Nhiều sao Việt điêu đứng vì bị chồng bạo hành
Trong những ngày qua, sự việc nữ diễn viên thủ vai "cô Xuyến" trong phim "Về nhà đi con" bị chồng cũ đấm vào mặt, gãy xương mũi, bị đe dọa nhận được sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận.
Cụ thể, ngày 22/6, nữ diễn viên bị người chồng thứ tư, anh Cao Thắng hành hung khi đang ở quán của người bạn thuộc phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.
"Khi tôi đang trên xe ô tô đợi người bạn chạy vào quán của cô ấy có việc thì chồng cũ xuất hiện, đỗ xe máy trước đầu xe của tôi. Anh ta chở theo con gái. Thấy bé Mầm nên tôi xuống xe và đi vào quán nói chuyện với anh ta.
Đang nói chuyện, anh ta hỏi: "Em chưa bị đánh bao giờ đúng không?" và bất ngờ đấm thẳng vào mặt tôi. Sau đó, anh ta bị bạn bè của tôi đuổi ra ngoài nhưng một lúc sau lại vòng lại và cầm dao đe dọa. Rất may, quán đông người, bạn của tôi ngăn cản nên tôi kịp chạy lên gác, đóng cửa lại", Hoàng Yến chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Theo diễn viên Hoàng Yến, sau vụ việc bị chồng cũ tấn công, chị và gia đình luôn trong trạng thái hoảng sợ và phòng bị: "Cả nhà tôi hiện đang sống trong trạng thái hoang mang lo sợ vì anh Thắng dọa sẽ giết tôi, giết cả nhà tôi".
Nữ diễn viên cũng chia sẻ, lý do chị ly hôn người chồng thứ tư kém tuổi này bởi trong cuộc hôn nhân chị bị hành hung, luôn là người phải hi sinh và nhẫn nhịn. "Bản thân tôi bị tổn thương nặng khi bị bạo hành như vậy. Trước đây, tôi bị đánh phải đi viện mấy lần rồi. Nhưng tôi thấy dã man hơn là anh ta đánh tôi trước mặt con gái 4 tuổi", chị nói.
Trước Hoàng Yến, "Nữ hoàng cảnh nóng Việt Nam" Kiều Trinh cũng bị người chồng thứ 2 thường xuyên đánh đập. Nhiều lần, cô phải chịu đựng những trận đòn roi, đi quay phim với gương mặt bầm tím. Cho tới lần, nữ diễn viên phim "Bi, đừng sợ" bị chồng đánh đến mức rạn hộp sọ, phải vào viện khâu 10 mũi, bị mất trí nhớ tạm thời thì cô mới ôm con thoát thân.
Kiều Trinh cho biết, người chồng cũ đó liên tục quấy nhiễu cuộc sống của 3 mẹ con khiến cô từng rơi vào trầm cảm…
Năm 2014, Hoa hậu Diễm Hương từng gửi Đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bộ trưởng Bộ Công an, Cơ quan cảnh sát điều tra TPHCM, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về việc bị chồng đại gia liên tục hăm dọa quấy rối và hành hung. Theo chia sẻ của người đẹp, vì ghen tuông mù quáng nên chồng cũ thường xuyên đánh đập cô dã man. Đau đớn cả thể xác và tinh thần, đến tháng 3/2014, cô ly hôn, tự giải thoát cho cuộc đời của mình.
Ngoài ra, ca sĩ Hồ Lệ Thu, người mẫu Minh Trang, MC Quỳnh Chi… cũng từng lên tiếng về việc bị chồng cũ, bạn trai cũ hành hung, đánh đập.
"Cần bảo vệ bản thân khỏi vấn nạn bị bạo hành"
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt, người đã từng làm mảng dự án về bình đẳng giới & quyền phụ nữ, chống bạo hành cho biết cảm giác bức xúc, xót xa trước thông tin diễn viên Hoàng Yến và nhiều nữ nghệ sĩ từng bị chồng tấn công, bạo hành.
"Tôi cho rằng, không chỉ cá nhân tôi mà bất kỳ ai chứng kiến cảnh đàn ông đánh đập phụ nữ đều bức xúc. Trong hoàn cảnh này, dư luận bức xúc, thương cảm cho diễn viên Hoàng Yến. Bức xúc, tội nghiệp cho cô con gái nhỏ khi phải chứng kiến hành vi đánh đập, thóa mạ mà bố xúc phạm mẹ của mình ở nơi công cộng.
Hành vi đánh đập này không chỉ làm tổn thương cơ thể người phụ nữ, không chỉ bạo hành thể xác, mà còn là hành vi bạo hành tinh thần", ThS. Lê Thị Lan Anh nói.
ThS. Lê Thị Lan Anh chia sẻ thêm: "Mười ba năm trước đây, khi tham gia dự án về bình đẳng giới, quyền phụ nữ và phòng chống bao lực gia đình; tôi và các cán bộ nghiên cứu, chuyên gia phụ trách dự án thường đi về các tỉnh xa, đến với các xã, huyện nghèo để tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực gia đình. Khi đó, tôi chứng kiến quá nhiều mảnh đời phụ nữ bất hạnh, quá nhiều vấn nạn bạo lực gia đình theo kiểu đánh đập, chửi bới, lăng mạ, hành hạ, ngược đãi... Không chỉ bị đập phá tài sản, phụ nữ còn bị đuổi ra khỏi nhà...
Đó là thực trạng và những câu chuyện buồn của hơn một thập kỷ trước, của những người đàn ông và phụ nữ ít học, nghèo khổ, túng quẫn, bần hàn.
Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của khoa học, công nghệ và truyền thông; các vấn đề về bình đẳng giới, bảo vệ quyền phụ nữ và phòng chống bạo lực gia đình đã được tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo nhân dân. Nhận thức của người dân vì thế cũng được nâng lên. Nhưng tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng, đâu đó trong những góc khuất của cuộc sống, góc tối của gia đình, vấn nạn này vẫn tồn tại, vẫn âm ỉ cháy.
Để đến hôm nay, chỉ khi câu chuyện của nghệ sĩ có chút tên tuổi đưa lên mạng, tố cáo chồng cũ; dư luận xã hội lại một lần nữa đau đớn, xót xa cho thân phận phụ nữ sống giữa Thủ Đô, trong thời kỳ kỷ nguyên số hiện đại vẫn bị bạo hành cả thể xác và tinh thần".
Theo ThS. Lê Thị Lan Anh, các nữ nghệ sĩ nói riêng và phụ nữ nói chung cần tìm hiểu cách để bảo vệ bản thân khỏi vấn nạn bị bạo hành.
"Chẳng ai muốn bị bạo hành, ai cũng muốn tránh. Tuy nhiên, để phòng tránh triệt để, chị em phụ nữ cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Từ đó, hiểu được các hành vi bạo lực, các hình phạt đối với các hành vi đó và cơ quan tố giác khi chẳng may rơi vào cảnh bạo lực.
Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, hành vi bạo lực gia đình được chia làm 4 nhóm: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục, và cụ thể như sau:
Bạo lực gia đình là một hình thức của bạo lực trong xã hội, xảy ra giữa các thành viên trong gia đình, gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của các thành viên. Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 đưa ra định nghĩa về bạo lực gia đình như sau: "Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình".
Như vậy, hành vi bạo lực gia đình được thực hiện với lỗi cố ý, nhằm gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế của con người. Chủ thể thực hiện hành vi này phải là thành viên trong gia đình, và đối tượng bị gây tổn hại là các thành viên khác trong gia đình đó.
Hành vi bạo lực gia đình thể hiện dưới các hình thức sau:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
- Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Cần lưu ý rằng, khái niệm gia đình trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình mở ra đối tượng rất rộng, gia đình không chỉ là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống với nhau mà còn bao gồm cả trường hợp thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà sống chung với nhau như vợ chồng.
Phụ nữ và trẻ em gái cần được giáo dục và tự tìm hiểu về các hành vi bạo lực gia đình. Từ đó, khi rơi vào các hoàn cảnh tương tự, thì chủ động tố giác để các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời", ThS. Lê Thị Lan Anh cho biết./.
Cơ sở pháp lý để xử lý hành vi bạo lực gia đình:
- Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017".