Hôm qua, TP HCM chính thức cho thí điểm cách ly F1 tại nhà. Sau đó, Bộ Y tế sẽ đánh giá trước khi cho thực hiện trên toàn quốc.
Đây là mong mỏi của nhiều người nhằm giảm áp lực lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.
Mặc dù tiêu chuẩn cách ly tại nhà như Bộ Y tế công bố được nhiều người đánh giá là “khó hơn lên giời” nhưng cá nhân tôi cho rằng như thế là cần thiết.
Một giải pháp đột phá cần có bước đi thận trọng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh sẽ an toàn hơn.
Biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm thì việc lây nhiễm ra dân cư xung quanh sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Cùng suy nghĩ này, tôi tự hỏi tại sao Bộ Y tế lại cho thí điểm cách ly F1 tại các điểm nóng như: Bắc Giang, TP HCM và Bình Dương mà không phải là Hà Nội, Đà Nẵng hoặc những tỉnh, thành vẫn có ca nhiễm mới nhưng đã kiểm soát tốt tình hình?
Tại những địa phương này, chính quyền và ngành y tế mới có đủ nguồn lực để chuẩn bị và giám sát chặt chẽ các khu thí điểm.
Nếu có xảy ra lây nhiễm thì bộ máy hoàn toàn có thể ứng phó tốt mà không đổ thêm gánh nặng lên hệ thống đang phải gồng mình chống dịch.
Thậm chí, tại các địa phương này, có thể thí điểm cho cách ly F0 tại nhà.
Tất nhiên phải đi kèm các điều kiện giống như F1 và chặt chẽ hơn nữa.
Hiện nay, cách ly tại nhà, F1 phải thực hiện đủ chu trình 28 ngày trong điều kiện nhà riêng, phòng riêng với khu vệ sinh khép kín. Không dùng điều hòa trung tâm, không tiếp xúc với người trong gia đình, thường xuyên khử khuẩn phòng ốc, vật dụng, vứt rác theo quy trình… Trong 28 ngày, được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cách ly tại nhà sẽ khả thi và ít nguy cơ lây nhiễm hơn nếu cho các F1 tự xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm nhanh và được giám sát bằng công nghệ như vòng đeo tay điện tử, camera theo dõi. Chỉ khi xét nghiệm PCR mới cần nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu.
Hãy thử hình dung nếu có nhiều điểm cách ly tại nhà, sẽ phát sinh hàng trăm nhân viên y tế phải đi vào từng ngõ ngách, con phố để xét nghiệm mỗi ngày. Chưa kể còn phát sinh bộ máy giám sát tại địa phương để đảm bảo người cách ly tại nhà không tự ý đi ra cộng đồng.
Đây vừa là gánh nặng vừa là nguy cơ gây lây nhiễm rất khó kiểm soát.
Việt Nam đã có gần 2 năm chống dịch, trong cơn sóng Covid-19 lần thứ tư này, đa số bệnh nhân nhiễm virus có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Điều này khiến cách đánh trận cần phải thay đổi. Không nên coi bệnh dịch như ngáo ộp để đóng băng các hoạt động kinh tế nhưng cũng không vì thế mà hấp tấp nới lỏng hoặc áp dụng các giải pháp mới chưa được thí điểm thận trọng.
Cần hết sức bình tĩnh và linh hoạt, bước qua giai đoạn “chống dịch như chống giặc” để “chống dịch như chống dịch” với mục tiêu kép.
Xin nhắc lại, chỉ còn 5 tháng nữa là hơn 50% dân số sẽ được tiêm chủng và đạt miễn dịch cộng đồng theo lộ trình Chính phủ công bố. 5 tháng này không được phép mắc sai lầm trong chiến thuật chống dịch.
Nguyễn Nga