Sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các quốc gia Đông Nam Á, nơi sinh sống của hàng triệu tín đồ Hồi giáo. Chính phủ Indonesia và Philippines hiện đang tăng cường theo dõi sát sao tình hình an ninh trong nước và tại Afghanistan.

Philippines lo ngại về mối đe dọa hiện hữu

Ngày 26/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana cho biết hai kẻ sáng lập nhóm khủng bố Abu Sayyaf, chịu trách nhiệm cho một số vụ bắt cóc và đánh bom ở Philippines, đã được huấn luyện ở Afghanistan vào những năm 1980. "Chúng tôi thực sự tập trung vào những gì đang xảy ra ở Afghanistan vì chúng tôi lo ngại về các mối đe dọa đang hiện hữu.”

Sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan: Mối lo ngại của Indonesia và Philippines
Lực lượng Taliban ở thủ đô Kabul. Nguồn: AP

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, lo ngại những người Indonesia hoặc Malaysia vẫn đang trải qua quá trình huấn luyện với Taliban, Philippines đã làm việc với Malaysia và Indonesia để ngăn chặn sự trở lại của những kẻ khủng bố và ngăn chặn chúng di chuyển đến các quốc gia khác.

Trước đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu về Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố của Philippines, ông Rommel Banlaoi, đã cảnh báo về khả năng tình hình ở Afghanistan có thể thôi thúc các nhóm khủng bố địa phương, thực hiện các cuộc tấn công, đặc biệt là tại tỉnh Midanao. Năm 2017, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro do nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên kết đã nổ súng, bao vây thành phố Marawi, tỉnh Midanao trong 5 tháng liên tiếp, khiến ít nhất 920 quân nổi dậy, 165 binh sĩ và 47 thường dân thiệt mạng, trong khi hàng chục nghìn cư dân phải di tản. Cảnh sát trưởng Philippines, tướng Guillermo Eleazar đảm bảo “cảnh sát và quân đội sẽ không cho phép cuộc xung đột Afghanistan tràn sang đất nước của họ”.

Indonesia giám sát nhóm khủng bố có tư tưởng thân Taliban

Trong khi Indonesia đang tiến hành giám sát các nhóm khủng bố có tư tưởng thân thiết và có mạng lưới với Taliban sau tình hình xảy ra ở Afghanistan. Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia cho biết hiện đang tăng cường phát hiện sớm và ngăn chặn các nhóm khủng bố trong nước khi xem xét tình hình ở Afghanistan. Người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia, ông Wawan Hari Purwanto cho biết, việc phát hiện sớm nhằm vào các nhóm có tư tưởng thân thiết và có mạng lưới với Taliban.

Sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan: Mối lo ngại của Indonesia và Philippines
Các chiến binh IS trong một video tuyển mộ nhắm vào Philippines. Nguồn: Asiatimes

Tại Indonesia, phong trào của các nhóm khủng bố trong nước bị ảnh hưởng bởi sự phát triển tình hình ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Năm 2014, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố hiện thực hóa nhà nước Hồi giáo ở Iraq, một số công dân Indonesia đã tìm cách trở thành một phần của nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Năm 2002 đánh dấu sự trỗi dậy đáng kể của mạng lưới Jemaah Islamiyyah (JI) bất chấp các rào cản địa lý trên khắp Malaysia, miền nam Philippines, Indonesia, Singapore và Australia khi tổ chức này tiến hành vụ đánh bom thảm khốc tại Bali, Indonesia.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang tập trung vào một cuộc khủng hoảng tị nạn có thể xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan. Sau chiến thắng của Taliban, hàng trăm người tị nạn Afghanistan ở Indonesia ngày 24/8 đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc tái định cư kéo dài tại Jakarta bất chấp các lệnh hạn chế do đại dịch Covid-19. Cuộc biểu tình sau đó đã biến thành bạo loạn khi cảnh sát phải cưỡng chế giải tán đám đông.

Sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan: Mối lo ngại của Indonesia và Philippines
Cảnh sát chống khủng bố Indonesia tuyên bố bắt giữ 53 nghi phạm khủng bố ở 11 tỉnh của Indonesia từ 12-17/8/2021. Nguồn: Cảnh sát quốc gia Indonesia

Những người biểu tình Afghanistan muốn được sớm quyết định số phận của họ vì việc hồi hương là không thể với sự trở lại của Taliban. Hàng nghìn người tị nạn từ Afghanistan, hầu hết là người dân tộc thiểu số Hazara, bị Taliban đàn áp đã sống ở Indonesia trong nhiều năm để chờ tái định cư ở một nước thứ ba như Canada hoặc Australia .

Hiện, cả Indonesia và Philippines đều đã sơ tán các công dân tại Afghanistan mặc dù Taliban cam kết sẽ không làm phiền các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Afghanistan. Indonesia cũng đã chuyển cơ quan đại diện ngoại giao sang Pakistan. Bộ Ngoại giao Indonesia trước đó đã tiến hành đối thoại với lực lượng Taliban để kêu gọi hòa bình cho Afghanistan và bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình tại quốc gia này./.