờ đồng chí Hoàng Thi là cán bộ tuyên truyền, là nhà báo xuất sắc của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đồng chí sống rất giản dị, thương yêu giúp đỡ đồng đội, gần gũi đồng bào, vượt mọi khó khăn thiếu thốn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Mỗi khi trên chiến trường Đắk Lắk mở chiến dịch là đồng chí cùng đồng đội có mặt để nắm thực tế viết tin bài, kịp thời phản ánh trên trang báo, nhằm động viên chiến sĩ, đồng bào anh dũng chiến đấu, giải phóng quê hương. Đầu năm 1968, đồng chí được cử làm Trưởng Tiểu ban Văn hóa-Tuyên truyền. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam và Tây Nguyên diễn ra vào đêm mùng 1 Tết Mậu Thân-1968 (nhằm ngày 12/1/1968 dương lịch). Lúc bấy giờ, đồng chí Hoàng Thi dẫn một tổ tuyên truyền phối hợp với bộ đội chủ lực đánh chiếm Đài Phát thanh ngụy tại thị xã Buôn Ma Thuột. Trong chiến dịch này đồng chí đã anh dũng ngã xuống. Noi gương đồng chí Hoàng Thi, các đồng chí trong Tiểu ban Văn hóa-Tuyên truyền đã anh dũng lập nhiều chiến công giệt nhiều Mỹ-ngụy trả thù cho đồng chí. Họ tiếp tục sự nghiệp báo chí, tuyên truyền mà đồng chí để lại cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo cùng các cơn quan chức năng ở Đắk Lắk và gia đình đồng chí đã mất nhiều thời gian, công sức đi tìm mộ đồng chí Hoàng Thi, nhưng không tài nào tìm được. Mãi đến ngày 8/4/2000, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk mới tìm được mộ đồng chí tại một bãi cỏ bên cạnh khu nghĩa trang phường Êa Tam, TP Muôn Ma Thuột. Người vợ chung thủy cùng 3 người con (2 trai, 1 gái) cũng có mặt trong ngày “hội ngộ” này. Sau lễ truy điệu, theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt của đồng chí Hoàng Thi được đưa về an táng tại nghĩa trang Vạn Giả, tỉnh Khánh Hòa, để gia đình gần gũi hương khói cho đồng chí được ấm cúng.
Nhà báo, liệt sĩ Hoàng Thi trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước sống và chiến đấu trên chiến trường Đắk Lắk là một tấm gương sáng cho thế hệ chúng ta hôm nay - những người làm báo, làm công tác tuyên truyền trên mặt trận Văn hóa-Tư tưởng của Đảng, nguyện học tập và tiếp tục sự nghiệp của đồng chí trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước.