Diễn tiến tại Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An là bức tranh thu nhỏ, phản ánh rõ quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này.
Muôn vàn áp lực
Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An và Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An là 2 đơn vị chịu nhiều biến động nhất khi thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Rõ hơn, Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An quản lý 2 dây chuyền chế biến quy mô 1.000 tấn cà phê nhân khô/ năm (tương đương 8.000 tấn quả tươi) và 3.500 tấn cao sủ mủ cốm/ năm (12.500 tấn mủ nước quy chuẩn 28%).
Trước khi bắt tay thực hiện Cổ phần hóa, mô hình trên hoạt động tương đối ổn định, dây chuyền đủ điều kiện chế biến hết khối lượng hình thành trên diện tích hơn 4.000 ha đất giao khoán trên địa bàn thị xã Thái Hòa và Nghĩa Đàn. Chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu đi các nước Mỹ, Đức, Trung Quốc và nhiều thị trường tiềm năng khác.
Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp phía Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An bị thu hồi hàng ngàn ha đất. Ảnh: Việt Khánh.
Sau Cổ phần hóa, kế hoạch sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thu mua chế biến và đầu tư, nâng cấp hệ thế máy móc thiết bị nhằm tập trung nguồn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, qua đó từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống và tạo việc làm cho 1.542 cán bộ công nhân viên (CBCNV) cùng 2.500 – 3.000 hộ dân trực tiếp nhận khoán tại vùng Tây Bắc Nghệ An.
Sau chuyển đổi Cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An có khoảng 470 số lao động dôi dư do không bố trí được việc làm và không có đất nhận khoán. Bám vào đây, nhiều người tặc lưỡi: “Lợi lộc chưa thấy đâu nhưng thiệt thòi đã rõ mồn một”.
Mục tiêu vạch ra là thế nhưng để thực thi được trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là giá 2 sản phẩm chủ lực là cà phê và cao su lao dốc không phanh.
Theo dõi sâu sát diễn tiến mới hay hành trình thực hiện chính sách lớn của Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An chẳng khác nào… đoạn trường gian nan, dường như tất thảy bốn bề đều bị chặn bởi những bức vách thẳng đứng.
Việc này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và quá trình hoạt động của đơn vị, đặc biệt khi cao su, mặt hàng chủ lực đang ở thời điểm khó khăn về giá. Ảnh: Việt Khánh.
Trong phương án đổi mới, sắp xếp đơn vị chỉ giữ lại khoảng 3.550 ha, qua đó bàn giao về cho địa phương quản lý hơn 466 ha, trong số này đáng chú ý là nhiều quỹ đất rất tiềm năng về mặt giá trị. Xuất phát từ điều này nên quá trình chuyển tiếp rất ì ạch, ghi nhận đến tháng 3/2021 chỉ 289 ha được tỉnh Nghệ An ra quyết định thu hồi, hơn 177 ha còn lại đang “bỏ ngỏ” cách thức xử lý.
Lòng vòng 4 ha đất vàng?
Trong Đề án sắp xếp, đổi mới Công ty TNHH MTV cà phê cao su Nghệ An khẳng định sẽ tổ chức xây dựng, kinh doanh các loại hình dịch vụ tổng hợp (khu vui chơi giải trí, nhà hàng khách sạn…) tại những diện tích đất có lợi thế thương mại để nâng cao giá trị sử dụng đất. Dù vậy chủ trương trên đã chết từ trong trứng, ít nhất là với quỹ đất vàng hơn 4 ha tọa lạc ngay tại thị xã Thái Hòa.
Về hiện trạng, lô đất nằm ở vị trí trắc địa, phía bắc giáp khu dân cư, phía nam giáp đường giao thông, phía đông giáp đường dân sinh nội thị xã, phía tây giáp đường quy hoạch. Trên lô đất này có 2 nhà máy, hệ thống kho hàng và Văn phòng làm việc của Xí nghiệp thu mua và chế biến cà phê cao su (thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An). Quá trình quản lý và sử dụng, Xí nghiệp luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất và các quy định khác của Nhà nước.
Quá trình thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An vướng nhiều điều tiếng, điển hình là khu đất vàng hơn 4ha tọa lạc ngay vị trí trắc địa tại thị xã Thái Hòa. Ảnh: Việt Khánh.
Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An cũng như phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp khác trên địa bàn đều đã bàn giao phần lớn quỹ đất quản lý cho các hộ nhận khoán canh tác. Vì thế dù bản chất là doanh nghiệp vốn nhà nước nhưng việc xác định tài sản gắn liền, qua đó tiến tới phương án đền bù, hỗ trợ gặp không ít khó khăn, chậm tiến độ cũng từ đây mà ra.
Trên thực tế, trong hàng ngàn ha đất thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An chỉ duy nhất khu đất này đáp ứng đủ các điều kiện để quy hoạch xây dựng Trung tâm kinh doanh và dịch vụ thương mại trong tương lai. Nói cách khác, lô đất vàng là điểm tựa để công ty xây dựng nền móng vững chắc cho giai đoạn kế tiếp.
Ngay từ đầu chính quyền địa phương đã chủ động “xác định lộ trình” cho khu đất vàng. Bằng chứng, ngày 4/1/2017 Thị ủy Thái Hòa đã ra thông báo về việc “bố trí khu đất Nhà máy chế biến thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Cà phê Nghệ An tại xóm Hưng Bắc, xã Tây Hiếu để đối ứng đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 theo hình thức BT”.
Cienco 4 là đơn vị thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường 2 đầu cầu với kinh phí trên 200 tỷ đồng, việc thị xã Thái Hòa dự kiến bố trí các khu đất để đối ứng là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên việc này cũng nên có sự thống nhất của Ban Giám đốc và người lao động công ty.
Chưa dừng lại, ngày 12/6/2018 UBND thị xã Thái Hòa tiếp tục có công văn gửi đến các cấp, ngành liên quan đề xuất phương án không đưa vào “cổ phần hóa hơn 281 ha đất”, trải dài khắp các xã Đông Hiếu, Tây Hiếu và Nghĩa Tiến. Những động thái có phần thái quá dồn xuống liên hồi trong bối cảnh tình hình hết sức rối ren khiến dư luận không khỏi xôn xao, nhiều luồng ý kiến nhận định phải chăng doanh nghiệp đang bị dồn ép quá mức?
Trở lại với 4 ha đất vàng, ngày 27/2/2019 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản thu hồi, giao Sở Tài chính quản lý, đồng thời lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất và tải sản gắn liền theo quy định của pháp luật.
Những tưởng sau động thái này nút thắt sẽ sớm được tháo gỡ, tuy nhiên do công ty chưa hoàn thiện xong phương án sử dụng đất và phương án sắp xếp lại nhà đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP nên quá trình xử lý phải gác lại.
Không thể ngồi chờ, thời thế buộc công ty phải gắng gượng thực hiện chủ trương xây dựng Nhà máy thu mua và chế biến cà phê, cao su ở địa điểm mới. Dù vậy trong bối cảnh sản xuất kinh doanh không xuôi chèo mát mái, mức đầu tư trên dưới 30 tỷ đồng là không khả thi.
Với 100% vốn nhà nước đồng nghĩa khi áp dụng chủ trương thu hồi, dẫu muốn hay không Công ty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An phải tuân thủ theo. Ở khía cạnh khác, đơn vị này sẽ được đền bù tài sản gắn liền trên đất sau nhiều năm chủ động đầu tư cũng như hỗ trợ một phần kinh phí khi đầu tư thay thế. Vì lý do này, việc chậm trễ xử lý 4 ha đất vàng vô hình đẩy doanh nghiệp này vào tình thế khốn cùng, tiến không được mà lùi cũng chẳng xong.
Một doanh nghiệp có bề dày truyền thống gần 50 năm đang đứng trước muôn vàn gian khó, hơn 4.000 người lao động và hộ nhận khoán đang sống trong tình cảnh bất an. Đây là thực tế đáng buồn, đồng thời không phải là cái kết hoàn mỹ mà chủ trương sắp xếp, đổi mới hướng đến.
Với những gì đang diễn ra tại Nghệ An, phải thừa nhận việc thực hiện chính sách cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp tại đây chưa phát huy hiệu quả.