nguoinghe.vn
Theo Tổng Cục Thống kê, trong tháng 1/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, trong tháng 1/2023, cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 99.100 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, giảm 16,6% về số doanh nghiệp, giảm 48,5% về số vốn đăng ký và giảm 11% về số lao động.

Ngoài ra, cả nước có 15,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 146,8% so với tháng 12/2022 và giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2023 lên 25,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, tháng 1/2023 có 125 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 43,9% so với tháng 1/2022; 2.540 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 22,9%; 8.178 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 13,8%.

Trong tháng 1/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,5%).

Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%) chủ yếu do giá gas và giá dịch vụ giáo dục giảm là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 1 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đáng chú ý trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 25,08 tỷ USD. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Cần phải nói thêm rằng, tình trạng nhiều doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh đã diễn ra từ nhiều tháng trước đó. Vấn đề này cũng là điều mà các đại biểu Quốc hội băn khoăn khi thảo luận tình hình kinh tế xã hội diễn ra vào ngày 22/10/2022.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Vì sao tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt mức rất cao, nhưng vẫn có tới gần 112,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021 (bình quân hơn 400 doanh nghiệp ra khỏi thị trường mỗi ngày)? Phải chăng còn quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ, dẫn đến thực trạng là phải đóng cửa?

Dù tăng trưởng kinh tế tốt lên, song tốc độ giải ngân của các chương trình phục hồi kinh tế còn chậm, dẫn đến hậu quả số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng cao gần 25%. Điều này cho thấy vấn đề hỗ trợ chưa sát. Chính sách thì có, nhưng chuyển biến chậm, còn doanh nghiệp không cứu được là ngưng hoạt động ngay", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, đến nay, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt mức rất cao. Cho thấy, gói kích cầu theo Nghị quyết số 43 đã có tác dụng. Tuy nhiên, một số phần việc trong Nghị quyết số 43 vẫn chưa thực hiện thành công, đặc biệt là phần gói hỗ trợ lãi suất 2%.

"Chúng ta chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng trên tổng số 16.035 tỷ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân trong năm 2022), tức là chưa được 1%, chỉ có được 0,08%. Điều mà các doanh nghiệp đang mong chờ, nếu giải ngân được thì chắc là nền kinh tế không phải chỉ phát triển hơn 8%, mà có thể phát triển cao hơn nữa", đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Trước những lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, doanh nghiệp đang rất khó khăn, không chỉ khó tiếp cận vốn, khó tiếp cận đất đai, mà còn khó khăn từ môi trường đầu tư kinh doanh.

Gần đây, nhiều địa phương e ngại, sợ sai, nên dừng lại, đình trệ nhiều. Nhiều dự án đã cấp phép, đang triển khai cũng vướng mắc nhiều, chậm được tháo gỡ. Khi chậm tháo gỡ thì lại tạo nên các điểm nghẽn và khi đó là một vòng luẩn quẩn, các nguồn lực không thể khai thông... Ngay cả những chậm trễ trong giải ngân đầu tư công của năm nay, bên cạnh những khó khăn thường được nhắc tới, còn có câu chuyện của giá nguyên vật liệu, xăng dầu lên cao..., nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ... Điều này cho thấy, khó khăn của doanh nghiệp vì vậy còn rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết, sẽ tham mưu cho Chính phủ trên cơ sở phân tích sâu hơn các nguyên nhân, để có giải pháp đúng và trúng. Trước mắt, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang hoạt động, sẽ khai thông ngay nguồn lực cho phát triển. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong các tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023./.

Theo Thiên Vân - tamnhin.trithuccuocsong.vn