Tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19, Singapore cho thấy, hiện tại không phải là lúc để mạo hiểm khi nước này tiến rất gần đến mục tiêu 2/3 dân số được tiêm vaccine.

Tái áp đặt lệnh hạn chế ngay trước ngưỡng miễn dịch cộng đồng

Singapore sẽ bắt đầu tái áp đặt lệnh hạn chế nhằm kiểm soát Covid-19 từ ngày 22/7 sau khi vừa nới lỏng một số biện pháp vào tuần trước. Gần đây, nước này đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới từ các khách hàng ở quán karaoke và những người buôn cá.

Singapore tái áp đặt lệnh hạn chế Covid-19: “Giờ không phải lúc để mạo hiểm”
Các biện pháp hạn chế sẽ được tái áp đặt sau các chùm ca mắc Covid-19 gần đây ở Singapore. Ảnh: EPA

Các quan chức Singapore hôm 20/7 cũng cho biết việc tập trung ăn uống ở nhà hàng sẽ bị cấm, các hoạt động tập trung, bao gồm cả việc thăm nhà nhau chỉ được giới hạn xuống còn 2 người và việc đeo khẩu trang là quy định bắt buộc với các hoạt động thể thao trong nhà. Các biện pháp thắt chặt trên sẽ kéo dài cho tới ít nhất ngày 18/8, lực lượng tác chiến chống Covid-19 cho hay.

Cuộc diễu hành ngày Quốc khánh dự kiến diễn ra ngày 9/8 vẫn sẽ diễn ra nhưng quy mô tổ chức sẽ được xem xét.

"Một số người đặt câu hỏi tại sao chúng ta đang thắt chặt các biện pháp nếu chúng ta có kế hoạch sống chung với Covid-19 và điều này phù hợp với kế hoạch của chúng ta như thế nào", ông Gan Kim Yong, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến chống Covid-19 nói.

"Hướng đi của chúng tôi không thay đổi. Tuy nhiên, khi lập kế hoạch sống chung với Covid-19, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng, chúng ta cần tăng đáng kể tỷ lệ tiêm vaccine", chuyên gia này nhận định, đồng thời cho rằng các ca lây nhiễm cần được kiểm soát để bảo vệ những người chưa được tiêm vaccine, đặc biệt là người lớn tuối.

Trước sự gia tăng số ca mắc mới, Bộ trưởng Giao thông Singapore S. Iswaran và người đứng đầu cơ quan phát triển kinh tế và thương mại Hong Kong (Trung Quốc) Edward Yau hôm 20/7 đều nhất trí tiến hành xem xét lại "bong bóng đi lại" không cần cách ly vào cuối tháng 8.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trước đó cho biết nước này sẽ theo đuổi chính sách sống chung với đại dịch, theo đó coi Covid-19 như bệnh cúm sau khi tỷ lệ tiêm vaccine gia tăng.

Ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Y tế Singapore, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến chống Covid-19 nhận định, hiện chính phủ đang thắt chặt các quy định phòng chống Covid-19 bởi nước này đã tiến rất gần đến mốc 2/3 dân số được tiêm vaccine.

"Thực sự thì mục tiêu này gần như chỉ còn cách một vài tuần nữa. Do đó, bây giờ không phải thời điểm để mạo hiểm tất cả", Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói.

Các biện pháp hạn chế sẽ giúp Singapore có thời gian để tăng cường tỷ lệ tiêm vaccine và "khi chúng tôi đạt được điều này, chúng tôi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều".

Bảo vệ những người chưa được tiêm vaccine

Các biện pháp hạn chế tái áp đặt tới đây sẽ tương tự như các biện pháp được thực hiện từ 16/5 - 13/6 nhằm phản ứng trước sự gia tăng số ca mắc có liên quan đến chùm ca bệnh ở sân bay Changi.

Chùm ca bệnh đầu tiên mới xuất hiện gần đây ở Singapore liên quan đến các phòng karaoke, tính đến ngày 19/7 đã lên tới ít nhất 193 trường hợp. Chùm ca bệnh thứ hai có nguồn gốc từ chợ cá Jurong, với ít nhất 197 ca mắc và đã lan ra 28 chợ cùng các trung tâm thực phẩm, làm dấy lên mối lo ngại về việc những người lớn tuổi đi tới đây có nguy cơ mắc bệnh.

Ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại hôm 20/7 cho biết những diễn biến gần đây là "một bước lùi lớn" cho cuộc chiến chống Covid-19 của Singapore nhưng cũng khẳng định, các nhà chức trách sẽ thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại khi số ca mắc mới giảm và tỷ lệ tiêm vaccine tăng.

Theo ông Ong, hơn 100.000 người dân trên 70 tuổi ở Singapore vẫn chưa được tiêm vaccine và hơn 100.000 người từ 60 - 69 tuổi cũng vậy. Bộ trưởng Y tế Singapore trước đó cũng lo ngại hệ thống y tế nước này bị quá tải. Singapore hiện có 1.000 giường chăm sóc tích cực cho các bệnh nhân Covid-19.

Ông Ong đánh giá, những người lớn tuổi có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc bệnh, đồng thời cho biết, nếu người cao tuổi mắc bệnh, họ có thể phải nhập viện và từ 10 - 15% trong số này cần chăm sóc tích cực.

Dữ liệu chính thức cho thấy 73% trong số 5,7 triệu dân Singapore đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine Moderna hoặc Pfizer. Ông Ong cho biết, 50% dân số nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ, tính đến ngày 19/7.

Dựa trên tỷ lệ đặt trước tiêm vaccine hiện nay, khoảng 75% người trên 70 tuổi sẽ được tiêm vaccine, tăng so với con số 71 - 72% hiện tại. Bộ trưởng Y tế Singapore hy vọng, ít nhất 80 - 85% người dân trong nhóm này sẽ được chủng ngừa.

Ông Ong cũng nói rằng ông hiểu thắc mắc của nhiều người dân Singapore về việc các nền kinh tế khác "dũng cảm" mở cửa khi dẫn ra các trường hợp của Israel, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Singapore giải thích, các nền kinh tế này đều có tỷ lệ tiêm vaccine cao và trải qua những "làn sóng lây nhiễm vô cùng dữ dội", điều khiến cho phần lớn dân số những nước này phát triển khả năng miễn dịch và khoảng 90 – 95% người lớn tuổi đều đã được tiêm vaccine./.