Chị Lê Thị Ngọc Phước là chủ quán cơm Út Hận trên đường Lý Hồng Thanh, phường Cái Khế. Đang giãn cách xã hội, quán cơm phải đóng cửa, chị đã chuyển sang nấu ăn thiện nguyện. Khi bắt đầu hành trình yêu thương, chị đã được mọi người đặt cho biệt danh thân thương “Phước bầu” vì đang mang thai ở tháng thứ 7. Tuy bầu bì, đau lưng, khó ngủ nhưng bún thịt xào, nui xương, cơm tấm hay cháo thịt bầm nấu nấm đông là những suất ăn sáng không khi nào chị thiếu bà con nghèo, bệnh nhân chạy thận đang sống tại nhà trọ Thành Đạt, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Chị Ngọc Phước cho biết, khi Cần Thơ chưa giãn cách theo Chỉ thị 16, gia đình chị mở “Chợ 0 đồng” hỗ trợ hàng ngàn phần quà nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con khó khăn như mì gói, gạo, trứng… Sau khi “Chợ 0 đồng” dừng hoạt động để phòng chống dịch, chị lại chuyển sang hình thức nấu những “suất ăn 0 đồng”. Hơn 100 suất ăn này chị Phước luôn ưu tiên cho bệnh nhân chạy thận, theo chị hầu hết bà con đều rất khó khăn, việc chi tiêu chắc hẳn phải tằn tiện lắm. Để tiếp sức họ chống chọi với bệnh tật, dịch bệnh, việc trao gửi những bữa ăn sáng dinh dưỡng là rất cần thiết.
Chị Lê Thị Ngọc Phước cho biết thêm: "Nấu không thấy cực gì lắm tại vì mình thích. Làm thấy khỏe, vì mình thấy bà con người ta ở tội nghiệp, dưới quê lên ăn uống thiếu hụt, không có dinh dưỡng. Mình hỗ trợ được phần nhỏ nào cho họ mình vui, cứ làm vậy là không mệt".
Từ suy nghĩ “lá lành đùm lá rách” như thế, đều đặn hằng ngày, cứ 4h – 4h30 sáng, chị Phước đã lật đật chuẩn bị sơ chế nguyên liệu để nấu món ăn sáng. Thực đơn của chị xoay chuyển liên tục để bà con không “ngán” khi nhận suất ăn của mình. Do không có giấy lưu thông, chị kết nối cùng chủ nhà trọ Thành Đạt để anh đến quán nhận và đem về gửi cho các bệnh nhân cùng người nhà của họ.
Để nấu hàng trăm suất ăn sáng, mỗi ngày chị Phước phải chi từ 700.000 - 800.000 đồng. Mặc dù hiện quán phải đóng cửa dài hạn để phòng dịch, thất nghiệp, nhưng chồng chị Phước luôn ủng hộ và sẵn sàng chi tiền để hỗ trợ vợ thực hiện “suất ăn 0 đồng”. Không chỉ gia đình, bên cạnh chị còn có những người đồng hành lâu năm trong các hoạt động từ thiện, luôn có mặt kịp thời, hỗ trợ trên mọi phương diện.
Chị Trương Diệp Thủy, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chia sẻ: Biết Út Phước cũng lâu rồi, thấy Út Phước có bầu gần sanh em bé nữa, thấy hơi cực nên tôi đến hỗ trợ những phần nào chưa xong, như là vô hộp, rắc tiêu, hành… Thấy Út Phước quá giỏi luôn, nhiều khi bản thân tôi thấy làm không lại. Út Phước khỏe và tâm sự làm thấy vui, không làm sẽ rất là buồn.
Thường xuyên nhận suất ăn sáng từ gian bếp của chị Ngọc Phước, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ nhà trọ Thành Đạt cho biết, hiện 2 dãy phòng trọ hàng chục phòng đều cho người bệnh suy thận thuê để tiện việc chạy thận hằng tuần. Hầu hết bà con ở xứ khác, cứ 3 ngày lại chạy thận 1 lần nên không thể về nhà suốt nhiều tháng qua. Thấy tấm lòng của chị Phước, vợ chồng chị cũng hỗ trợ vận chuyển để bà con được bữa ăn sáng đầy đủ hơn.
Cầm trên tay hộp đồ ăn nóng hổi, chị Trần Thanh Út, ở tại nhà trọ Thành Đạt, quận Cái Răng, TP Cần Thơ xúc động: "Giờ tôi đi nuôi chồng, người ta cho mình gạo, rau củ nấu ăn và cho gì ăn cái nấy. Người ta cho mình mừng dữ lắm rồi, đặng có động lực để đưa chồng đi chạy thận".
Bản thân khổ bởi bệnh tật dày vò, giờ ở trọ để chạy chữa, những ngày qua sống nhờ vào sự hỗ trợ từ chị Phước cũng như các nhà hảo tâm, bệnh nhân chạy thận đều vô cùng cảm kích. Theo chị Ngọc Phước, những cặp mắt rưng rưng, những lời cảm ơn thì thầm sau lớp khẩu trang vì xúc động không chỉ của bệnh nhân chạy thận, mà của bà con nghèo xung quanh xóm, của lực lượng dân quân tự vệ… là hình ảnh chị luôn ghi nhớ để dặn lòng tiếp tục con đường trao yêu thương của mình: "Tôi xuất tiền túi, lâu lâu cũng có mạnh thường quân hỗ trợ, được phần nào mình làm, còn bao nhiêu của tôi. Không biết làm đến khi nào, chỉ biết giờ cứ làm hoài, khi nào cơ thể mệt quá thì ngưng, sau khi sinh em bé xong lại tính tiếp".
Việc làm tưởng đơn giản mỗi ngày của chị Lê Thị Ngọc Phước lại tỏa sáng tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia giữa con người với con người, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam trong đại dịch COVID-19./.