Ngày 11/9/2001 là một điểm mốc lớn trong lịch sử nước Mỹ, khi gần 3.000 người thiệt mạng bởi một cuộc tấn công chưa từng có về quy mô khủng bố, cũng là cuộc tấn công lớn nhất của thực thể nước ngoài chống lại quốc gia lại hùng mạnh này. Sự kinh hoàng và nỗi sợ hãi của sự kiện không chỉ giới hạn trong vài tháng, vài năm mà đã phủ một cái bóng đen lên cuộc sống của người Mỹ và kéo dài cho đến ngày nay.
Sau vụ tấn công, sự kết hợp của nỗi sợ hãi và sự thừa nhận các thất bại tình báo của công tác đã dẫn đến một loạt các thay đổi chính sách bao gồm các hạn chế về nhập cư, thành lập Bộ An ninh Nội địa và mở rộng danh sách “cấm bay”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu, và dưới đây là 5 cách quan trọng mà nước Mỹ đã thay đổi sau vụ 11/9.
1. Cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu
Phát biểu trước Quốc hội và người dân ngày 20/9/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa ra một phản ứng quân sự, không phải là một cuộc không kích có chủ đích vào một cơ sở huấn luyện hoặc hầm chứa vũ khí đơn lẻ, mà là một cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu. Ông Bush nói: “Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta bắt đầu với al Qaeda, nhưng nó không kết thúc ở đó, nó sẽ không kết thúc cho đến khi mọi nhóm khủng bố có phạm vi toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và đánh bại".
Chưa đầy một tháng sau ngày 11/9, quân đội Mỹ đã phát động chiến dịch quân sự kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc chiến ở Afghanistan có sự ủng hộ của người Mỹ và sự hậu thuẫn của các đồng minh NATO nhằm tiêu diệt al Qaeda, đè bẹp Taliban và tiêu diệt Osama bin Laden - kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9.
Sự ủng hộ của người Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố trở nên hỗn tạp khi kéo dài trong nhiều năm với nỗ lực nhằm vào nhiều tổ chức khủng bố và các chế độ bất hảo trên khắp thế giới. Hàng nghìn lính Mỹ đã thiệt mạng trong 2 thập kỷ đầu tiên của cuộc chiến chống khủng bố, nhiều chiến binh trở về nhà với những vết thương về thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, bóng ma vụ 11/9, đã giữ chân quân đội Mỹ ở Afghanistan và các nơi khác trong gần 20 năm.
2. Đi lại bằng đường không đã thay đổi
Một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất của vụ tấn công 11/9 là 19 tên không tặc của al Qaeda không chỉ có thể lên máy bay thương mại với vũ khí thô sơ mà còn có thể xâm nhập vào buồng lái. Rõ ràng vụ 11/9 vừa là sự thất bại của bộ máy tình báo Mỹ trong việc xác định những kẻ tấn công và sự thất bại của hệ thống an ninh sân bay trong việc ngăn chặn chúng.
Mặc dù đã có một số vụ không tặc và đánh bom máy bay thương mại, bao gồm cả vụ đánh bom thảm khốc năm 1988 trên chuyến bay Pan Am 103 ở Lockerbie (Scotland), an ninh không phải là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không trước ngày 11/9. Trước ngày đó, mọi người không cần phải có vé để có thể đi lang thang trong sân bay hoặc chờ đợi ở cổng. Không ai kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách trước khi lên máy bay.
Thứ duy nhất mà mọi người phải lấy ra khi đi qua an ninh là tiền lẻ trong túi của họ. Hầu hết các sân bay không bận tâm đến việc kiểm tra lý lịch đối với nhân viên của họ và hành lý ký gửi không bao giờ được rà quét. Tất cả những điều này đã thay đổi khi thành lập Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (TSA) - một cơ quan liên bang hoàn toàn mới được Quốc hội chuẩn thuận vào tháng 11/2001. Trong vòng một năm, TSA đã tuyển hơn 50.000 nhân viên.
Ngoài đội quân sàng lọc mặc đồng phục xanh, TSA đã tạo cho hành khách Mỹ các giao thức an ninh mới. Cần phải có vé và giấy tờ tùy thân có ảnh để đi qua khu vực chiếu quét. Máy tính xách tay và đồ điện tử phải được bỏ vào túi xách tay; giày phải được cởi ra; chất lỏng bị hạn chế trong các lọ 85 ml. Các máy chụp X-quang thông thường, vốn chỉ phát hiện các vật thể kim loại, đã được thay thế bằng máy quét toàn thân.
Các nhân viên TSA cũng được đào tạo về “phát hiện hành vi” để nhận ra các hành động được coi là đáng ngờ. Phía sau hậu trường, Trung tâm Sàng lọc Khủng bố mới của FBI đã lập một Danh sách theo dõi Khủng bố gồm hàng trăm nghìn cá nhân, trong đó có khoảng 6.000 tên, bao gồm 500 người Mỹ, được đưa vào danh sách “Cấm bay”.
3. Bạo lực chống Hồi giáo bùng phát
Chỉ 4 ngày sau vụ tấn công 11/9, một tay súng ở Mesa (Arizona) đã nổ súng điên cuồng. Đầu tiên, y bắn chết Balbir Singh Sodhi, một chủ trạm xăng là người gốc Ấn đội khăn xếp, cho rằng anh ta là người Hồi giáo. Vài phút sau, sát thủ bắn một nhân viên trạm xăng khác là người gốc Lebanon, và sau đó bắn xuyên qua cửa sổ của một gia đình người Mỹ gốc Afghanistan.
Ngay cả khi các chính trị gia và cơ quan thực thi pháp luật liên tục tuyên bố Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, những giáo lý chân chính đã bị những kẻ khủng bố cực đoan xuyên tạc, nhiều người ở Mỹ và trên thế giới vẫn đánh đồng vụ tấn công 11/9 với đạo Hồi và tìm cách trả thù bất cứ ai trông giống đạo Hồi. Nếu trong năm 2000, chỉ có 12 vụ tấn công chống người Hồi giáo được thông báo cho FBI, năm 2001, con số đó tăng vọt lên 93.
Khi các tổ chức tự do dân sự chỉ trích TSA và cơ quan thực thi pháp luật về việc phân biệt chủng tộc của đàn ông Arab và Hồi giáo, hành vi tội ác chống lại người Hồi giáo vẫn tồn tại. Thống kê từ FBI cho thấy, năm 2001, có 91 vụ tấn công nghiêm trọng chống Hồi giáo do thành kiến được báo cáo, vào năm 2015 và năm 2016, con số đó đạt 127 vụ.
4. Tăng cường giám sát
Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) được thông qua chỉ sáu tuần sau vụ 11/9, khi các nhà lập pháp cố gắng khắc phục những sai sót về tình báo cho phép những kẻ khủng bố đã được biết vào Mỹ và thực hiện âm mưu chết người nhất trong lịch sử Mỹ. Đạo luật gây tranh cãi đã cho phép những thay đổi sâu rộng trong cách làm việc các cơ quan tình báo trong nước như việc giám sát của FBI. Các quy tắc lâu đời nhằm bảo vệ người Mỹ khỏi “việc khám xét và thu giữ bất hợp lý” đã được nới lỏng hoặc đưa ra viện cớ vì an ninh quốc gia.
Nỗi sợ hãi vụ tấn công 11/9 mới chỉ là khởi đầu, ngày càng có nhiều nhóm khủng bố hoạt động tại các thành phố của Mỹ, chờ lệnh tấn công. Để tìm ra những kẻ khủng bố đang trà trộn đó, Quốc hội đã trao cho FBI và NSA những quyền mới nhằm thu thập và chia sẻ dữ liệu. Đạo luật Yêu nước đã trao cho các cơ quan tình báo quyền tìm kiếm hồ sơ thư viện và lịch sử tìm kiếm trên internet của một cá nhân mà không cần giám sát tư pháp.
Các nhân viên có thể khám xét một ngôi nhà mà không cần thông báo cho chủ sở hữu và nghe lén điện thoại mà không xác định lý do. Trong khi các nhóm tự do dân sự đấu tranh chống lại những gì họ coi là vi hiến về quyền riêng tư theo Đạo luật Yêu nước, thì vào năm 2008, một đạo luật gây tranh cãi hơn nữa đã được thông qua - Đạo luật sửa đổi FISA, cho phép NSA gần như không bị kiểm soát khi nghe trộm các cuộc điện thoại, tin nhắn văn bản và email của người Mỹ với mục tiêu nhắm vào các công dân nước ngoài bị nghi ngờ là khủng bố.
5. Nước Mỹ trở nên an toàn hơn nhưng đã thay đổi
Kể từ ngày 11/9/2001, những người Mỹ được truyền cảm hứng bởi hệ tư tưởng thánh chiến đã giết chết 107 người trong các cuộc tấn công khủng bố trong nước (tính đến tháng 9/2020). Gần một nửa số người đó là nạn nhân một vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, nhưng không có vụ tấn công khủng bố quy mô lớn nào vào các thành phố của Mỹ.
Các biện pháp an ninh được áp dụng sau vụ 11/9 dường như đã làm thất bại hoặc ngăn cản một âm mưu đầy tham vọng khác của các “con sói” nước ngoài trên đất Mỹ. Nhưng cũng trong thời gian đó, nước Mỹ đã phải đối mặt với một cuộc chiến chống khủng bố “vô tiền khoáng hậu” đã làm thay đổi bản chất cuộc sống của người Mỹ./.