Những làn điệu Ví, Giặm giản dị, mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha đã tạo nên một loại ngôn ngữ riêng phản ánh đời sống nội tâm phong phú, đa dạng, nhiều cung bậc của người dân xứ Nghệ.
 
Trong các thể loại dân ca của người Việt, ít có loại hình dân ca nào gắn bó mật thiết với phương ngữ như dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
 
Dân ca Ví, Giặm là hai lối hát dân ca (không có nhạc đệm) được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo, Ví, Giặm được thực hành trong mọi thời khắc của cuộc sống như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa, đánh bắt cá trên sông nước…, được trình diễn với những trạng thái, tình cảm khác nhau như khi vui, lúc buồn của một người và của nhiều người.
 
Cộng đồng dân cư Việt ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã coi các làn điệu dân ca Ví dặm như một phần cuộc sống và là bản sắc của vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh.
 
Ngày 27/11, trong kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris, Pháp, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Theo thời gian, dân ca Ví, Giặm đã chứng tỏ sức sống cực kỳ mãnh liệt. Sức sống ấy không phải chỉ có ở quá khứ mà vẫn đang không ngừng sinh sôi nảy nở trong chính tâm hồn người dân xứ Nghệ ngày nay.
 
Người xứ Nghệ có câu nói nổi tiếng: “Bao giờ người xứ Nghệ mất đi giọng nói thì lúc đó mới mất đi tiếng hát dân ca Ví, Giặm.”
 
Lịch sử phát triển lâu đời của dân ca Ví, Giặm
 
Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều thống nhất rằng, dân ca Ví, Giặm, cũng giống như nhiều loại hình dân ca khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nguồn gốc từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, do vậy đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.
 
Do việc tìm hiểuvề dân ca Việt Nam mới chỉ manh nha cách đây khoảng 2 thế kỷ, khi các nhà nho phong kiến bắt đầu quan tâm tới việc biên soạn kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca dân tộc vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, và việc nghiên cứu chúng còn diễn ra muộn hơn, nên việc chỉ cho được một cách chính xác thời gian ra đời của dân ca Ví, Giặm là rất khó.
 
Tuy nhiên, qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau của các học giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm, nhạc sỹ… có thể thấy đến thế kỷ 17-18, hát Ví, Giặm đã rất phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến trong cộng đồng cư dân Nghệ An và Hà Tĩnh, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
 
Theo như nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, Ví phường vải đã có từ cách đây mấy trăm năm, có sự tham gia của cả những người lao động lẫn các nho sỹ, thầy đồ.
 
Từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi và hình thành một số trung tâm có sự tham gia tích cực của các nhà nho, trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Bùi Chính Lộ, Đặng văn Bá, Nguyễn Thức Canh, Lê Võ.
 
Từ một hình thức văn nghệ dân gian của người dân lao động, cùng với sự đẽo gọt, tu chỉnh của nhiều thế hệ nghệ nhân theo dòng thời gian, sự tham gia trau chuốt của các nho gia, danh sỹ, khoa bảng…, dân ca Ví, Giặm ngày càng được hoàn thiện, có bố cục chặt chẽ, câu từ tinh tế, vần điệu chắt lọc để trở thành một loại hình văn nghệ hấp dẫn có giá trị nghệ thuật cao.
 
Tương truyền, đại thi hào Nguyễn Du từng nhiều lần tham gia các cuộc hát phường vải ở làng Trường Lưu cùng với các danh sỹ Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, với dấu ấn còn ghi trong “Thác lời trai phường nón.” 
 
Nguyễn Công Trứ, Đinh Viết Thận, Đặng Thái Thân, Phan Bội Châu… cũng từng là những tay hát cừ khôi trong hát phường vải.
 
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay dân ca Ví, Giặm vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền của mình, có sức hấp dẫn với con người trong xã hội hiện đại.
 
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân ca Ví, Giặm được cải biên thành những bài vè, đối ca, hoạt ca, trở thành công cụ hữu hiệu để cổ vũ, động viên tinh thần của bộ đội, dân quân và nhân dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong đời sống đương đại, dân ca Ví, Giặm vẫn được các cộng đồng người dân Nghệ An và Hà Tĩnh nâng niu giữ gìn.
 
Đây là loại hình sinh hoạt văn nghệ không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn xướng, không cần đến nhạc cụ, đạo cụ, trang phục phức tạp, có thể thực hành một cách cá nhân hoặc tập thể từ các nhóm nhỏ đến trình diễn trước đông đảo công chúng…, do vậy dễ tiếp nhận và phổ biến, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng những người Nghệ An và Hà Tĩnh ở mọi vùng đất nước.
 
Nét độc đáo của dân ca Ví, Giặm
 
Làn điệu Ví, Giặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo.
 
Loại hình dân ca này cũng có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; giáo huấn, triết lý trọng nghĩa, trọng tình, mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam.
 
Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 điệu ví, 8 điệu giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè…
 
Trong đó, tiêu biểu là một số tác phẩm, như: “Giận mà thương,” “Hát khuyên,” “Đại thạch’’, “Tứ hoa," “Xẩm thương,” “Xẩm chợ,” “Một nắng hai sương,” “Tình sâu nghĩa nặng,” “Em giữ lời nguyền,” “Khóc cha,” “Cuộc đời nổi trôi,” “Ai cứu chàng,” “Con cóc,” “Lập lờ,” “Đèo bòng,” “Khen thầy tài,” “To gan,” “Uất ức,” “Bướm say hoa,” “Chồng chềnh,” “Lòng vả lòng sung,” “Vào hội Đông Xuân,” “Đứng thẳng người lên,” “Gốc lúa quầng trăng,” “Cha ơi ngồi dậy mà xem”...
 
Không như một số loại hình dân ca khác gắn chặt với một không gian, thời điểm diễn xướng, nhất là với các lễ hội, dân ca Nghệ-Tĩnh nói chung và Ví, Giặm nói riêng được người dân hát không kể thời gian, hầu như quanh năm suốt tháng.
 
Trên đồng ruộng, giữa lúc nông vụ tất bật nhổ mạ, cấy cày, gặt hái; trên rừng trong những chuyến đi củi, đốt than, hái măng; trên sông Lam, sông La khi thuyền xuôi ngược hoặc chèo buông...
 
Hát không chỉ gắn với không gian và môi trường lao động, hát còn mang tính du hý vào những dịp hội hè, tết nhất, đình đám, thi thố tài năng; tính giao duyên giữa những lứa đôi trai gái; tính tự tình, nghĩa là mượn câu hát để bộc lộ nội tâm; tính tự sự, dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xảy ra; tính chất tâm linh; tính giáo huấn; tính hành nghề (mưu sinh) đối với các phường trò chuyên nghiệp hoá; tính đa dùng…
 
Với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 27/11/2014.
 
Đây là sự khẳng định của quốc tế đối với loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, đồng thời giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.
 
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới, trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại, là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà của cả nước.
 
Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa
 
Để gìn giữ và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm, thời gian qua, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực bảo tồn và phát huy tốt di sản này qua nhiều hoạt động như sưu tầm, nghiên cứu; tuyên truyền, quảng bá, xuất bản; vinh danh nghệ nhân, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ dân ca; tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, trại sáng tác; thí điểm đưa dân ca vào trường học và dạy đàn hát dân ca trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
 
Với sự tham gia của người dân, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã và đang tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hoá và lưu trữ bằng hệ thống băng ghi âm, ghi hình, ảnh tư liệu, sách, phim tài liệu về dân ca Ví, Giặm.


 
Sinh hoạt câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
 
Các bài nghiên cứu về Ví, Giặm được đăng tải thường xuyên trên các báo, tạp chí và website dancaxunghe.vn.
 
Bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực từ hình thức sân khấu hóa, những năm gần đây, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn được tiếp thêm sức sống thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, dạy hát dân ca trên truyền hình và trong các nhà trường.
 
Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, với giáo trình cụ thể dạy hát dân ca, trong đó tập trung vào dân ca Ví, Giặm; chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ biên soạn các làn điệu dân ca có tính phổ biến phù hợp với đối tượng trong nhà trường; đồng thời tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và hát dân ca trong trường học…
 
Đặc biệt, từ sau khi dân ca Ví, Giặm được vinh danh, mạng lưới câu lạc bộ ở các huyện, thành phố, thị xã không ngừng được mở rộng, từ 92 câu lạc bộ/15 huyện, thành phố, thị xã, với tổng số gần 2.000 thành viên của năm 2015 lên đến 120 câu lạc bộ /20 huyện, thành phố, thị xã, với tổng số hơn 2.000 thành viên thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề cùng tham gia sinh hoạt.
 
Bên cạnh đó, các câu lạc bộ Ví, Giặm còn được mở tại Hà Nội và phía Nam. Các câu lạc bộ thực sự trở thành nơi lưu giữ hồn Ví, Giặm, góp phần làm khởi sắc đời sống văn hoá văn nghệ của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh.
 
Để đưa di sản đến với cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh; tăng cường giao lưu văn hoá với các tỉnh bạn và với các nước; xây dựng các vở diễn mới; tổ chức trình diễn dân ca Ví, Giặm tại Khu di tích Kim Liên và thị xã Cửa Lò tạo hiệu ứng tốt trong nhân dân, du khách khi về thăm quê Bác.
 
Mặc dù còn tồn tại những hạn chế như nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm còn ít; các hoạt động bảo tồn chưa thực sự có định hướng dài hơi và chưa có chiều sâu; còn nhiều lúng túng trong giải quyết vấn đề giữa bảo tồn và phát huy... nhưng nhìn chung, thông qua các hoạt động trên, Ví, Giặm đang ngày càng gắn bó trực tiếp với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người xứ Nghệ, tạo nên sức sống và sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xứng tầm là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.