Mất 29 tiếng để qua chốt
Ngày 6/7, tỉnh An Giang ra quy định yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, các trường hợp đi về từ các vùng dịch, các địa phương đang có dịch khi vào An Giang phải có kết quả PCR “âm tính” có thời hạn trong 3 ngày của các cơ sở y tế đã được cơ quan có thẩm quyền trực thuộc Bộ Y tế công nhận và cấp phép theo quy định.
Ngoại trừ giấy này, tất cả phải thực hiện test nhanh tại các chốt chặn, chi phí test nhanh do cá nhân tự chi trả.
Trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc triển khai các phương án kiểm soát chặt là cần thiết. Tuy nhiên, trong những ngày đầu triển khai đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập.
Theo ghi nhận của PV, buổi trưa các ngày 6 và 8/7, tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên QL91 (đoạn thuộc phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên) có hàng trăm xe gắn máy, xe tải… phải dừng khai báo y tế, chờ xét nghiệm tại chốt dẫn đến kẹt xe kéo dài hơn 2km…
Đợi chờ hơn 4 giờ vẫn chưa vào được TP Long Xuyên lấy hàng, tài xế B.T (ngụ TP HCM) bức xúc: “Tui xuống Long Xuyên lấy cá tra đóng thùng container đưa về TP HCM, nhưng ghé tới đây từ rạng sáng đến giờ vẫn chưa qua được trạm kiểm soát, do phải chờ các trường hợp test nhanh với Covid-19”.
Còn tài xế Nguyễn Hoài Hận (ngụ TP HCM) cho biết, hiện có rất nhiều xe chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ để vào địa phận An Giang.
“Bản thân tôi là tài xế đường dài, dù chờ đợi rất mệt nhưng tôi nghĩ đó là trách nhiệm của cánh tài xế cần phải tuân theo quy định của địa phương đề ra khi vào địa phận của họ. Tuy có chút bức xúc nhưng cũng phải nghĩ địa phương làm vậy để bảo vệ cho người dân cũng như cánh tài xế chúng tôi mà thôi”, ông Hận nói.
Tuy nhiên nhiều tài xế khác cho rằng, địa phương cần tính toán phương án kiểm tra sao cho hợp lý, tránh kẹt xe kéo dài dẫn đến ùn ứ hàng hóa, gây thiệt hại kinh tế…
QL91 là tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thương liên tỉnh, mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện vận chuyển hàng hóa, lương thực, nông sản lưu thông.
Đặc biệt, tại TP Long Xuyên còn có cảng Mỹ Thới, đây là cảng biển quan trọng vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn phục vụ cho việc xuất khẩu.
Vì vậy, khi các tài xế vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác vào tỉnh An Giang, dừng lại thực hiện việc khai báo y tế, lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ TP Cần Thơ), chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa có trụ sở đóng trên địa bàn TP Cần Thơ cho biết, ngày 6/7, tài xế của đơn vị đã phải mất 29 tiếng đồng hồ mới qua được chốt kiểm soát vào tỉnh An Giang.
“Xe chúng tôi đến chốt vào ngày hôm kia, đến trưa hôm qua thì mới được qua chốt. Chúng tôi biết, tình hình dịch đang căng thẳng, chúng tôi đồng ý việc kiểm soát test từng người nhưng mong địa phương có thể tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhanh để giải phóng xe, giảm nguy cơ lây nhiễm cho anh em tài xế”, ông Thanh nói.
“Giấy thông hành” 48h làm khó tài xế
Bên cạnh giải pháp thực hiện test nhanh, các tài xế còn có sự lựa chọn là làm xét nghiệm PCR, thế nhưng giải pháp này có nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình.
Một tài xế xe tải ngụ huyện Chợ Mới cho biết, việc yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính trong thời gian 3 ngày là bất khả thi.
“Thời gian từ lúc làm xét nghiệm cho đến lúc lấy kết quả đã mất 24h, trong khi đó, tài xế là người không ở cố định, phải di chuyển nhiều nơi. Chúng tôi phải chạy như thế nào cho kịp thời hiệu “giấy thông hành”, khi mà luật đã đặt ra giới hạn thời gian làm việc đối với mỗi lái xe là không được quá 10h trong ngày và không được lái xe liên tục quá 4h?”.
Cũng theo tài xế này, đó là chưa kể đến chi phí làm xét nghiệm PCR gấp 3 lần so với chi phí làm test nhanh, tăng thêm gánh nặng chi phí.
Không chỉ vậy, quy định về hiệu lực của “giấy thông hành” này liên tục có sự thay đổi, gây khó khăn cho người dân.
Theo thông báo số 296 của UBND tỉnh An Giang ngày 6/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu, kết quả RT-PCR âm tính có thời hiệu trong 3 ngày (72h).
Đến sáng 8/7, thời hạn giấy này này được điều chỉnh lại còn 48h tại công văn khẩn số 1892 từ Ban Chỉ đạo do ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo ký.
Trao đối với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Bảo Trung, Chánh VP UBND tỉnh An Giang lý giải, theo diễn biến tình hình hiện nay và căn cứ vào công văn mới của Bộ Y tế, địa phương thống nhất kết quả PCR là 48h và quy định này áp dụng luôn cho cả tài xế và người đi cùng phương tiện vận chuyển hàng hóa từ nơi khác đến.
“Nhưng cái chính vẫn là quản lý và siết chặt những người về từ các tỉnh sau khi TP HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16”, Chánh VP UBND tỉnh An Giang nói.
Theo lãnh đạo UBND TP Long Xuyên, do những ngày đầu áp dụng kiểm soát 100% tài xế phải có giấy test nhanh Covid-19 âm tính nên đã xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài từ cầu Vàm Cống (TP Cần Thơ) đến phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên. Để không xảy ra tình trạng trên, địa phương đã đưa lực lượng đóng chốt tại Trạm thu phí T2 của TP Cần Thơ, chia 3 đường kiểm soát người vào.
Cụ thể người nào có giấy xét nghiệm âm tính đi riêng, chưa có thì tiến hành test nhanh và hướng còn lại dành cho những người không có hợp đồng hay giấy tờ chứng minh có làm ăn tại An Giang sẽ phải quay đầu xe.
Trung tá Nguyễn Đức Hậu, Trưởng Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết, đã tăng cường thêm cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ chốt kiểm soát dịch và lực lượng y tế hướng dẫn khai báo, test nhanh các trường hợp vào địa phận Long Xuyên. Đồng thời phân luồng giao thông tại Vàm Cống nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc.