Anh Hoàng Ân (ngụ tại Bình Tân) cho biết, sau giờ tan ca vào lúc 22h, nghĩ đi đổ xăng giờ này chắc sẽ không phải chờ đợi. Nhưng điều bất ngờ là dọc đường về nhà sau khi đi qua 2 cây xăng treo bảng “tạm nghỉ vì hết xăng” thì anh chợt hoang mang và buộc phải đứng xếp hàng tại cây xăng thứ 3 mà mình bắt gặp trên đường: “Tôi đứng xếp hàng gần 20 phút, đến mình thì chỉ đổ được 30.000 đồng”, anh than thở.
Anh Dương Công Quý, (ngụ Quận 3) chia sẻ: “Giá xăng đã cao, mà giờ còn phải chật vật mới đổ được xăng, thật không thể hiểu nổi?”
Đây cũng là nỗi lo lắng của rất nhiều người dân thành phố trong những ngày qua về tình trạng khan hiếm xăng, dầu. Bởi cứ đến thời điểm điều chỉnh giá thì “điệp khúc” thiếu xăng lại vang lên, cho thấy “một thị trường dị biệt” như Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu mới đây.
Cụ thể vào 3 giờ chiều ngày 01/11 Liên bộ Công thương - Tài chính đã công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng tăng hầu hết các mặt hàng. Cụ thể, xăng E5 RON92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.
Và như thế, cứ trước kỳ điều chỉnh giá, “cơn sốt khan hiếm” lại xảy ra, thậm chí còn sớm hơn nhiều. Tại TP. HCM, trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, tình trạng khan hiếm xăng bắt đầu lan từ nội thành ra ngoại thành. Nhiều cửa hàng dán thông báo “Gần hết hàng, xin thông cảm” và chỉ bán xăng cho mỗi xe máy 30.000 đồng, ôtô là 200.000 đồng.
Chiều 01/11, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp tháng 11- 2022 của UBND TP. HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương - cho biết, tính đến 12 giờ ngày 01/11 TP. HCM có 108/550 cửa hàng đang thiếu xăng hoặc dầu.
Tuy nhiên sau khi điều chỉnh giá xăng dầu được 2 ngày, theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP. HCM, tính đến 14 giờ ngày 03/11 trên địa bàn thành phố vẫn còn 65/550 cửa hàng không còn xăng hoặc dầu. Thông tin thêm về điều này Cục quản lý thị trường TP. HCM cho biết: Hầu hết các cửa hàng có đăng ký mua xăng, nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp. Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ cho nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết. Cục Quản lý thị trường cũng tiếp tục chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm như: ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt, phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân, nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải làm rõ, xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP. HCM đã đề xuất thành lập tổ công tác điều hành xăng dầu trên địa bàn TP. HCM nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu ổn định cho thị trường./.