Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera ngày 28/5 cho biết số dầu thô đảo quốc vừa tiếp nhận từ Nga bị giữ lại hơn một tháng qua ngoài khơi thủ đô Colombo do thời gian qua không huy động đủ 75 triệu USD thanh toán.
Số dầu thô mà Sri Lanka vừa tiếp nhận sẽ được sử dụng cho Sapugaskanda, cơ sở lọc dầu duy nhất tại đảo quốc, thuộc tập đoàn xăng dầu Ceylon (CPC).
Nhà máy đã ngưng hoạt động từ tháng 3 sau khi Sri Lanka rơi vào khủng hoảng cạn kiệt ngoại tệ, không đủ khả năng nhập khẩu năng lượng lẫn hàng hóa thiết yếu phục vụ 22 triệu dân.
Cảng Colombo tiếp nhận khoảng 90.000 tấn dầu thô nhẹ khai thác ở Siberia. Đơn hàng được giải vây sau hơn một tháng bế tắc nhờ hỗ trợ tín dụng từ công ty trung gian Coral Energy, có trụ sở tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo Bộ trưởng Wijesekeram, CPC đang nợ các nhà cung cấp khoảng 735 triệu USD. Công ty không tìm được đối tác nào khác chấp nhận đấu thầu cung cấp nguyên nhiên liệu cho nhà máy duy trì hoạt động.
Ông cũng thừa nhận số dầu Nga vừa tiếp nhận không hoàn toàn tương thích với nhà máy Sapugaskanda, vốn được thiết kế chủ yếu cho dầu thô nhẹ khai thác ở Iran. Tuy nhiên, Sri Lanka không tìm được đối tác nào khác sẵn sàng giãn nợ và cung cấp thêm.
Cơ sở lọc dầu ở ngoại ô thủ đô Colombo sẽ tái khởi động trong hai ngày nữa. Chính phủ Sri Lanka dự kiến tìm thêm đối tác trong hai tuần nữa, trước khi số dầu nhận từ Nga cạn kiệt.
Colombo đang đàm phán với Moskva thỏa thuận cung cấp trực tiếp dầu thô, than đá, dầu diesel và xăng bất chấp hàng rào trừng phạt của Mỹ cùng phương Tây áp lên Nga.
"Chúng tôi đã chính thức gửi đề nghị đến đại sứ Nga về cung cấp trực tiếp dầu Nga cho đất nước. Chỉ nhập dầu thô sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu, chúng tôi cần cả sản phẩm hóa dầu", ông Wijesekera nhấn mạnh.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka khiến đời sống người dân trên đảo quốc ngày càng chật vật. Xe cộ xếp hàng trước các trạm xăng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc.
Các điểm bán hàng khó đảm bảo nguồn cung thực phẩm và thuốc men. Đảo quốc ghi nhận mức lạm phát kỷ lục, còn tình trạng mất điện kéo dài trên diện rộng diễn ra thường xuyên.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức hồi đầu tháng đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.