Không còn bệnh nhân COVID-19 nào phải thở ECMO
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 7/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 960 ca nhiễm mới đều trong nước (tăng 158 ca so với ngày trước đó) tại 41 tỉnh, thành phố (có 822 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc nhất trong ngày nhưng lần đầu tiên đã về con số dưới 200 ca.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 929 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.727.005 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.327 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.719.243 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.019), TP. Hồ Chí Minh (609.569), Nghệ An (484.855), Bắc Giang (387.599), Bình Dương (383.781).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi ở nước ta là: 9.523.290 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.160.634 trường hợp, trong đó có 56 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 49; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2; Thở máy không xâm lấn: 5;
Các biến chủng, biến chủng phụ đáng lo ngại vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh
Trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia (Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nam Phi...) và tại khu vực châu Mỹ, châu Phi và Tây Thái Bình Dương. Các biến chủng, biến chủng phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch do đó cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.
Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ...
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023./.