Số người tử vong vì ngộ độc rượu lậu tại bang Punjab đã tăng lên 98, nhà chức trách thông báo hôm 02/08.
Cảnh sát đã bắt giữ 25 người liên quan tới vụ việc, theo hãng thông tấn Press Trust of India.
Mỗi năm ở Ấn Độ có hàng trăm người chết vì ngộ độc rượu lậu. Rượu lậu thường được chế biến tại các các cơ sở trái phép và được bán với giá 10 rupeee (khoảng 3.000 VNĐ) mỗi lít, ngay cả những người nghèo khổ nhất cũng có thể mua được.
Số người chết vì ngộ độc rượu lậu tại quận Tarn Taran, bang Punjab đã tăng lên 75, sau những cuộc điều tra mở rộng gần đây, theo nhà chức trách địa phương.
"Một số gia đình không cung cấp chi tiết về những trường hợp tử vong, một số thậm chí đã hỏa táng họ. Chúng tôi đưa ra con số này sau khi đã thu thập thông tin," phó ủy viên Kulwant Singh của chính quyền địa phương cho biết.
11 người khác tử vong tại quận Gurdaspur, AFP dẫn lời một quan chức địa phương cho hay. 12 người khác thiệt mạng vì ngộ độc rượu moonshine ở Amritsa, theo hãng thông tấn PTI.
Trên Twitter, đảng đối lập tại bang Punjab đã kêu gọi chính quyền bang hành động để "ngăn chặn mafia rượu trên địa bàn bang."
Ông Amarinder Singh, thủ hiến bang Punjab hôm 31/07 cho biết đã yêu cầu điều tra đặc biệt về những trường hợp tử vong do ngộ độc rượu lậu, đồng thời khẳng định "tất cả những người có tội sẽ bị trừng trị".
Trong một vụ việc khác, nhà chức trách bang Andhra Pradesh hôm 31/07 cho biết 9 người tử vong vì uống dung dịch rửa tay có chứa chất cồn.
Theo Hiệp hội Rượu nhẹ và Rượu vang Quốc tế Ấn Độ, khoảng 40% trong tổng số 5 tỷ lít đồ uống có cồn ở nước này được sản xuất trái phép.
Những cơ sở chế biến trái phép thường thêm methanol vào rượu lậu, khiến người uống phải có thể bị ngộ độc. Khi uống, methanol có thể gây mù, tổn thương gan và tử vong.
Năm 2015, hơn 100 người thiệt mạng vì uống rượu moonshine lậu tại một khu ổ chuột ở Mumbai.