Không chỉ trang bị cho thí sinh những kiến thức cần thiết trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, những "gia sư" áo xanh còn “tiếp sức” cho các sĩ tử bằng việc chia sẻ những kinh nghiệm ôn thi.

Những gia sư áo xanh

Chỉ tròn 1 tuần nữa là em Đàm Thị Ngọc - xóm Thuận Lý, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất của mình - Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu như hơn 1 tháng trước, khi nói về kỳ thi này, Ngọc còn lo lắng, hoang mang thì nay em bình tĩnh hơn và “đếm ngày” để chờ kỳ thi được thực hiện theo đúng kế hoạch…

Theo tổ hợp khối D nhưng thời điểm này, Ngọc không còn ngồi “học thuộc, học gạo” một cách máy móc mà học một cách khoa học hơn, theo từng ý, từng bài. Trên cơ sở các ý, Ngọc biết mở rộng vấn đề và dùng các ý đã học để lập luận cho bài viết của mình.

Nói về sự thay đổi này, nữ sinh lớp 12 - nguyên là học sinh Trường THPT Đô Lương 1 cũng chia sẻ: Trước đây, chúng em hay học một cách máy móc nên khi vào làm bài thường mất bình tĩnh. May mắn là em gặp được chị Thu hướng dẫn và chia sẻ bí quyết để học bài nên việc học hiệu quả hơn.

Sinh viên tình nguyện xứ Nghệ làm
Sinh viên Trần Thị Thu hỗ trợ các thí sinh ở xã Thuận Sơn. Ảnh: NVCC

Đàm Thị Ngọc là 1 trong 2 thí sinh được Trần Thị Thu - thành viên trong Đội Gia sư áo xanh của xã Thuận Sơn nhận kèm cặp để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Thu ở cùng xóm, hơn Ngọc 1 tuổi và từng cùng Đội sao đỏ khi mấy chị em đang học ở trường cấp II của xã nên cả hai không lạ lẫm với nhau. Thế nhưng, việc kèm cặp, hỗ trợ chỉ bắt đầu thực hiện sau đợt nghỉ dịch dài dịp 30/4 và Thu từ Trường Đại học Kinh tế về nhà và chuyển sang học online. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Thu kèm thêm cho Đạt - con của chú ruột và Ngọc là hàng xóm gần nhà. Bền bỉ từ tháng 5 đến nay, bữa có thời gian thì Thu dạy trực tiếp. Còn lại, Thu thường ra đề, các bạn tự làm và sau đó Thu sẽ chữa bài tập và bổ trợ thêm kiến thức nếu các bạn còn thiếu hụt.

Được kèm cặp thường xuyên nên cả Ngọc và Đạt đều tiến bộ. Như Đạt, trước đây đọc một bài toán em còn hoang mang vì nhiều kiến thức đơn giản chưa làm được. Nhưng nay thì khi nhìn vào đề thi, gặp nhiều bài cùng dạng em đã tự tin nói “đề này dễ quá hoặc bài này em làm được”.

Sinh viên tình nguyện xứ Nghệ làm
Các tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh của huyện Đô Lương. Ảnh: NVCC

Nhận được kết quả này, “cô giáo” Trần Thị Thu là người vui nhất. Chia sẻ thêm về công việc này, Thu cho biết: Năm ngoái thời điểm này em cũng bắt đầu bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng như các thí sinh khác em rất lo lắng. Tuy nhiên, may mắn là năm ngoái em học ở trường của cậu và được cậu hỗ trợ rất nhiều. Còn các bạn hiện nay thì khó khăn hơn vì dịch bệnh, các bạn không được học thêm nhiều.

Thu nguyên là học sinh Trường THPT Thanh Chương 3. Kỳ thi năm ngoái, Thu thi khối A, được 26,6 điểm và đậu vào ngành Tài chính công - Viện Ngân hàng tài chính - Đại học Kinh tế quốc dân. Với lợi thế các môn tự nhiên, Thu kèm cho thí sinh ba môn Toán - Lý - Hóa. Tuy vậy, riêng với Ngọc, Thu kèm thêm cả Ngữ văn vì đây cũng là môn học mà Thu học khá khi còn học ở THPT.

Sinh viên tình nguyện xứ Nghệ làm
Đoàn Thanh niên xã Thuận Sơn hỗ trợ cho các sỹ tử lớp 12. Ảnh: NVCC.

Qua hơn 2 tháng kèm học trò, Thu cũng cho biết: Một năm vào đại học do chương trình nặng nên kiến thức của em cũng mai một nhiều. Hiện tại, khi kèm các em, em phải đọc lại nhiều kiến thức và phải làm thêm đề khá vất vả. Tuy nhiên, em vẫn rất vui vì mình giúp được cho các em và tin rằng bằng kinh nghiệm và những điều mà mình đã trải qua sẽ có ích cho các em trước khi bước vào Kỳ thi quan trọng này.

Thuận Sơn là một trong những xã đi đầu của huyện Đô Lương triển khai chương trình “Gia sư áo xanh” nhằm hưởng ứng chương trình “mỗi giáo viên trẻ, mỗi sinh viên hỗ trợ 1 thí sinh ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021” do Huyện đoàn phát động. Tham gia chương trình này là những sinh viên người địa phương hiện đang học tại các trường đại học và tình nguyện hỗ trợ kèm cặp, giúp đỡ các học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Thuận Sơn là một xã hiếu học và hàng năm có khá nhiều học sinh đậu vào các trường đại học hàng đầu của cả nước. Phát huy tinh thần này, thông qua chương trình “Gia sư áo xanh” chúng tôi mong các bạn sinh viên không chỉ hỗ trợ các thí sinh về kiến thức mà còn chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thêm nghị lực để các sỹ tử lớp 12 có thể tự tin cho chặng đường sắp tới. Thức tế, chương trình chủ trương “một sinh viên hỗ trợ một thí sinh” nhưng có thể là nhiều hơn và trong quá trình ôn thi, sinh viên cũng có thể tư vấn cả tâm lý cho thí sinh”, Chị Trần Thị An – Bí thư Đoàn xã Thuận Sơn

Thầy giáo cũng là tình nguyện viên

Tại huyện Tân Kỳ, ngay sau khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, trong cuối tháng 5, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo cơ sở tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách các em học sinh lớp 12 có nhu cầu ôn thi tốt nghiệp THPT, ưu tiên đối tượng các em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để học tập trung; các em ở vùng sâu, vùng khó khăn. Trên số lượng đăng ký, Huyện đoàn đã cho thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện gồm các giáo viên trẻ, sinh viên về nghỉ hè tại địa phương,... tham gia “Gia sư áo xanh” để hỗ trợ ôn tập cho các em học sinh đang trong thời gian nghỉ hè, đặc biệt là các em học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT.

Sinh viên tình nguyện xứ Nghệ làm
Thầy giáo Trương Công Nghĩa hỗ trợ thí sinh ôn tập. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Trương Công Nghĩa là giáo viên dạy môn Hóa học của Trường THPT Kỳ Sơn. Nghỉ hè, thầy về quê tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ và tham gia vào nhóm “Gia sư áo xanh” và kiêm luôn vai trò Đội trưởng gia sư của huyện Tân Kỳ.

Kể về câu chuyện thú vị này, thầy giáo Trương Công Nghĩa cho biết: Mình đến với công việc này rất tình cờ sau khi được các bạn ở Huyện đoàn chia sẻ về ý nghĩa của chương trình. Tuy vậy, khi bắt tay vào công việc thì mình thực sự hào hứng, bởi đây không chỉ là công việc chuyên môn của mình mà còn là cơ hội để mình hiểu hơn các em học sinh và được giúp các em bằng chính tâm huyết của mình.

Thầy Nghĩa là người Thái, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Ngày trước, để vào được Đại học Sư phạm Vinh và ra trường, nhận công tác, anh cũng nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của các thầy giáo, cô giáo và của cả những anh chị từng là sinh viên tình nguyện. Nhìn lại hình ảnh của các em hôm nay, anh lại nhớ về mình ngày xưa và tin rằng hoạt động của đội “Gia sư áo xanh” sẽ có ý nghĩa thiết thực.

Hiện, thầy Nghĩa đang kèm cặp 3 học sinh ở Trường THPT Tân Kỳ 3 và dù chỉ mới dạy một số buổi nhưng anh khá vui bởi các em đã nắm được kiến thức cơ bản và “nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp thì không quá khó khăn”. Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm 11 năm đứng lớp của mình, anh cũng truyền lại cho các sinh viên khác những kỹ năng cơ bản về nghiệp vụ sư phạm để các em đứng lớp hiệu quả.

Sinh viên tình nguyện xứ Nghệ làm
Các tình nguyện viên ở huyện Tân Kỳ đến nhà để dạy học trực tiếp cho các thí sinh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về mô hình này, anh Nguyễn Mạnh Phong - Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ cũng cho biết: Toàn huyện Tân Kỳ đã có 6 Đội “Gia sư áo xanh” với hơn 80 đoàn viên, thanh niên là giáo viên trẻ, sinh viên có kết quả học tập tốt ôn thi cho 580 em học sinh lớp 12 để củng cố thêm kiến thức nhằm vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, dù điều kiện triển khai gặp nhiều khó khăn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhưng các đội đã linh hoạt, sáng tạo trong việc ôn thi cho các em như: Tổ chức dạy trực trực tuyến qua mạng mỗi tuần 2-3 buổi; đối với những em học sinh khó khăn không có điều kiện về điện thoại thông minh, mạng internet thì Đội phân công, cử 1 người trực tiếp về ôn thi cho các em đó (1 kèm 1), hoặc mượn máy tính ở Trung tâm học tập cộng đồng của xã để cho các em ngồi học trực tuyến…

Các thành viên của đội còn nắm bắt về tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu khác của các em để có sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời, để các em yên tâm ôn thi, có kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Sinh viên tình nguyện xứ Nghệ làm
Chương trình "Gia sư áo xanh" đem lại nhiều ý nghĩa cho các sỹ tử trong mùa dịch. Ảnh: NVCC

Trên toàn tỉnh mô hình này cũng nhân rộng tại nhiều địa phương. Anh Thái Minh Sỹ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cũng cho biết: Dù dịch bệnh nhưng với tinh thần sức trẻ tình nguyện, chương trình “Tiếp sức mùa thi” vẫn được triển khai hiệu quả, trong đó có chương trình “Mỗi giảng viên, giáo viên trẻ, sinh viên hỗ trợ một thí sinh”. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực và tôi tin rằng bằng trách nhiệm và bằng sự tâm huyết của mình các tình nguyện viên sẽ làm tròn vai trò của mình và kịp thời hỗ trợ thí sinh để các em yên tâm, tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.