Trong 24 giờ qua, Afghanistan có nhiều diễn biến mới. Đáng chú ý nhất là cuộc đàm phán của cựu Tổng thống Hamid Karzai và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc tối cao Abdullah Abdullah, với các đại diện của Văn phòng chính trị của Taliban, về việc thành lập chính phủ trong tương lai.
Dù kết quả cuộc gặp không được công bố một cách chi tiết, song theo Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah, trong cuộc gặp, các bên đã trao đổi quan điểm thẳng thắn về các diễn biến chính trị, an ninh hiện nay cũng như một thỏa thuận cho tương lai của đất nước.
Khi các cuộc đàm phán diễn ra, Taliban cũng đã gặp phải sự phản kháng đầu tiên sau 1 tuần nắm quyền kiểm soát đất nước một cách khá yên bình. Theo giới truyền thông, lực lượng chống Taliban - tập hợp từ quân đội và lực lượng dân quân, vừa mới giành quyền kiểm soát 3 quận huyện gần thung lũng Panjshir – nơi mà Taliban chưa kiểm soát được. Giao tranh đẫm máu đã xảy ra khiến 30 tay súng Taliban bị tiêu diệt và 20 người khác bị bắt giữ. Đại diện của lực lượng chống Taliban kêu gọi Taliban không tấn công Panjshir và phải thành lập một chính phủ bao gồm đại diện nhiều bên; nếu không các cuộc nổi dậy sẽ tiếp diễn. Trong khi đó, nhiều người Afghanistan cũng đã xuống đường biểu tình tại nhiều khu vực trên khắp đất nước, để phản đối Taliban hoặc kêu gọi Taliban đảm bảo các quyền của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, tình thế hiện nay rất khó có thể đảo ngược. Hôm qua (21/8), ông Hashmat Ghani Ahmadzai, em trai của Tổng thống Ashraf Ghani, cũng đã gia nhập Taliban và kêu gọi người dân Afghanistan tuân theo luật Hồi giáo mà Taliban sắp thiết lập. Ông cũng kêu gọi Taliban thành lập một chính phủ bao trùm với đại diện nhiều bên.
Trên thực tế, người dân Kabul mấy ngày nay đã bắt đầu quay trở lại cuộc sống thường ngày, với nhiều hàng quán được mở lại; nữ sinh tại một số khu vực được trở lại trường học ngay cả nơi Taliban kiểm soát.
Một đại diện phía Taliban cam kết: “Thông điệp của tôi dành cho tất cả người dân là mọi vấn đề đã được giải quyết. Sẽ có an ninh và sự ổn định. Nếu người dân gặp bất kỳ vấn đề gì như trộm cướp, hãy báo cho chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết”.
Dư luận Afghanistan và quốc tế nhìn chung đánh giá tích cực về những lời cam kết của Taliban mới đây, bao gồm cả lời hứa về các quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật của đạo Hồi. Mỹ và các nước phương Tây cũng thừa nhận Taliban đang hợp tác trong việc giúp sơ tán công dân. Mới nhất, hôm qua, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov đánh giá, tình hình ở thủ đô Kabul hiện nay tốt hơn nhiều so với thời điểm Taliban chưa tiếp quản. Những gì ở Kabul đang cho thế giới những “lạc quan thận trọng” về tương lai của Afghanistan. Theo Đại sứ Nga, Taliban chính là chính quyền Afghanistan trên thực tế hiện nay và sau khi thiết lập được trật tự, Taliban nên tập trung vào việc cải thiện tình hình kinh tế, xã hội theo như cam kết./.
VOV.VN - Giữa bối cảnh Taliban nhanh chóng kiểm soát Afghanistan sau Mỹ rút quân, Nga đã nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy vai trò của mình như một cường quốc khu vực cũng như nhận thức được những rủi ro có thể phải đối mặt.