Dadmir Khan đã mất 3 người con gái, con trai và mẹ hôm 22/6 trong một trong những trận động đất kinh hoàng nhất tấn công Afghanistan trong nhiều thập kỷ.

Giờ đây, anh lo lắng về việc làm thế nào để mình và những người còn lại trong gia đình có thể vượt qua những hậu quả do trận động đất để lại trong bối cảnh thuốc men dành cho những người bị thương đã trở nên khan hiếm.

"Có cảm giác như đã xảy ra một vụ nổ lớn", Khan, 45 tuổi, nói với NBC News.

Người nông dân đến từ tỉnh Paktika xa xôi, miền núi gần biên giới với Pakistan, cho biết thêm rằng anh đã bị quật ngã xuống sàn nhà nhiều lần trong trận động đất mà theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGC) là mạnh 5,9 độ Richter, trong khi Trung tâm địa chấn châu Âu-Địa Trung Hải (EMSC) nói, động đất mạnh 6,1 độ Richter.

Khan cho biết, con trai anh, Nabiullah (7 tuổi), và 3 cô con gái – Lila (4 tuổi) Amina (3 tuổi) và Nazia (2 tuổi) – và mẹ, Guljama (65 tuổi), đều đã thiệt mạng.

Các thành viên khác trong gia đình anh đang được điều trị trong bệnh viện, nhưng tình trạng của họ không ổn lắm vì bệnh viện không có đủ thuốc, anh Khan cho biết.

“Chúng tôi đang tìm cách chuyển họ đến một nơi khác”, anh cho biết thêm.

mot-dua-tre-afghanistan-duoc-dieu-tri-tai-benh-vien-o-sharan-sau-tran-dong-dat-gay-thiet-hai-khung-khiep-ve-nguoi-va-cua-o-tinh-paktika-mien-dong-afghanistan-ngay-2262022-anh-nbc-news-1655973917.png
Một đứa trẻ Afghanistan được điều trị tại bệnh viện ở Sharan sau trận động đất gây thiệt hại khủng khiếp về người và của ở tỉnh Paktika, miền Đông Afghanistan, ngày 22/6/2022. Ảnh: NBC News

Nước mắt không ngừng rơi trên khuôn mặt Bibi Hawa trong khi bà đang phải tự mình chống chọi với tình cảnh khó khăn của mình trên giường bệnh ở thủ phủ Sharan của tỉnh Paktika, Afghanistan.

Một nhà hơn chục người của bà đã thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng này, và bà sợ rằng mình sẽ bị bỏ lại một mình.

"Tôi sẽ đi đâu, tôi sẽ đi đâu?" người phụ nữ 55 tuổi liên tục lẩm bẩm.

Trong căn phòng nơi Bibi đang được điều trị, hàng chục phụ nữ khác đang nằm trên giường - nhiều người đang ngủ, một số vùi mình dưới chăn…

Cuộc khủng hoảng ập đến như cơn sóng thần

Trận động đất mạnh nhất kể từ năm 2002 đã khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương, và số người chết dự kiến sẽ tăng lên khi thông tin từ các ngôi làng xa xôi đổ về, theo thống kê của các quan chức chính quyền Taliban.

Tâm chấn trận động đất nằm ở độ sâu khoảng 51 km, cách thành phố Khost, Đông Nam Afghanistan, khoảng 44 km, theo USGC, nhưng thiệt hại nặng nề nhất lại xảy ra ở tỉnh Paktika lân cận.

Mohammad Yahya Wiar, Giám đốc Bệnh viện Sharan, tỉnh Paktika, cho biết họ đang cố gắng hết sức để chữa trị cho mọi người.

“Đất nước chúng tôi nghèo và thiếu tài nguyên. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nó ập đến giống như một cơn sóng thần”, ông Wiar nói.

mot-nguoi-dan-ngoi-gan-ngoi-nha-bi-hu-hai-cua-minh-o-huyen-spera-tinh-khost-mien-dong-nam-afghanistan-theo-sau-tran-dong-dat-kinh-hoang-ngay-2262022-anh-nbc-news-1655973959.png
Một người dân ngồi gần ngôi nhà bị hư hại của mình ở huyện Spera, tỉnh Khost, miền Đông Nam Afghanistan, theo sau trận động đất kinh hoàng ngày 22/6/2022. Ảnh: NBC News

Thước phim từ các ngôi làng nằm giữa những ngọn núi gồ ghề cho thấy người dân đang nhặt nhạnh trong đống đổ nát, và người ta lo ngại rằng nhiều người có thể bị mắc kẹt dưới những tòa nhà bị sập.

Liên Hợp Quốc cho biết trong một ước tính ban đầu, hơn 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy trong khu vực, nơi trung bình một gia đình thường có tới 20 thành viên.

Zarinullah Shah cho biết, phần lớn người dân ở quê hương anh là huyện Barmal, tỉnh Paktika, đều mất người thân trong trận động đất.

“Trong khu vực của chúng tôi, phần lớn các ngôi nhà được xây bằng bùn”, Shah, 47 tuổi, nói và cho biết thêm rằng hầu hết các tòa nhà nơi anh sống đã bị hư hại hoặc phá hủy và khoảng 300 gia đình đã mất nhà cửa.

Do đó, anh cho biết, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trải qua cảnh “màn trời chiếu đất” đêm qua.

Hàng nghìn người đang rất cần lều lán, chăn mền, thực phẩm và thuốc men, Shah cho biết, đồng thời bổ sung rằng, “Chính phủ Afghanistan đã cố gắng giúp đỡ những người bị thương, nhưng họ không có đủ nguồn lực, đặc biệt là máy bay trực thăng và bác sĩ để đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng”.

“Tình hình rất tệ”, Tiến sĩ Mohammad Anwar Haneef, điều phối viên chương trình cấp cao của Care International tại Afghanistan, cho biết. Tổ chức của ông là một trong số ít các cơ quan viện trợ quốc tế ở lại nước này sau khi Taliban lên nắm chính quyền hồi tháng 8/2021.

Tiến sĩ Haneef, người đang điều phối các nỗ lực viện trợ từ thủ đô Kabul của đất nước, nói thêm rằng xe cứu thương không thể dễ dàng đến các khu vực bị ảnh hưởng.

hai-co-gai-bi-thuong-trong-tran-dong-dat-nam-chung-giuong-benh-o-benh-vien-sharan-thu-phu-tinh-paktika-mien-dong-afghanistan-ngay-2262022-anh-digital-journal-1655973993.jpg
Hai cô gái bị thương trong trận động đất nằm chung giường bệnh ở Bệnh viện Sharan, thủ phủ tỉnh Paktika, miền Đông Afghanistan, ngày 22/6/2022. Ảnh: Digital Journal

Kêu gọi phản ứng quốc tế

Trong một động thái hiếm hoi, thủ lĩnh tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, người hầu như không bao giờ xuất hiện trước công chúng, đã kêu gọi “cộng đồng quốc tế và tất cả các tổ chức nhân đạo giúp đỡ những người Afghanistan bị ảnh hưởng bởi thảm kịch lớn này.

“Chúng tôi cầu xin Chúa cứu những người nghèo của chúng tôi khỏi những thử thách và tổn hại”, ông Akhundzada nói trong một tuyên bố do người phát ngôn của chính quyền Taliban đưa ra.

Nhưng phản ứng quốc tế có thể sẽ phức tạp trong bối cảnh nhiều chính phủ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Taliban.

Sự miễn cưỡng của cộng đồng quốc tế có thể làm chậm việc triển khai viện trợ khẩn cấp và các đội nhóm thường được cử đến sau những thảm họa thiên nhiên như vậy.

Trận động đất cũng xảy ra vào thời điểm Afghanistan đã chìm sâu trong một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với hàng triệu người phải đối mặt với cái đói và cái nghèo ngày càng gia tăng sau khi tài trợ quốc tế cho đất nước bị cắt đứt hoàn toàn.

“Người dân không có việc để làm và không có thu nhập”, Tiến sĩ Haneef cho biết. "Vì vậy khu vực tư nhân không hoạt động tốt".

Ông cho biết thêm rằng rất khó để chuyển tiền ra khỏi đất nước để mua vật tư y tế, và điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là quốc gia này đang ở tình cảnh thu nhập thì thấp mà chi phí thì cao.

Trong bối cảnh những vùng đất rộng lớn bị tàn phá, Tiến sĩ Haneef cho rằng đất nước của ông cần “một kế hoạch ngắn hạn để cung cấp thực phẩm, chỗ ở, thuốc men và hỗ trợ y tế”.

“Thật không may, điều này sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho mọi người”, ông nói thêm./.