Lực lượng Taliban ngày 28/8 yêu cầu người dân Afghanistan giao nộp vũ khí, đạn dược, xe cơ giới và các tài sản khác của chính phủ cho giới chức có trách nhiệm. Nếu chống đối, họ sẽ bị xử lý theo pháp luật. Trong khi đó, quân đội Iraq bác bỏ khả năng lặp lại kịch bản ở Afghanistan...

Trong một yêu cầu đăng trên Twitter, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết người dân phải giao nộp các tài sản này trong vòng 1 tuần, nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật. Trước đó, Taliban cũng đã đưa ra một mệnh lệnh tương tự khi yêu cầu người dân giao nộp vũ khí họ giữ để phòng thân bởi ‘Taliban kể từ đây sẽ đảm bảo an toàn cho họ’.

Taliban yêu cầu dân nộp vũ khí, Iraq bác bỏ lặp lại kịch bản Afghanistan, IS tái xuất
Chiến binh Taliban và súng máy trên ô tô. Ảnh: AFP.

Cũng trong ngày 28/8, Taliban đã tiến hành phong tỏa toàn bộ sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul nhằm ngăn các đám đông kéo về đây để tìm đường rời Afghanistan. Binh lính Taliban đồng thời tiếp nhận việc đảm bảo an ninh tại các cổng ra vào sân bay Kabul sau khi lực lượng Mỹ rút đi. Theo các nguồn tin địa phương, đã xuất hiện thêm các lớp kiểm soát dọc theo các con đường dẫn vào sân bay. Các tay súng Taliban mặc quân phục được trang bị xe chiến đấu Humvee và kính nhìn ban đêm thu được của lực lượng an ninh Afghanistan trước đây. Những diễn biến này đặt trong bối cảnh thời hạn chót ngày 31/8 để Mỹ và các đồng minh rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan chỉ còn vài ngày.

Trong bối cảnh binh lính nước ngoài rút đi, chính quyền dân bầu sụp đổ và Taliban giành quyền quản lý đất nước, tình hình an ninh và bất ổn chính trị tại Afghanistan được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới. Việc này sẽ khiến khoảng nửa triệu người dân Afghanistan rời bỏ đất nước trong vòng 4 tháng tới. Đây là cảnh báo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đưa ra ngày 28/8.

Theo đó, dù tới nay chưa có một cuộc di tản ồ ạt nào, nhưng với tình hình đang diễn biến nhanh, có thể một số lượng rất lớn người dân rời bỏ đất nước bị chiến tranh tàn phá này. UNHCR đề nghị các nước láng giềng mở cửa biên giới với người tị nạn Afghanistan. Cùng lúc, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đề nghị Liên Hợp Quốc cung cấp 12 triệu USD để tổ chức này có thể cung cấp lương thực hỗ trợ cho những người dân Afghanistan đang thiếu ăn. Theo các tổ chức LHQ, 3 vấn đề đang nổi lên khiến người dân Afghanistan phải tìm đường ra đi là bất ổn chính trị, thất nghiệp và các vấn đề an ninh.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố tại Iraq sau khi Mỹ rút quân, hôm qua (28/8), quân đội Iraq khẳng định những gì đã xảy ra ở Afghanistan sẽ không lặp lại ở nước này.

Taliban yêu cầu dân nộp vũ khí, Iraq bác bỏ lặp lại kịch bản Afghanistan, IS tái xuất
Người phát ngôn của Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iraq, Thiếu tướng Yahya Rasoul. Ảnh: Ahram.

Phát biểu phỏng vấn báo chí bên lề “Hội nghị thượng đỉnh Baghdad về hợp tác và đối tác” được tổ chức trong ngày hôm qua (28/8), Người phát ngôn của Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iraq, Thiếu tướng Yahya Rasoul cho biết, những gì đã xảy ra ở Afghanistan sẽ không lặp lại ở Iraq và không có sự so sánh nào giữa hai nước.

“Những gì đã xảy ra ở Afghanistan sẽ không lặp lại ở Iraq bởi chúng ta có các lực lượng vũ trang, hệ thống phòng thủ quốc gia và có sự đoàn kết, ủng hộ của người dân trong việc chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố. Lực lượng vũ trang Iraq có thể bảo vệ đất nước và người dân của mình. Chúng tôi đã đánh bại tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới và thành công trong việc giải phóng những vùng đất bị chúng chiếm đóng ước tính tương đương 40% diện tích của Iraq”.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Yahya Rasoul cho biết thêm, Iraq cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình Afghanistan và phân tích tất cả các động thái của phong trào Taliban. Ông khẳng định những nỗ lực để đảm bảo an toàn cho tất cả các vùng lãnh thổ, biên giới và sự an toàn của người dân Iraq. Lực lượng vũ trang nước này đang phát động các chiến dịch liên tục nhằm truy quét các tàn dư của khủng bố.

Cũng theo người phát ngôn của Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iraq, thỏa thuận giữa chính phủ Iraq và các nước quy định sự hiện diện của các cố vấn quân sự Mỹ và liên minh chống khủng bố quốc tế ở Iraq. Nhiệm vụ này giới hạn ở hoạt động hỗ trợ huấn luyện, trang bị vũ khí, trao đổi thông tin tình báo và đôi khi là hoạt động hỗ trợ không quân.

Tuyên bố của quân đội Iraq được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan đang chứng kiến sự hỗn loạn sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi nước này theo thỏa thuận được ký kết giữa Taliban và Washington vào tháng 2/2020.

Taliban yêu cầu dân nộp vũ khí, Iraq bác bỏ lặp lại kịch bản Afghanistan, IS tái xuất
Khủng bố IS tái xuất. Ảnh: Social Media.

Các vụ đánh bom đẫm máu quy mô lớn do tổ chức khủng bố IS thực hiện ở thủ đô Kabul của Afghanistan khiến hàng trăm người chết và bị thương. Động thái này làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng trên toàn thế giới về sự tái hợp của tổ chức này và khả năng gia tăng các cuộc tấn công khủng bố.

Các chuyên gia về vấn đề khủng bố cho rằng, sự trở lại của IS không còn chỉ là suy đoán hay đe dọa và không chỉ giới hạn ở các địa điểm hoạt động truyền thống như Iraq và Syria mà còn mở rộng ra khắp khu vực nhất là thông qua chi nhánh của IS tại Afghanistan và Trung Á. Các nhà quan sát lo ngại rằng sự hiện diện ngày càng tăng của tổ chức khủng bố ở Afghanistan sẽ gây thêm rối loạn và kéo dài sự mất an ninh, ổn định ở đó cũng như ở cấp khu vực và quốc tế. Điều này xảy ra khi leo thang của các cuộc tấn công và hoạt động khủng bố của IS ở Syria và Iraq. Trong vài tuần qua, IS đã quay trở lại mở rộng hoạt động ở nhiều khu vực khác nhau ở Syria khi thực hiện một số cuộc tấn công ở đây.

Các chuyên gia cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến các cuộc đụng độ và đối đầu bạo lực giữa Taliban và IS ở Afghanistan, đặc biệt là ở các khu vực đông nam và bắc Afghanistan, nơi nhóm khủng bố Khorasan có hơn 2.000 thành viên đang hoạt động. Bên cạnh đó, IS đang mở rộng mạng lưới và tái xuất từ Afghanistan đến Syria, Iraq. Trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi các điểm nóng này, IS chắc chắn sẽ hồi sinh mạnh mẽ.

IS đã thực hiện những hành động tàn bạo như tàn sát 16 người, bao gồm cả trẻ sơ sinh trong một bệnh viện ở Kabul vào năm 2020, tấn công vào Đại học Kabul cùng năm giết chết 22 học sinh, tấn công một trường nữ sinh ở thủ đô Afghanistan giết chết hơn 40 người. Nhóm khủng bố Khorasan bao gồm một hỗn hợp các chiến binh với số lượng khoảng 3.000-4.000 vào năm 2016 khi mở rộng ở Syria và Iraq. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, chỉ trong quý đầu tiên của năm 2021, Nhóm khủng bố Khorasan đã thực hiện 77 cuộc tấn công ở Afghanistan, làm tăng đáng kể số lượng các cuộc tấn công so với cùng kỳ năm 2020./.