Sụt, lún đất… bất kỳ đâu

Theo phản ánh của người dân ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An, hiện tượng sụt lún đất từ trong nhà, ngoài đồng ruộng hay giếng khô cạn xảy ra thường xuyên từ nhiều năm nay, gây bất an cho hàng trăm hộ dân.

a-1652175209.jpg
Biển cảnh báo ở cánh đồng xã Châu Hồng, H.Quỳ Hợp (Nghệ An)

Gia đình bà Hoàng Thị Hoài ở bản Na Hiêng, xã Châu Hồng sống cách vành đai của một số mỏ khai thác quặng khoảng 400m. Theo lời bà Hoài, từ hồi tháng 2/2022, khi đang ở trong nhà, cả hai ông bà đều nghe tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất khiến vợ chồng bà hoảng hốt. “Ngay sau đó, tường nhà bị nứt nẻ nhiều nơi. Đến tối, nhiều viên gạch lát nhà bị đẩy bung ra khỏi nền, bên dưới có dấu hiệu sụt lún đất. Giống như động đất, trong bản có nhà tôi và vài nhà bên cạnh bị như vậy”, bà Hoài nhớ lại.

“Ruộng nhà tôi đó. Ruộng mình nhưng mình cũng chẳng dám đến gần, huống gì canh tác”, ông Vi Văn Hạnh (52 tuổi), người dân bản Na Hiêng nói.

Tương tự, căn nhà sàn của vợ chồng bà Lương Thị Huệ ở cách đó không xa cũng xuất hiện nhiều vết nứt bất thường kéo dài ở nền nhà và các bức tường. Theo lời bà Huệ, vào tháng 3/2021, một tiếng nổ rất lớn khiến căn nhà rung chuyển. Sau đó, tường nhà bị nứt, gạch lót nền nhà bị vỡ, cột nhà sàn bị lún khiến các cấu kiện gỗ bị xô lệch.

Dưới nền nhà, các vết nứt kéo dài ra sân và ngày càng có dấu hiệu rộng hơn. Bà Huệ cho biết, căn nhà này vợ chồng bà xây dựng từ 10 năm trước, chân móng được đầm rất kỹ. “Chúng tôi rất lo lắng. Từ khi xảy ra hiện tượng sụt lún này, đêm nằm ngủ cứ nghe tiếng động mạnh không dám ngủ…”, bà Huệ nói.

b-1652175236.jpg
Vết nứt dưới nền nhà người dân

Không riêng tại hộ bà Hoài, bà Huệ hay ông Hạnh, tình trạng sụt lún đất có thể xảy ra bất cứ đâu, từ trong nhà, ngoài vườn hay ngoài đồng ruộng trồng lúa tại xã Châu Hồng. Cùng với đó, người dân Châu Hồng đang phải khổ sở vì hàng trăm giếng nước bỗng cạn trơ đáy. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn lại tỏ ra bất lực trong việc tìm giải pháp tối ưu để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2020 khi tình trạng khai thác quặng của một số doanh nghiệp gần đây đi vào hoạt động tại xã Châu Hồng, việc khai thác quặng thường xuyên, cường độ lớn đã làm hàng loạt nhà dân bị nứt, đất đai sụt lún nghiêm trọng; ô nhiễm tiếng ồn và tụt mạch nước ngầm cũng xảy ra trên diện rộng… Tình trạng này khiến hàng trăm hộ dân tại Châu Hồng sống trong xã bất an, sợ hãi.

Anh N.V.A - người dân bản Na Hiêng từng làm công nhân khai thác quặng cho biết: Để khai thác quặng từ lòng đất, doanh nghiệp phải sử dụng máy bơm công suất rất lớn để hút nước ở độ sâu dưới 170m, dẫn đến nguồn nước ngầm dần bị cạn kiện gây khô cạn giếng.

Vấn nạn sụt đất xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Theo báo cáo ban đầu của UBND xã Châu Hồng, trên địa bàn xã hiện có 114 căn nhà ở 3 bản bị hiện tượng nứt nẻ tường nhà, lún móng bất thường, khoảng 279 giếng nước sinh hoạt cạn đáy, hàng loạt hố sụt lún giữa đồng.

Chưa có giải pháp?

Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, từ tháng 1/2020, trên địa bàn các bản như bản Công, bản Na Hiêng đã xảy ra tình trạng cạn giếng nước, sụt lún ruộng, ven khe suối. Xã đã kiểm tra hiện trạng sụt lún và đã báo cáo lên UBND huyện. Tuy nhiên đến đầu tháng 2/2022, tình trạng sụt lún liên tục tiếp diễn thêm ở các bản Poong và bản Na Noong. Nhưng lần này nghiêm trọng hơn là rạn nứt tường, nền, lún nhà dân.

c-1652175272.jpg
Ở xã Châu Hồng có 279 giếng cạn trơ đáy

Hơn một năm kể từ thời điểm đó, xã Châu Hồng đã làm 14 báo cáo gửi UBND huyện Quỳ Hợp về hiện tượng bất thường này. Năm 2021, Sở Tài Nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã cử đoàn công tác về kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân.

"Và mới đây nhất, vào đầu tháng 5/2022, UBND huyện Quỳ Hợp đã hợp đồng với Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ để tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, xác định nguyên nhân sụt lún đất và giếng nước khô cạn, khoanh định các diện tích có nguy cơ sụt lún; đề xuất biện pháp phòng tránh nhằm ngăn chặn sự cố gây thiệt hại có thể xảy ra tại các vùng dọc tỉnh lộ 532, đoạn từ xã Châu Hồng đến xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp”, tuy nhiên, vẫn chưa tìm được nguyên nhân khiến người dân càng thêm lo lắng, ông Trương Văn Hóa cho hay.

Lâu nay xã Châu Hồng được xem như “thủ phủ khoáng sản” của Quỳ Hợp, với hàng loạt mỏ quặng rầm rộ khai thác khoảng 20 năm nay. Cũng theo ông Trương Văn Hóa, trên địa bàn xã hiện nay có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá. Vị trí mỏ khai thác này nằm ở bản Na Hiêng, chỉ cách nhà dân chừng 400m.

Trong khi người dân lẫn chính quyền địa phương cho rằng, nguyên nhân do tình trạng khai thác quặng của một số doanh nghiệp gần đây, thì cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức dù nhiều đoàn kiểm tra đã vào cuộc.

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa ở xã Châu Hồng, chính quyền địa phương đã cắm chi chít những tấm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân tới gần. Có những mảnh ruộng phải rào kín xung quanh để đề phòng trẻ nhỏ gặp tai nạn. Những “hố tử thần” này có đủ loại lớn nhỏ, trung bình sâu khoảng 2 - 3m.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay, 2 năm nay, có rất nhiều đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tận xã Châu Hồng kiểm tra. Tuy nhiên, sau đó các đoàn đều không thể đưa ra kết luận.

“Họ chỉ đưa ra nhận định do mạch nước ngầm bị cạn kiệt. Chứ chưa thể khẳng định có phải do hoạt động khai thác khoảng sản hay không. Trong khi, để có giải pháp thì trước tiên phải tìm ra được nguyên nhân. Vì thế, địa phương đang phải ký hợp đồng thuê Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ lên điều tra, xác định nguyên nhân”, ông Lợi nói./.