Trước thềm vòng loại thứ 2 World Cup 2022 tại bảng G khu vực Châu Á được tổ chức thi đấu tập trung tại UAE, người hâm mộ Việt Nam vẫn lo về một hàng công với những thanh kiếm "cùn" như Công Phượng, Tiến Linh, Văn Toàn, Đức Chinh có đủ sức làm nên chuyện.
Thế nhưng sau gần 20 ngày trên đất UAE, với cột mốc đáng nhớ đội tuyển Việt Nam gặt hái được, người ta đã bắt đầu thôi bàn tán về vị trí được xem là bài toán cực khó không riêng gì của ông thầy người Hàn.
3 trận đấu vừa qua, không phải Công Phượng, Văn Toàn hay Quang Hải mà đích xác Tiến Linh mới là chân sút bùng nổ nhất của "những chiến binh Sao vàng". Với 3 bàn thắng, đạt hiệu suất 1 bàn/1 trận, trước những đối thủ khó chịu và đá rắn như Malaysia hay ông kẹ UAE.
Không chỉ có thế, nếu quan sát các bàn thắng mà tiền đạo sinh năm 1997 này ghi được, người hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra được những phẩm chất của “sát thủ” thực thụ nơi vòng cấm: chọn vị trí, tì đè, bứt tốc và dứt điểm gọn ghẽ. Đã quá lâu rồi, bóng đá Việt Nam mới lại sở hữu một chân sút “bén” và “mắn” bàn như thế.
Ngược trở lại thời điểm HLV Park Hang-seo cập bến Việt Nam, những câu hỏi xung quanh bài toán “số 9” của tuyển Việt Nam vẫn là cơn đau đầu thực sự với ông thầy người Hàn Quốc. Tại VCK U23 châu Á, cái tên được xem là con át chơi ở vị trí trung phong trong đội hình U23 Việt Nam là Hà Đức Chinh.
Chân sút người Phú Thọ đúng là rất tiềm năng, thuộc hàng tiền đạo mạnh về tì đè, dứt điểm và đặc biệt là rất “trâu” về thể lực.
Thế nhưng điểm yếu cố hữu mà chân sút này vẫn chưa thể cải thiện đó chính là khả năng dứt điểm ở những tình huống cuối cùng và sự ổn định, điều được xem là xương sống đẳng cấp đối với một cầu thủ chơi ở vị trí tiền đạo.
Tại Asian Cup 2019, sau khi Anh Đức nói lời chia tay đội tuyển, Công Phượng khi ấy đã được đôn lên chơi như một số 9 và kết quả thế nào thì hẳn ai cũng hình dung.
Với sở trường của một cầu thủ bám biên và thích đột phá từ cánh vào trung lộ để dứt điểm, Công Phượng gặp khó khi phải “mắc võng” trong vòng cấm hay nhận bóng ở khu vực 16m50 trong thế quay lưng với khung thành.
Chỉ đến khi cái tên Tiến Linh được xuất hiện nhiều hơn, có cơ hội ra sân nhiều hơn và trưởng thành trong màu áo CLB Bình Dương lẫn trên đội tuyển thì cơn đau đầu của ông Park mới phần nào được xoa dịu.
Trong màu áo Bình Dương, số 22 là chủ công với nhiệm vụ lĩnh xướng trọng trách ghi bàn cho toàn đội. Ở đội tuyển quốc gia, anh cũng là cái tên duy nhất có thể đá tốt ở vị trí tiền đạo cắm thực thụ, mẫu “hàng hiếm” trên tuyển lúc này.
Sở hữu những phẩm chất thuần túy của một trung phong cắm kiểu Anh Đức, thế nhưng Tiến Linh lại được đánh giá cao bởi tốc độ và sự tinh quái trong cách di chuyển.
Ngoài ra, cách chơi đơn giản, quyết đoán và dứt điểm gọn ghẽ không màu mè chính điều khiến cho HLV Park cực “ưng” cậu học trò này.
Đó là mảnh ghép hoàn hảo trong một sơ đồ mà vị thuyền trưởng 63 tuổi này xây dựng: Nhanh, gọn gàng, dứt khoát và tận dụng triệt để từng cơ hội có được.
Tiến Linh đã có được 5 bàn sau 8 trận tại vòng bảng cho tuyển Việt Nam, một hiệu suất tương đối đáng nể. Thứ duy nhất mà cầu thủ này cần phải trui rèn lúc này chính là duy trì sự ổn định và nâng cấp bộ kỹ năng của mình tới mức hoàn thiện nhất có thể.
Số 22 của đoàn quân áo đỏ vẫn còn rất trẻ và còn nhiều thời gian để hoàn thiện bản thân.
Sau 4 năm “đãi cát” mòn mỏi, HLV Park đã tìm thấy một "thanh gươm vàng". Giờ là lúc ông dành thời gian để “mài” cho thanh gươm ấy sắc bén hơn, hiệu quả hơn.