Năm 2016, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đi vào hoạt động. Và cũng từ đó hàng trăm hộ dân sống xung quanh nhà máy phải hứng chịu ô nhiễm môi trường. Đến thời điểm này, bà con mong muốn được di dời, tái định cư nhưng vì vướng mắc các quy định về khoảng cách, mức độ ô nhiễm nên nhiều hộ gia đình vẫn phải mòn mỏi chờ đợi.
 
Nhà máy xi măng Sông Lam của Công ty CP xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/1 ngày. Mỗi năm, nhà máy sẽ cho ra lò 4 triệu tấn sản phẩm và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Tuy nhiên, kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động đã gây nên nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc. Sau đó, chính quyền địa phương đã có phương án di dời các hộ dân sống gần nhà máy, tuy nhiên việc TĐC còn nhiều bất cập, vướng mắc.
 
Theo quy định, khoảng cách an toàn dân sinh của người dân với Nhà máy Xi măng Sông Lam là 900m tính từ lò nung và 600m tính từ bờ tường. Và trong khoảng cách này, có hơn 150 hộ dân sinh sống, đặc biệt có 6 hộ dân tại xóm 1, xã Bài Sơn nằm sát cạnh nhà máy với khoảng cách hơn 100m, họ đều mong muốn được di dời, nhưng vẫn chưa được thực hiện.
 
Bà Nguyễn Thị Hiền, xóm 1, xã Bài Sơn, sống cách nhà máy xi măng Sông Lam chưa tới 100m cho biết: “Những ống khói xả bụi bặm, gây tiếng ồn khi nhà máy nghiền đá, thậm chí hoạt động cả ban đêm. Chúng tôi đã cảm thấy khó chịu, muốn di dời lắm nhưng hơn 10 năm nay vẫn chưa được”. Cũng theo bà Hiền, vào thời điểm bắt đầu triển khai Dự án Nhà máy xi măng này năm 2007, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành đo đạc, thống kê, tuy nhiên từ đó đến nay nhiều gia đình tại đây không hiểu việc đo đạc, thống kê đó để làm gì.
 
Không những vậy, cũng chừng ấy năm họ được “cảnh báo” không được xây dựng hay cơi nới nhà cửa. Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mạo trú tại xóm 1, nhà sát cạnh nhà máy cho biết: “Gia đình tôi có 2 người con, người con đầu đã có gia đình, giờ muốn tách đất xây nhà cho con ra ở riêng không được, cuộc sống cả gia đình khá bất tiện, tôi mong chính quyền có câu trả lời cho chúng tôi rõ là đi hay ở, nếu ở có được xây mới, cơi nới nhà cửa hay không?”
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Vướng mắc chủ yếu là về tác động môi trường của Nhà máy xi măng Sông Lam. Theo tiêu chí đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, chỉ có 32 hộ dân chịu tác động của dự án do nằm trong phạm vi bán kính an toàn cách khu vực lò nung 900 m, cách hàng rào công trình 600 m. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thống kê của UBND huyện Đô Lương, có tới 158 hộ dân bị ảnh hưởng của tác động môi trường bởi hoạt động của nhà máy. Các hộ dân này đã đề nghị nhiều lần được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, song đây là vấn đề vượt quá thẩm quyền của huyện. Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, kiến nghị lên UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có phương án di dời các hộ dân này.
 
Riêng 6 hộ dân xóm 1, xã Bài Sơn sống cách nhà máy xi măng hơn 100 m, theo ông Hiệp thì không bị tác động của ô nhiễm mỗi trường. “Tất cả các lần cơ quan chuyên môn về lấy mẫu tại khu vực này thì mức độ ô nhiễm môi trường dưới ngưỡng cho phép, nhìn vào thực tế là như vậy nhưng các chỉ số về khói bụi, tiếng ồn, nguồn nước đều nằm trong mức cho phép của quy chuẩn”- ông Hiệp cho hay. Cũng theo ông Hiệp, hiện vấn đề này huyện đã có văn bản gửi xuống tỉnh, để tỉnh có văn bản xin ý kiến Bộ TNMT hướng dẫn giải quyết kiến nghị di dời một số hộ dân xung quanh Nhà máy xi măng Sông Lam.
 
Được biết, trong quá trình chờ hướng dẫn, quy định cụ thể về khoảng cách an toàn môi trường đối với các loại hình sản xuất từ Bộ TNMT. Sở TNMT tỉnh Nghệ An đã đề xuất phương án trước mắt xem xét bố trí khu tái định cư đối với các hộ dân trong phạm vi bán kính an toàn dân sinh là 50 m tính từ hàng rào nhà máy, sau đó tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng di dời các hộ còn lại…